Quyền lợi của người bán thuốc thú y quá lớn, tiếp thị tận ngõ ngách hộ chăn nuôi kích thích lựa chọn của nông dân không được tập huấn, thiếu kiến thức.
Xem thêm: Các loại chất cấm và vì sao cấm dùng trong chăn nuôi
Trước nhiều ý kiến cho rằng, chất cấm trong nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi vẫn được sử dụng không kiểm soát và khó tin tưởng có thể quản lý được trong năm 2016, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ Nguyễn Văn Ngọc lại tin tưởng điều này.
Ông Nguyễn Văn Ngọc cho hay, từ khi Luật Hình sự áp dụng đối với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cùng với việc ban hành danh mục các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi như Salbutamol, clenbutero, cimaterol, ractopamine… dùng để kích thích tăng trưởng (tạo nạc, tăng trọng) cho gia súc, gia cầm được ban hành, tâm lý nhiều hộ gia đình chăn nuôi đã thay đổi và cẩn trọng hơn trong lựa chọn thuốc cũng như thức ăn chăn nuôi.
"Đa phần nông dân sản xuất nông nghiệp ta là những hộ nông sản xuất nhỏ lẻ. Trong số đó lại có một bộ phận không có kiến thức về chăn nuôi, không có tập huấn cách chăn nuôi mới hoặc được tập huấn nhưng không nghe theo mà cố hữu suy nghĩ tự ra hiệu thuốc thú y để mua những sản phẩm thuốc được quảng cáo", ông Ngọc nhận định.
Theo ông Ngọc, lực lượng tiếp thị của các nhà sản xuất thức ăn, các loại thuốc kháng sinh, của người bán hàng thuốc thú y đông đảo và tiếp cận sâu vào từng ngõ ngách của người dân, tiếp thị tận nơi bằng hình thức đi rong, bán dạo sẽ gây chú ý với nông dân bởi tính tiện lợi. Người nông dân dễ dàng lựa chọn các sản phẩm thuốc theo các tư vấn bán thuốc.
Quyền lợi của người bán thuốc quá nhiều. Họ được phép ép người tiêu dùng mua thuốc. Có thể bệnh đó chỉ cần 1 loại thuốc nhưng họ kê khai nhiều thêm thành 2, 3 loại thì người mua cũng phải nhắm mắt đi mua.
Người nông dân khi đó mua vô tội vạ các loại thuốc, thức ăn mà không biết đến công dụng và tác hại ra sao.
"Thực chất người nông dân nhỏ lẻ bị lừa chứ không phải họ cố ý", ông Ngọc khẳng định.
Trong khi đó, lực lượng cán bộ thú y chưa thể tiếp cận sâu hơn. Điều này gây ảnh hưởng tới nhận thức của người nông dân và thúc đẩy họ tiêu dùng.
Chỉ cần làm được điều này, thậm chí có các loại hóa chất trôi nổi trên thị trường, thì người nông dân cũng không sử dụng.
Giải pháp đối với nhóm người chăn nuôi nhỏ lẻ được ông Ngọc cho hay bước đầu phải nâng cao nhận thức của người nông dân các kiến thức cần có về hóa chất, quy trình chăn nuôi sạch, chăn nuôi đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng.
"Hãy nghe lời cán bộ thú y chứ đừng nghe những lời tư vấn bán thuốc. Bởi thực chất, những người bán thuốc cũng có những quyền lợi quá lớn và mục tiêu lợi nhuận bán sao được nhiều thuốc càng tốt hơn mục tiêu chữa khỏi bệnh cho vật nuôi", ông Ngọc cảnh báo.
Trong khi đó, tham gia các khóa tập huấn chăn nuôi, người nông dân hoàn toàn có thể nắm được các kiến thức mới để chăn nuôi tốt hơn chứ không phụ thuộc vào thuốc phòng chữa bệnh bằng kháng sinh.
Cán bộ thú y ở tuyến gần nhất có thể là người phổ biến những kiến thức này.
Nhà nước đã có vai trò hướng dẫn, nông dân cũng phải có vai trò học hỏi, nắm bắt kiến thức để điều chỉnh chăn nuôi.
Cùng với các công tác kiểm soát chất cấm trên thị trường và sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Nông nghiệp thời gian qua, ông Ngọc tin tưởng kiểm soát chất cấm sẽ không còn là câu chuyện nghe rồi "chẹp miệng, lắc đầu".
