Vâng, những ngày qua việc giá heo xuống thấp tới mức kỷ lục đã không còn gì xa lạ và đáng nói nữa. Nhưng nếu đã thất bại, đã xuống đáy như vậy rồi, chẳng lẽ chúng ta để cho thất bại lần này trôi qua một cách vô ích như vậy mà không hành động gì? Không rút ra được bài học gì để không còn lần sau như thế này nữa???
“Làm được gì bây giờ? Một mình tôi thì làm được gì? Khó lắm…”, vâng! Nếu ai cũng thấy khó và không hành động gì thì chăn nuôi Việt Nam chắc chắn sẽ còn bị “tát” nhiều nữa.
»› Chăn nuôi lợn vỡ trận vì tái cơ cấu nửa vời và yếu khâu thị trường
Bài viết này của VietDVM.com ra đời chỉ với một mục đích duy nhất: “kêu gọi những hành động thiết thực của tất cả mọi người dù là nhỏ nhất; từ người tiêu dùng, người chăn nuôi cho đến các chủ doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước và các tổ chức truyền thông báo chí”. Chỉ cần mỗi cá nhân, mỗi tập thể đóng góp 1 phần nhỏ ý thức, hành động của mình thì cho dù khó khăn và lâu dài tới đâu chúng ta chắc chắn sẽ đến đích, nếu không chạy được thì ít nhất cũng “bò” đến đích – đưa ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và chăn nuôi heo nói riêng phát triển tương xứng với tiềm năng đang có.
Vậy cụ thể mỗi cá nhân, tổ chức cần làm gì để vực dậy một ngành chăn nuôi Việt Nam đang ở đáy vực thẳm này?
Trước hết, mỗi người dân Việt Nam nếu có quan tâm tới vấn đề này cần xác định rõ không có cái gì là dễ dàng và ngày một ngày hai là có thể giải quyết xong. Chúng ta cần một quá trình để nâng cao ý thức và hành động của cộng đồng chăn nuôi Việt Nam.
Sau đó, mỗi người, mỗi tổ chức hãy làm thật tốt nhiệm vụ của mình. Cụ thể:
1. “Nhiệm vụ” của người tiêu dùng với chăn nuôi Việt Nam?
Cho dù bạn là ai, là kỹ sư, công nhân, giám đốc, giáo viên…hay thậm chí bạn là chủ trang trại chăn nuôi heo, nếu bạn có ăn thịt heo thì bạn thuộc nhóm người tiêu dùng.
Thói quen tiêu dùng của bạn quyết định rất lớn tới không chỉ ngành chăn nuôi mà còn cả sức khỏe của chính bạn và gia đình. Vậy nên, hãy là người tiêu dùng thông minh. Từ bỏ thói quen mua thịt nóng tại các chợ cóc – nơi rất khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
»› Thịt heo Việt Nam có lượng kháng sinh tồn dư quá lớn
Như vậy, điều bạn cần làm ở đây là hiểu rõ và truyền đạt cho những người xung quanh bạn hiểu rằng: “Ăn thịt đông lạnh thay cho thịt nóng bán ngoài chợ mới là lựa chọn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tốt cho bạn và cho gia đình”.
Không phải vì heo xuống giá mà chúng tôi nói vậy với mục đích gì cả. Bạn biết đấy, vi khuẩn mà đặc biệt là vi khuẩn Samonella gây ngộ độc thực phẩm có mặt ở khắp nơi trong môi trường; và những phản thịt heo cả năm trời không rửa ngoài các chợ cóc Việt Nam chính là nơi chúng thích nhất.
Bạn có thể nói “ôi dào, bao lâu nay chúng tôi đều ăn như vậy có sao đâu”, vâng, bạn biết đấy, một lượng nhỏ vi khuẩn không gây nên ngộ độc nhưng nó sẽ phá hủy niêm mạc ruột của chúng ta dần dần mỗi ngày một chút cho đến khi sức đề kháng suy yếu nó mới bùng phát dưới nhiều hình thức (đau bụng, tiêu chảy, gầy kinh niên, không hấp thụ được thức ăn, cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng…), hơn nữa chúng còn có thể mở đường cho nhiều virus, vi khuẩn gây bệnh khác xâm nhập vào cơ thể vậy thôi.
»› Bê bối thịt bẩn Brazil: Heo, gà ..Việt Nam hưởng lợi?
Cuối cùng, nếu bạn vẫn thấy không cần thay đổi thói quen này, hãy đi ra khỏi đất nước hình chữ S nhỏ bé của chúng ta để xem cả thế giới họ đã ăn thịt đông lạnh từ RẤT RẤT LÂU rồi như thế nào nhé.
Nếu có thể, hãy chọn mua thịt heo đông lạnh trong các siêu thị, các chuỗi cửa hàng đông lạnh thay vì thịt heo nóng ngoài các chợ cóc vì sức khỏe của chính bạn và người thân!
