Mùa hè luôn là mùa chăn nuôi vất vả nhất. Sự nóng nực không chỉ tác động lên con người mà còn có thể gây stress cho heo làm giảm đáng kể khả năng đề kháng bệnh cũng như khả năng tăng trưởng của heo. Để giúp bà con chăn nuôi “vượt qua mùa nóng” sắp tới một cách hiệu quả nhất, Vietdvm.com xin phép giới thiệu đến bà con các bước chi tiết, cụ thể cần làm trong thực tế để hạn chế tối đa những tác hại của nắng nóng lên vật nuôi.
Phòng chống nóng cho heo là công việc cần được tiến hành một cách tổng thể, đồng bộ, tỉ mỉ từ việc thiết kế chuồng trại, cho đến vệ sinh, dinh dưỡng hợp lý…
Bước 1: Chuẩn bị chuồng trại đạt yêu cầu chống nóng cho heo.
Đối với việc phòng chống nóng cho heo thì khâu thiết kế chuồng trại là khâu quan trọng nhất. Dưới đây là các tiêu chuẩn về chuồng trại đạt yêu cầu chống nóng tốt:
- Chuồng cách xa khu dân cư, không quá ồn ào.
- Thiết kế cao ráo, mát mẻ vào mùa hè, tránh được mưa tạt, gió lùa.
- Hướng chuồng tốt nhất là hướng đông nam hoặc đông tây → tránh bức xạ mặt trời.
- Nền chuồng nên làm bằng bê tông sẽ mát hơn vào mùa nóng, độ dốc 2-3%. Đối với chuồng heo thịt trên 30kg, phía cuối mỗi ô chuồng nên có bể nước cho heo tắm, nghịch nước nhưng luôn phải đảm bảo nước không được quá bẩn (1 ngày nên dọn và thay nước mới ít nhất 2-3 lần).
- Mái nhà:
+ Cách mặt đất ít nhất 2m.
+ Nên lợp mái mũi hoặc mái chồng để lưu thông không khí được tốt.
+ Chọn loại vật liệu lợp mái không nên quá nóng (ví dụ: có thể lợp mái ngói, trên đó phủ 1 lớp mái lá và bên dưới mái phía trong chuồng thì phủ 1 lớp bạt chống nóng. Tránh dùng mái quá nóng như mái fibro xi măng).
-Cửa sổ thông thoáng nhưng không nên để ánh nắng trực tiếp chiếu vào cửa. Ví dụ: nếu sáng quá, có thể lắp 1 lớp kính hoặc nilong màu tối lên để hạn chế bớt ánh sáng chiếu vào heo.
- Hệ thống quạt thông gió và giàn mát lắp đặt hợp lý (nên theo hướng dẫn của kỹ sư thiết kế chuồng trại) sao cho thông thoáng nhất và giảm được lượng khí độc lưu thông trong chuồng. Các bạn có thể tham khảo thực tế hoặc xem như hình dưới đây.
Quạt nên lắp ở thế nằm ngang.
Độ cao quạt ngang lưng gia súc → nhằm giảm khí CO2, NH3 trong chuồng nuôi.
Không treo quạt trên trần nhà, trên cao thổi xuống vì không khí thổi từ trên xuống là không khí nóng, hiệu quả chống nóng cho heo thấp.
Cần bố trí 1 lớp bạt che chắn cho dàn mát như hình bên dưới, ban ngày kéo bạt xuống, ban đêm kéo bạt lên 1 nửa cho gió mát vào.
Những ngày trời nắng to: bố trí hệ thống vòi phun nước phía đầu dàn mát và trên mái để làm mát cho cả trong và ngoài dãy chuồng, phun vào thời điểm nóng nhất trong ngày, khoảng từ 10-11h cho đến 3-4h chiều.
Khi phun mưa cần lưu ý đến việc tăng cường thông gió và thoát nước xung quanh chuồng → tránh nâng cao độ ẩm trong chuồng.
- Mặt tường ngoài của dãy chuồng nên sơn (quét vôi, ve) màu trắng để giảm bức xạ nhiệt.
Chuồng trại phải đảm bảo luôn sạch sẽ, đặc biệt vào mùa nóng. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc chống nóng cho heo trong mùa hè nhưng lại rất ít trang trại hiểu rõ tại sao nó lại quan trọng.
Khi nóng, heo thường giảm khả năng hấp thu và tiêu hóa thức ăn, giảm sức đề kháng với các mầm bệnh nên nếu chuồng nuôi bẩn, heo càng dễ bị bệnh hơn bình thường rất nhiều. Chưa kể, chuồng trại sạch sẽ sẽ giúp giảm đáng kể hơi nóng bốc lên từ phân, giảm côn trùng lây bệnh.
»› Các bệnh thường gặp trên heo
»› Bệnh viêm phổi dính sườn (APP)
»› Bệnh Suyễn lợn (heo) - lời giải nào cho người chăn nuôi!
Bước 2: Các biện pháp chăm sóc, chống nóng cho heo hằng ngày.
