Rotavirus là một trong 5 nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy trên heo phổ biến nhất hiện nay. Chúng có mặt ở hầu hết mọi đàn heo và luôn thường trực trong môi trường.
Rotavirus có khả năng đề kháng rất tốt với các chất sát trùng cũng như với các biến đổi của môi trường nên chúng có thể tồn tại rất lâu bên ngoài cơ thể heo. Điều này giải thích tại sao bệnh dễ bùng phát thành dịch.
Bệnh thường xuất hiện trên heo con từ 7-10 ngày tuổi cho đến 40 ngày tuổi với các triệu chứng như heo tiêu chảy phân lỏng, hậu môn luôn ẩm ướt, heo gầy hóp bụng, lông xơ xác…
Theo thống kê, chỉ có khoảng từ 10-15% các ca tiêu chảy trên heo có nguyên nhân chính là do rotavirus gây ra. Bởi vậy, để có được hướng khắc phục hiệu quả nhằm hạn chế tối đa thiệt hại thì một trong những việc quan trọng cần làm là chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh chính có thực sự là do rotavirus hay không.
Bài viết dưới đây VietDVM.com xin phép giới thiệu đến quý độc giả và bà con chăn nuôi cách thức làm sao để xác định xem heo nhà bạn có phải là đã nhiễm rotavirus hay không. Hy vọng có thể giúp ích cho bà con chăn nuôi khi nghi ngờ và muốn tìm tư liệu tham khảo.
Mục tiêu của quá trình chẩn đoán bệnh Rotavirus trên heo
- Xác định heo bệnh có phải do rotavirus hay không hay do nguyên nhân khác?
- Nếu là rotavirus thì có ghép thêm với bệnh nào không? Nó là nguyên nhân chính hay là nguyên nhân kế phát?
Từ đó có căn cứ để hoạch định hướng điều trị sao cho hiệu quả nhất.
Các bước chẩn đoán bệnh Rotavirus trên heo:
1. Căn cứ vào tình hình dịch tễ của bệnh tại thời điểm đó.
Khi thấy heo con tiêu chảy mà nghi là rotavirus thì việc trước tiên cần làm là để ý xem tình hình dịch tễ của các trại, các vùng xung quanh xem có phải ở đó đang có dịch bệnh này hay không.
Nếu câu trả lời là có thì nhiều khả năng nghi ngờ của chúng ta là đúng. Nếu không thì ngược lại. Nhưng dù thế nào thì chúng ta cũng tiếp tục bước chẩn đoán thứ 2 – là bước căn cứ vào biểu hiện triệu chứng của các heo bệnh.
2. Căn cứ vào biểu hiện triệu chứng.
Bệnh xảy ra trên heo từ 1-6 tuần tuổi và gặp nhiều nhất trên heo 3 tuần tuổi với các triệu chứng như:
- Lúc đầu heo mất nước, có các biểu hiện rối loạn hấp thu và tiêu chảy phân màu trắng hoặc vàng. Sau vài giờ hoặc vài ngày phân đặc như kem rồi quánh lại trước khi trở lại bình thường. Toàn bộ quá trình rối loạn tiêu hóa hấp thu này thường kéo dài trong khoảng 3-4 ngày.
- Heo gầy hóp bụng, mắt trũng sâu, hậu môn ướt do dính phân.
Bệnh sẽ trở nên trầm trọng và tỷ lệ tử vong tăng cao khi ghép với E.coli.
3. Căn cứ vào bệnh tích điển hình khi mổ khám.
Mổ khám thấy sữa trong ruột không được tiêu hóa, dạ dày căng phồng đầy sữa đặc. Thành ruột mỏng, trong ruột chứa chất màu vàng dính dính. Lớp lông nhung trên bề mặt biểu mô ruột teo nhỏ, hư hỏng nặng.
4. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Tuy nói vậy nhưng 3 căn cứ trên là không đủ để có thể khẳng định heo bị bệnh có phải do rotavirus hay không, vì các tổn thương do virus này gây ra trên heo thường không rõ ràng mà lại có nhiều đặc điểm chung chung với các bệnh gây tiêu chảy khác.
Bởi vậy nên việc xét nghiệm trong phòng thí nghiệm là cần thiết trong quá trình chẩn đoán bệnh.
Việc phát hiện trực tiếp rotavirus trong phân heo có thể được thực hiện bởi các kỹ thuật khác nhau như Elisa, xét nghiệm kết dính cao su nucleoprotein-latex hoặc RT-PCR. Ngoài ra cũng có thể sử dụng phương pháp mô bệnh học hoặc PCR để xác định sự có mặt hay không của rotavirus.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng việc phát hiện thấy rotavirus trong phân của heo không có nghĩa nó là nguyên nhân chính gây tiêu chảy trên heo mà chúng ta chỉ có thể khẳng định sự có mặt hay không của nó trong ổ dịch này mà thôi.
Muốn xác định đâu là nguyên nhân chính thì chúng ta cần phải dựa thêm vào tất cả 3 căn cứ đã nêu bên trên cộng với kinh nghiệm cũng như suy luận của người trực tiếp chẩn đoán mới có thể khẳng định được nguyên nhân chính xác.
5. Phân biệt với một số bệnh gây tiêu chảy trên heo khác
Ngoài 4 căn cứ trên thì khi chẩn đoán cũng cần phân biệt được heo nhiễm rotavirus với 4 bệnh tương tự như sau để khi phân tích nguyên nhân gây bệnh không bị nhầm lẫn.
Như vậy, việc xác định căn nguyên chính, phụ gây bệnh cho heo trong trường hợp nghi nhiễm rotavirus cần phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố. Từ dịch tễ của bệnh, triệu chứng, bệnh tích, kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho đến kinh nghiệm thực tế của người trực tiếp chẩn đoán.
VietDVM team