2. “Nhiệm vụ” của các trang trại chăn nuôi heo đối với chăn nuôi Việt Nam.
Từ trước đến nay, đa phần người chăn nuôi của chúng ta đều chỉ chăn nuôi tự phát, thấy người ta nuôi heo bán được giá cao nên cũng đầu tư nuôi theo; không chủ động được đầu ra, thậm chí đầu vào và cả quy trình chăn nuôi cũng chỉ làm theo kinh nghiệm, tự học hỏi rồi nuôi mà không biết quy trình như vậy có đúng chuẩn hay chưa. Đến khi heo bị bệnh, trại có vấn đề cũng không biết bắt đầu xử lý từ đâu hay đến lúc bán heo lại không tìm được người nào mua. Đây là lối tư duy “nông dân cố hữu” cực kỳ nguy hiểm. Vậy bây giờ, những đối tượng trang trại như thế này cần làm gì?
Hãy thay đổi tư duy: “Trang trại của bạn chính là một doanh nghiệp và chủ trang trại là giám đốc doanh nghiệp”. Chúng tôi không có ý là bạn cần làm 1 tờ giấy phép kinh doanh. Điều chúng tôi muốn các chủ trang trại chăn nuôi Việt Nam cần thay đổi ở đây là TƯ DUY CỦA 1 ÔNG CHỦ.
Vậy thế nào là tư duy của một ông chủ? Tức là bạn không chỉ thích thì nuôi mà trước khi nuôi bạn phải tự mình tìm hiểu, lo đầu ra, đầu vào, quy trình chăn nuôi như thế nào, quy trình quản lý ra sao… rồi cân đối với nguồn lực mình có để tính toán…
Còn bạn nói làm sao mà biết được những thông tin như vậy? Thì xin thưa rằng, “khi người ta muốn thì người ta sẽ tìm một giải pháp, còn khi người ta không muốn thì người ta tìm một lý do”.
Để tìm những thông tin này không quá khó như bạn nghĩ, những thông tin này có rất nhiều. Thời đại chúng ta đang sống là thời đại công nghệ thông tin, các dữ liệu đã và đang được số hóa rất nhiều, kể cả các cơ quan nhà nước. Bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm hầu hết các thông tin ở trên Internet. Hay đơn giản, ở ngay chính VietDVM cũng có thể giúp bạn được. Chúng tôi đưa ra những thông tin về thị trường chăn nuôi Việt Nam và thế giới, các chính sách liên quan đến ngành chăn nuôi, các thông số, … nhằm giúp cho các bạn thông tin về thị trường đó.
Nói tóm lại, bạn cần phải tạo ra một doanh nghiệp chủ động, nói đúng hơn là một cơ sở chăn nuôi chủ động, độc lập, có khả năng xoay sở, không phụ thuộc vào thị trường, nhà nước hay các yếu tố bên ngoài khác.
Vậy nên, chúng tôi chân thành khuyên bạn:
- Đừng nuôi nếu bạn chưa chủ động hay chưa tìm được nguồn “đầu vào” tin cậy, ổn định (con giống, thức ăn, thuốc, dịch vụ tư vấn…).
- Đừng nuôi nếu bạn chưa biết bán cho ai!
- Đừng nuôi nếu bạn chưa biết mình sẽ phải quản lý như thế nào!
Bởi vì sao ư? Bởi vì RỦI RO QUÁ CAO!!!, thị trường biến động khôn lường. Nhà nước đâu có bao cấp cho bạn đầu ra? Việc bạn bán heo được hay không phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Mà ngay cả nhu cầu của thị trường có nhưng thịt heo, thịt gà, trứng gà của bạn không đạt tiêu chuẩn để cho các doanh nghiệp thu mua họ nhập vào, thì họ đành phải nhập của nước ngoài thôi, việc vận chuyển từ nước ngoài về đâu còn khó như ngày trước nữa đâu? Như vậy là bạn đã thua rồi, thua ngay trên chính sân nhà mình!
Tóm lại, nếu bạn không chủ động được thì khi một trong các khâu trên có trục trặc, trang trại của bạn rất dễ bị ảnh hưởng nặng thậm chí phá sản. Cú tát vừa qua là một minh chứng rõ ràng cho điều đó.
Nhiệm vụ của người tiêu dùng và trang trại chăn nuôi đã rõ ràng, còn các doanh nghiệp và các tổ chức truyền thông báo chí cần làm gì để góp phần cho sự phát triển chăn nuôi nước nhà? VietDVM.com mời các bạn theo dõi tiếp phần 2: Nhiệm vụ của doanh nghiệp và tổ chức truyền thông với báo chí đối với ngành chăn nuôi nuôi Việt Nam. (Tại đây)
VietDVMTeam