Mật độ các cuộc "giải cứu" nông sản ngày càng dày hơn, thời gian để hỗ trợ tiêu thụ một mặt hàng dài hơn, kéo theo nhiều hệ lụy dây chuyền
Sau hàng loạt cuộc "giải cứu", cả nước vẫn đang đẩy mạnh tiêu thụ thịt heo qua hơn 1 tháng phát động. Nhiều siêu thị đang giảm giá thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo.
»› TPHCM sẽ có 'thịt heo đồng giá' 35.000 đồng/kg
»› Cập nhật tình hình giá heo hơi
Chạy theo số lượng
Tại Đồng Nai, nơi có đàn heo lớn nhất nước, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng liên tục mở các điểm bán thịt heo giá rẻ để kích cầu tiêu dùng và tìm thêm đối tác tiêu thụ. TP HCM, thị trường tiêu thụ lớn nhất nước, cũng hỗ trợ nông dân tiêu thụ hết lứa heo tồn bằng cách lùi thời gian bắt buộc đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt thêm 3 tháng, thay vì áp dụng rộng rãi từ tháng 6-2017.
Lượng heo tồn không chỉ tập trung ở vựa chăn nuôi Đông Nam Bộ mà còn từ nhiều vùng, miền khác của cả nước bởi ở đâu nông dân cũng nuôi. Tuy nhiên, giá heo hơi vẫn quanh mức 20.000-25.000 đồng/kg, bằng khoảng 70% giá thành. Người nuôi vẫn lỗ nặng do lượng heo thừa còn quá lớn so với sức tăng tiêu thụ từ kêu gọi "giải cứu".
»› Cập nhật tình hình giá cả thị trường thời gian qua
Khi giá heo hơi chưa được cải thiện thì đến người chăn nuôi gia cầm lo lắng vì giá mặt hàng này đang ở mức từ hòa đến lỗ vốn. So với mọi năm, giá sản phẩm gia cầm không quá bất thường do đây là giai đoạn tiêu thụ thấp điểm. Tuy vậy, sự kêu cứu của người nuôi không phải thừa bởi nếu xã hội dành sự quan tâm nhiều hơn cho thịt heo giá rẻ thì trứng, thịt gà dễ bị loại ra khỏi thực đơn trong thời gian dài và ngày chờ "giải cứu" ngành gia cầm cũng sẽ tới.
Trước đó là đợt giải cứu chuối kéo dài trong 2 tháng đầu năm 2017 với sự vào cuộc rầm rộ của nhiều ban, ngành. Nguyên nhân bắt nguồn từ năm 2015, Trung Quốc ngưng nhập chuối của Philippines nên thương lái Trung Quốc đến Việt Nam tìm nguồn cung thay thế khiến giá tăng cao. Từ đó, phong trào trồng chuối để bán sang Trung Quốc rộ lên giữa lúc nước này tăng diện tích trồng và cho phép nhập khẩu chuối trở lại từ Philippines. Do vậy, chuối ế là chuyện dễ hiểu.
Tuy nhiên, khi tham gia ủng hộ nông dân, nhiều người tiêu dùng mua phải chuối để hoài không chín, phải bỏ đi. Nguyên nhân không hẳn là do nông dân cắt chuối non mà còn do khâu phân phối không chuyên nghiệp nên sản phẩm đến người tiêu dùng thì bị lỗi.
Đến tháng 4-2017, dưa hấu miền Trung lại cần "giải cứu" do thương lái ngưng mua và đây cũng không phải lần đầu...
»› Để không còn các cuộc giải cứu
Chuyện được mùa rớt giá của nông sản Việt đã tồn tại trong nhiều năm qua nhưng phong trào "giải cứu" có lẽ bắt đầu từ quả vải thiều vào hè 2014. Trước đó, vải thiều chủ yếu bán ở các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi thị trường Trung Quốc ngưng nhập vải thiều, cả nước đã có cuộc "giải cứu" ngoạn mục nhờ sự chung sức của người dân. Tại TP HCM, 3 chợ đầu mối nông sản đã đưa chương trình tiêu thụ vải thiều vào hoạt động thường niên để sẵn sàng cho mùa cao điểm. Tiếp đó, năm 2015 lại rộ phong trào "giải cứu" hành tím Sóc Trăng do Indonesia ngưng nhập khẩu vì nước này đã đủ nguồn cung.
Thực tế cho thấy việc tổ chức sản xuất và thông tin thị trường kém dẫn đến bị động trong tiêu thụ nông sản. Những đợt "giải cứu" nông sản thời gian qua cho thấy rõ nhiều bất cập của nền nông nghiệp khi chạy theo số lượng, thiếu gắn kết thị trường. Điểm nổi bật của những sản phẩm phải "giải cứu" là thiếu công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến nên bắt buộc phải bán ngay, không thể lưu kho. Vì thế, đến thời điểm thu hoạch rộ, bị ép giá cỡ nào, nông dân cũng phải bán nếu không muốn đổ bỏ, mất trắng. Ngay sản phẩm chăn nuôi như trứng, thịt, phần lớn chỉ bán tươi, việc đầu tư vào giết mổ, bảo quản chưa đáng kể nên không thể lưu kho, đợi giá lên mới bán được.
