Nói cơ sở nào để không cần đưa Cysteamine vào danh mục cấm, hay cơ sở nào để đưa nó vào danh mục cấm, đều khó. Vì Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về chất này để có quyết định trên cơ sở thực tế.
Trước hiện trạng Cysteamine đang được một số hộ sử dụng lén lút trong chăn nuôi, phóng viên NNVN có buổi trao đổi với TS Lã Văn Kính về việc có nên đưa chất này vào danh mục cấm hay không.
TS Lã Văn Kính (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Giám đốc Phân Viện chăn nuôi Nam bộ, là một chuyên gia về dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi Việt Nam.
Thưa ông, Cysteamine được sử dụng trong chăn nuôi ở nước ta từ bao giờ? Vì sao người ta thích sử dụng chất này?
Cysteamine đã được sử dụng trong chăn nuôi heo ở nước ta từ lâu rồi. Năm 2007, Cysteamine đã được đưa vào danh mục thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được phép lưu hành, sử dụng ở Việt Nam. Năm 2012 chúng tôi đã báo cáo Bộ NN-PTNT và đề nghị loại bỏ chất này khỏi danh mục cho phép lưu hành. Bộ đã giao Cục Chăn nuôi xem xét vấn đề này. Sau đó, Cục Chăn nuôi đã tổ chức một số cuộc họp đánh giá về Cysteamine. Đến năm 2014, Cysteamine đã bị rút khỏi danh mục được phép lưu hành, sử dụng.
Tuy nhiên, hiện nay, một số hộ chăn nuôi vẫn đang lén lút sử dụng Cysteamine, nhất là sau khi Salbutamol bị đưa vào danh mục cấm. Cysteamine có thể mang lại siêu lợi nhuận cho người chăn nuôi, do có tác dụng kích thích tăng trọng, tăng tỷ lệ thịt nạc, giảm tiêu tốn thức ăn. Tác dụng làm vật nuôi tăng nạc của nó cũng không bất hợp pháp như Salbutamol.
Ở Việt Nam đã có nghiên cứu về những tác hại của Cysteamine hay chưa?
Đến giờ này, ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào về Cysteamine. Còn trên thế giới, hầu hết chỉ có Trung Quốc nghiên cứu về tác dụng của Cysteamine trong chăn nuôi. EU và Mỹ đã nghiên cứu nhiều về sử dụng Cysteamine trong điều trị bệnh ở người. Kết quả cho thấy nếu dùng Cysteamine liều cao, sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người như có thể gây loét tá tràng, hoại tử vỏ thượng thận, dị tật thai nhi.
Những nước nào đã cấm sử dụng Cysteamine trong chăn nuôi, thưa ông?
Hiện đang có thông tin cho hay Trung Quốc cho phép sử dụng Cysteamine trong chăn nuôi, nhưng thực tế thì không biết thế nào. EU và Mỹ không cấm chất này bởi vì người chăn nuôi của họ không có tư duy sử dụng những chất kiểu như melamin, Cysteamine… trong chăn nuôi.
Ở nước ta đang tồn tại 2 quan điểm về Cysteamine trong chăn nuôi. Quan điểm thứ nhất là không đưa vào danh mục được phép sử dụng nhưng cũng không cần đưa vào danh mục cấm. Quan điểm thứ hai là đã không cho sử dụng thì nên đưa vào danh mục cấm. Ông ủng hộ quan điểm nào?
Đúng là đang tồn tại 2 quan điểm như vậy. Quan điểm không cần đưa vào danh mục cấm (dù cũng ủng hộ không cho sử dụng), dựa trên cơ sở rằng Trung Quốc đang cho sử dụng chất này trong chăn nuôi. Còn một quan điểm là nên đưa chất này vào danh mục cấm.
Quan điểm nào cũng có lý cả. Thực ra, nói cơ sở nào để không cần đưa Cysteamine vào danh mục cấm, hay cơ sở nào để đưa nó vào danh mục cấm, đều khó. Vì Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về chất này để có quyết định trên cơ sở thực tế.
Tôi thì ủng hộ quan điểm nên cấm Cysteamine. Tuy Việt Nam chưa nghiên cứu về Cysteamine nhưng có thể tin tưởng vào các nghiên cứu đã công bố của EU, Mỹ về tác hại của nó đối với sức khỏe con người.
Tôi cho rằng nếu đã không cho sử dụng Cysteamine thì cũng nên đưa nó vào danh mục chất bị cấm. Vì với đặc tính xã hội ở nước ta hiện nay, việc bảo đảm ATVSTP trong chăn nuôi, trồng trọt còn chưa chặt chẽ, luật pháp lại chưa nghiêm...
Nếu không đưa Cysteamine vào danh mục cấm sử dụng, người ta vẫn sẽ cho vào thức ăn chăn nuôi. Bởi nếu bị phát hiện, họ chỉ bị phạt hành chính 10-20 triệu đồng. Mức phạt này không là gì so với siêu lợi nhuận mà Cystreamine mang lại.
Một thực tế cũng cần nhắc tới là việc phân tích Cysteamine. Hiện nay rất ít phòng thí nghiệm ở nước ta có thể phân tích chính xác được và ngay tại Trung Quốc cũng chưa có phương pháp phân tích nhanh Cysteamine.
Việc phân tích Cysteamine phải dùng máy sắc ký vừa tốn thời gian và tốn chi phí. Do đó, nếu không cấm sử dụng chất này, sẽ khó cho chính các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Khi đã bị đưa vào danh mục cấm, người ta sẽ không dám sử dụng nó nữa.
Có quan điểm cho rằng nếu không cho sử dụng Cysteamine thì ngành chăn nuôi Việt Nam gặp khó khăn trong cạnh tranh với nước ngoài, có phải vậy không?
Hoàn toàn ngược lại. Tôi có thể khẳng định rằng các tiến bộ kỹ thuật về giống, dinh dưỡng và kỹ thuật chăn nuôi khác ở Việt Nam đã được áp dụng trong thực tế sản xuất khá tốt, vẫn tạo được con heo nhiều nạc và vẫn đang có lợi nhuận tốt. Việc sử dụng những chất kích thích có nguy cơ gây mất ATTP là mối đe dọa cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.
Nếu người tiêu dùng Việt Nam quay lưng lại với sản phẩm của chính chúng ta thì ngành chăn nuôi sẽ đi về đâu trong khi hiện tại gần 100% sản phẩm là tiêu thụ trong nước. Hơn nữa, chúng ta đang phấn đấu XK sản phẩm chăn nuôi, nếu vấn đề ATTP không tốt thì tự chúng ta đóng cửa thị trường XK của mình.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: PV Báo Nông nghiệp Việt Nam