01 Giảm mật độ nuôi: Heo nái, heo bầu: 3-4m2/con. Heo thịt 2m2/con.
02 Tăng số máng ăn, máng uống trong chuồng sao cho heo không phải mất quá nhiều công sức hay chen chúc để ăn.
03 Nhiệt độ chuồng nuôi luôn đảm bảo từ 22-25ºC; ẩm độ 75%. Hạn chế tối thiểu sự dao động nhiệt độ trong chuồng nuôi: dùng nhiệt kế và ẩm kế để trong chuồng để theo dõi. Nếu nhiệt độ tăng cao hơn 25ºC thì có thể phun nước lên mái, phun ở dàn mát…còn nếu ẩm độ xuống thấp quá thì có thể bố trí các vòi phun sương trong chuồng.
04 Tắm cho heo 1-2 lần/ngày. Cung cấp đầy đủ nước uống sạch, mát bằng vòi và núm uống tự động. Đảm bảo tối thiểu 10 heo thịt / 1 núm uống (các bạn có thể tham khảo chi tiết tại bài viết “cho heo uống nước như thế nào là phù hợp?”) hay bài “cách cung cấp đủ nước cho heo”
05 Dinh dưỡng: cho ăn chia làm nhiều bữa trong ngày, mỗi lần ăn ít nhưng tăng số bữa. tránh cho ăn vào thời điểm nóng trong ngày. Tốt nhất nên cho ăn vào buổi sáng mát và buổi chiều mát, tránh khung giờ cao điểm từ 9h-15h.
Ví dụ: để heo hấp thu tốt hơn trong mùa nóng, một trang trại cho heo ăn vào 8h sáng, 5h chiều và 21h tối.
06 Tránh vận chuyển heo trong thời điểm nắng nhất trong ngày từ 10h-15h.
07 Heo con theo mẹ: tắm cho heo mẹ nhưng không được làm heo con cũng như ô chuồng của heo con ẩm ướt, sẽ rất dễ phát sinh mầm bệnh.
Bước 3: phòng chống nóng chủ động cho heo bằng vaccine, thuốc, vitamin…
01 Tiêm phòng đầy đủ: vaccine dịch tả, suyễn heo, THT, đóng dấu heo, circo, LMLM, tai xanh…
02 Có thể phòng các bệnh kế phát bằng thuốc kháng sinh trộn trong cám: Mùa nóng tỷ lệ nhiễm các bệnh kế phát trên heo rất cao nên chúng ta có thể sử dụng kháng sinh trộn để phòng. Việc chọn loại kháng sinh nào tùy thuộc chủ yếu vào dịch tễ của trang trại (nghĩa là các bệnh mà đàn heo của trại đã từng mắc và có nguy cơ mắc) và kết quả kháng sinh đồ của trại trong thời gian gần nhất trong vòng 6 tháng trở lại.
- Trộn (Amoxicilin 300ppm + Tylosin 110ppm) liều lượng: 1 gam/1 tấn thức ăn.
- Heo mẹ: mỗi tháng cho ăn 1 lần, mỗi lần kéo dài khoảng 1-2 tuần.
- Heo con: cho ăn liên tục trong 1-2 tuần khi tách mẹ và chuyển chuồng.
- Heo thịt trên 30kg: cho ăn liên tục trong 4-5 ngày khi thời tiết thay đổi đột ngột từ mưa sang nắng, nóng sang lạnh và ngược lại…
- Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam đang chuyển sang xu hướng giảm dần đến ngừng hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi để thay thế vào đó là các biện pháp tổng thể từ an toàn sinh học, chăm sóc, dinh dưỡng…
- Dù vậy, trên thực tế, môi trường chăn nuôi với quá nhiều mầm bệnh xung quanh khiến Việt Nam chưa thể ngưng hẳn việc phụ thuộc vào kháng sinh nên trước khi quyết định sử dụng kháng sinh, chúng tôi khuyến cáo bà con nên cân nhắc kỹ lưỡng giữa hiệu quả mang lại và những ảnh hưởng lâu dài lên trang trại của bạn (hiện tượng kháng kháng sinh, mầm bệnh biến đổi phức tạp hơn…).
03 Phun sát trùng định kỳ: 2-3 lần/tuần.
04 Tẩy giun sán, tiêm phòng nội ngoại ký sinh trùng, diệt chuột bọ xung quanh trang trại.
05 Theo dõi hằng ngày để phát hiện sớm gia súc ốm, tiến hành cách ly điều trị xử lý kịp thời tránh lây lan ra toàn đàn.
06 Sau đợt nắng nóng: bổ sung vitamin và chất dinh dưỡng → tránh để heo thiếu chất, giảm cân, mệt mỏi.
07 Bổ sung muối ăn, điện giải, B-complex giàu vitamin C vào trong thức ăn để giải nhiệt.
Chống nóng cho heo muốn hiệu quả thì cần tiến hành đồng bộ, nhất quán và đầy đủ các bước trên. Trong bài viết, chúng tôi chỉ chia ra các bước để bạn đọc dễ theo dõi, ghi nhớ chứ trên thực tế, không có bước nào trước, bước nào sau mà hoàn toàn tùy thuộc vào điều kiện chăn nuôi mà linh động.
Với mục tiêu tập trung vào các hành động cụ thể mang tính ứng dụng cao, Vietdvm.com hy vọng bài viết này có thể giúp ích cho các bạn đặc biệt là trong mùa nóng sắp tới.
VietDVM team.