Việt Nam là nước có lợi thế về nông nghiệp, nông dân có nhiều kinh nghiệm cộng thêm sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên những năm gần đây, phần lớn nông sản trúng mùa. Thế nhưng, đấy chỉ là số lượng, còn chất lượng nông sản Việt vẫn chưa ổn định, chỉ được chấp nhận ở những thị trường dễ tính, giá rẻ. Vì vậy, không chỉ khó thâm nhập thị trường khó tính, nông sản Việt còn có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.
»› Tại sao cả thế giới đã ăn thịt heo đông lạnh từ lâu?
Cần có Luật Nông nghiệp
Bên lề kỳ họp Quốc hội (QH), trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc nông sản dư thừa dẫn đến các cuộc "giải cứu" trong thời gian qua, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng việc này chỉ gắn với giải quyết nhu cầu cấp bách chứ không thể diễn ra thường xuyên.
Điều cần làm hiện nay, theo ĐB Trần Hoàng Ngân, là phải cơ cấu lại nền nông nghiệp, đồng thời xác định đây là nền kinh tế mũi nhọn. Chúng ta đã xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn thì nông nghiệp cũng vậy. Việt Nam có tới 65% dân số sống ở nông thôn với 23 triệu lao động nhưng chúng ta lại chưa có Luật Nông nghiệp. "Cần có Luật Nông nghiệp cũng như cần có sự đầu tư thỏa đáng hơn cho ngành này để có thể sản xuất với quy mô lớn, hiện đại hóa. Có như vậy, sản phẩm nông nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu thị trường trong và ngoài nước" - ĐB Ngân nói.
Về thị trường, ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất có một phó thủ tướng phụ trách mảng nông nghiệp và nông thôn, từ đó có những điều tiết hài hòa, gắn kết giữa các bộ, ngành nhằm thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp đến được thị trường và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, giảm bớt việc "giải cứu" mà chúng ta vẫn thường nghe. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần có sự thay đổi về tư duy sản xuất.
"Muốn nông dân thay đổi thì nhà nước phải có định hướng cho họ. Nhà nước phải đầu tư thích đáng để công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nông nghiệp, nông thôn. Đây là yêu cầu cấp bách" - ông Ngân nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu khi thảo luận ở tổ chiều 25-5, ĐB Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, cho rằng không đưa vấn đề tiêu thụ nông sản ra thì thấy có lỗi với cử tri, bà con nông dân. "Các ĐBQH nói điệp khúc được mùa mất giá. Tôi nhớ là cụm từ này được nói đến 3 nhiệm kỳ rồi nhưng vẫn không giải quyết được, dẫn đến tình trạng như vừa rồi thì không thể chấp nhận được" - ông Giàu bức xúc.
Để chấm dứt tình trạng mãi "giải cứu" nông sản, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH đề nghị Chính phủ cần có những dự báo chính xác nhằm cảnh báo cho nông dân. Chỉ cần đưa ra dự báo và thông tin thị trường chính xác sẽ cải thiện được tình hình. Ít nhất là phải có phương án dự phòng, cấp đông sản phẩm hay chế biến đồ hộp trong tiêu thụ nông sản.
"Cứ nói "giải cứu", may mà là giải cứu heo chứ thêm bò, ngan, gà, vịt thì nguy vì cứ giải cứu cái này thì lại dư thừa cái khác. Chúng ta đủ khả năng dự báo và đủ sức cảnh báo, vậy tại sao chúng ta không làm được?" - ông Giàu nêu vấn đề.
ĐB Nguyễn Văn Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) thì nhìn nhận Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo sát sao nhưng cơ quan bên dưới lại vào cuộc chậm trong việc đưa ra chính sách hỗ trợ nông dân.
- ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (tỉnh An Giang) nhận xét trong việc tiêu thụ nông sản, nhà nước chưa chủ động hỗ trợ nông dân, việc kết nối cũng thực hiện chưa thành công. Chính phủ đã có những giải pháp tiêu thụ nông sản nhưng chưa rõ nét và chuyển biến chậm. Các bộ, ngành cũng nên sớm tháo gỡ vướng mắc trong tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tránh tình trạng cứ sản phẩm nào ế là chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ, cách đối phó như vậy không mang tính chiến lược.
- "Nếu không có giải pháp cụ thể, không chỉ heo mà sẽ còn là bò hay những sản phẩm khác và Chính phủ không thể nào xử lý theo kiểu đối phó từng sự vụ như thế" - ĐB Tuyết nói.
Theo: Vương Ngọc - Văn Duẩn
Nguồn: Báo lao động