Xem thêm: Phát hiện hành vi mới trong buôn bán chất cấm trong chăn nuôi
Chăn nuôi lớn: Dễ kiểm soát, lợn nhuận cao, tiêu dùng đảm bảo
Vị Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ cho rằng, đối với các doanh nghiệp chăn nuôi, từng đồng chi phí sẽ gắn vào lợi ích kinh doanh nên quá trình chăn nuôi sẽ được kiểm soát tỉ mỉ, chất lượng và các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm cũng sẽ được đảm bảo.
Doanh nghiệp vẫn sử dụng các chất kích thích nhưng họ có thời gian ngưng trước khi sản xuất, các hóa chất này trong cơ thể vật nuôi sẽ được phân rã trước khi xuất chuồng chứ không có kiểu hôm trước xuất chuồng thì đêm nay tiêm thuốc.
Nhắc tới mô hình doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm của Mỹ, ông Ngọc cho hay doanh nghiệp được quản lý chặt chẽ bởi nhà nước vì con số của họ ít hơn và làm việc tập trung.
Vốn là những doanh nghiệp lớn, họ cũng chú trọng lợi nhuận trên hết và cơ quan nhà nước hoàn toàn kiểm soát được quy trình sản xuất này, họ cho phép người dân sử dụng. Khi sử dụng các loại hóa chất trong chăn nuôi, doanh nghiệp đó hoàn toàn phải có quy trình và trong đó phải có thời gian ngừng trước khi giết mổ.
"Các doanh nghiệp Mỹ làm ăn lớn và họ sản xuất theo dây chuyền. Nước Mỹ có khoảng 5-10 công ty thôi và họ sản xuất ra toàn nước Mỹ.
Họ có những nông trang lớn để sản xuất, khu vực chăn nuôi do doanh nghiệp quản lý riêng và kiểm soát tất cả đầu vào sản phẩm. Doanh nghiệp thu mua riêng, giết mổ riêng. Nhà nước Mỹ kiểm soát đầu ra sản phẩm, nếu đạt các tiêu chuẩn liều lượng các chất sẽ được xuất xưởng", ông Ngọc nói.
Trong khi tại Việt Nam, đặc điểm của chúng ta là sản xuất nhỏ lẻ, khó quản lý. Hàng triệu nông dân và mỗi nhà lại một cánh đồng thì rất khó trong quản lý. Khi không quản lý được thì chúng ta cấm.
Do vậy, tại Việt Nam, hiện chẳng còn cách nào ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân, gia tăng trách nhiệm xã hội của họ để thực hiện sản xuất xanh.
Xem thêm: Từ 1/7/2016 sẽ phạt tù với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Hiện nay, các Hợp tác xã nông sản vẫn tồn tại và các doanh nghiệp hoạt động thành các chuỗi liên kết mang lại hiệu quả khá cao.
Ông Ngọc nêu ví dụ: 4 "nhà" cùng thực hiện theo chuỗi liên kết gồm: nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà chọn giống, nhà chăn nuôi, nhà giết mổ phối hợp với nhau làm thành một quy trình có kiểm soát được. Nếu tiếp tục các mô hình nhỏ lẻ, trôi nổi thì đặc biệt khó kiểm soát.
Tại Đồng Nai, Sài Gòn có doanh nghiệp chuyên bán thức ăn, con giống rồi thu mua lại gà, lợn, đảm bảo đầu ra cho nông dân với điều kiện, người nông dân phải đảm bảo các quy trình chăn nuôi mà họ đặt ra.
Để đáp ứng được tiêu thụ sản phẩm ra thị trường, người chăn nuôi phải đảm bảo được các yêu cầu mà nhà phân phối đưa ra.
Người chăn nuôi phải có các sổ ghi chép. Tuần đầu nông dân làm gì cho ăn gì, tuần 2, tuần 3... cho tới khi xuất chuồng. Giả sử tuần 7 được xuất thì nông dân bắt đầu tiến vào một quy trình khác - tạm ngưng sử dụng chất kích thích trước xuất chuồng. Điều này đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, sinh lời thì mới tiếp tục đầu tư. Đó là một bài toán kinh tế đơn giản mà doanh nghiệp nào cũng hiểu được.
Tác giả: Cúc Phương
Nguồn tin: Báo Đất Việt