Bộ máy hô hấp là cơ quan chủ yếu làm nhiệm vụ trao đổi khí giữa cơ thể với môi trường bên ngoài. Nhờ sự trao đổi đó mà cơ thể có thể hấp thu được oxy từ môi trường bên ngoài và đào thải khí cacbonic ra khỏi cơ thể. Vai trò của hệ hô hấp vô cùng quan trọng với sự sống, nếu hệ thống hô hấp ngừng hoạt động quá 5 phút là cơ thể đã có thể bị hủy diệt. Chính vì vậy mà các bệnh xảy ra trên đường hô hấp luôn là mối lo ngại rất lớn của các nhà chăn nuôi.
Nhắc đến các bệnh xảy ra trên đường hô hấp của heo, ta không thể không nhắc đến bệnh suyễn lợn (heo) hay còn gọi là viêm phổi địa phương do Mycoplasma hyopneumoniae (MH) gây ra. Bởi vì bệnh suyễn lợn (MH) luôn là yếu tố mở đường cho rất nhiều các mầm bệnh khác xâm nhập vào hệ thống hô hấp của vật nuôi.
Bệnh thường xảy ra ở dạng mãn tính, tỷ lệ mắc bệnh rất cao nhưng tỷ lệ tử vong thường rất thấp (khảng 3-10%) nếu không ghép với các bệnh truyền nhiễm khác. Những heo có sức đề kháng thấp thường rất dễ mắc bệnh.
Nguyên nhân sinh bệnh suyễn lợn (heo)
Mycoplasma hyopneumoniae (MH) được phân lập từ phổi heo bệnh vào năm 1965. Nó là thực thể hữu cơ trung gian giữa virus và vi khuẩn. MH ký sinh ngoại bào với cấu tạo không có màng tế bào mà chỉ có màng nguyên sinh chất và bộ gen bao gồm cả ADN và ARN nên hình dạng biến đổi rất linh hoạt.
Cũng chính bởi vậy mà vi khuẩn gây bệnh suyễn lợn MH rất dễ bị tiêu hủy bởi các chất sát trùng thông thường hay ở nhiệt độ 45-55oC trong vòng 15 phút. Ngoài ra, tất cả các loài Mycoplasma đều đề kháng với penicillin (nhóm kháng sinh tác động vào tế bào thông qua màng tế bào).
Mầm bệnh phát triển rất tốt trong môi trường ẩm ướt, vệ sinh kém và trên những cơ thể có sức đề kháng thấp nên tỷ lệ bệnh thường cao hơn vào mùa xuân và mùa đông, vào lúc thời tiết thay đổi.
Mầm bệnh có thể di chuyển trong không khí với khoảng cách 3 – 3,5 km. Bệnh suyễn lợn xảy ra ở mọi lứa tuổi của heo nhưng chủ yếu ở heo con lúc 6 tuần tuổi trở lên.
Thiệt hại kinh tế do bệnh suyễn lợn MH gây ra
Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh cao (97% trang trại trên thế giới nhiễm bệnh) nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh suyễn lợn rất thấp nếu không có mầm bệnh kế phát khác (3-10%) nên thiệt hại do tỷ lệ chết là không đáng kể.
Tuy nhiên, Bệnh suyễn lợn MH lại chính là nguyên nhân mở đường cho các mầm bệnh khác xâm nhập vào cơ thể heo thông qua đường hô hấp và gây ra các thiệt hại trầm trọng khác.
Bên cạnh đó, bệnh suyễn heo đa phần là ở dạng mãn tính.Tức là heo sẽ không chết ngay mà chỉ giảm tăng trọng trong khi vẫn tiêu tốn thức ăn như bình thường đồng thời kéo dài thời gian nuôi làm tăng chi phí sản xuất.
Theo thống kê, cứ mỗi 10% phổi bị viêm thì tốc độ tăng trọng giảm 37 g mỗi ngày.
- MH làm giảm 12-16% tăng trọng bình quân/ngày (ADG)
- Làm tăng 14-22% chi phí thức ăn (FCR).
- Tăng chi phí do dùng thuốc điều trị.
Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến năng suất chăn nuôi giảm, lợi nhuận thu được cũng vì đó mà giảm theo.
Ví dụ:
Giả sử trang trại nuôi 1,000 heo thịt, bắt đầu nhiễm bệnh lúc 2 tháng tuổi, tỷ lệ nhiễm là 97% (970 con nhiễm bệnh), tỷ lệ chết là 5% (5% x 970 con = 48 con chết). Tổng thời gian nuôi đến lúc xuất chuồng là 150 ngày.
Mỗi heo giống có giá = 800,000/con, giá heo thịt hiện nay là 45,000 vnđ/kg. Tiêu tốn trung bình 1,7 kg cám/con/ngày, giá cám trung bình hiện nay là 11,500 VNĐ/kg. Giả sử tăng trọng bình quân/ngày (ADG) = 0,75 kg/ngày, FCR = 2,05. Và ADG giảm 12%, FCR tăng 18%.
→ Như vậy, thiệt hại do MH gây ra cho trang trại trên bằng tổng thiệt hại do:Tỷ lệ chết + giảm ADG + tăng FCR + chi phí điều trị.
Thiệt hại do tỷ lệ chết (giả sử trung bình số heo bệnh chết ở 60 ngày tuổi):
= 48 con x (800,000 tiền giống +[(1.7kg x 60 ngày)x11,500])
= 94.704.000 (vnđ)
- Thiệt hại do giảm ADG xuống 12% :
Số ngày heo tiêu tốn thức ăn sau bị bệnh = 150 – 60 = 90 (ngày).
Số heo bệnh còn lại = 970 con bệnh – 48 con chết = 922( con).
Tổng tăng trọng bình thường của 922 heo nếu không bị bệnh
= 922 x 90 x 0,75 = 62,235 (kg).
Số kg tăng trọng bị mất đi do bệnh = 12% x 62,235 = 7,468 (kg).
Số tiền thiệt hại = 7,468 kg x 45,000 vnđ/kg = 336.060.000 (vnđ).
- Thiệt hại do tăng FCR lên 18%:
Tổng lượng thức ăn bình thường tiêu tốn của 922 heo trong 90 ngày bị bệnh
= 62,235 kg x 2,05 (FCR) = 127,582 (kg thức ăn)
Tổng lượng thức ăn tiêu tốn tăng thêm khi heo bị bệnh
= 18% x 127,582 kg = 22.965 (kg)
Tổng số tiền thiệt hại do tăng 18% FCR là
= 22.965 kg x 11,500 vnđ =264.097.500 (vnđ)
- Tổng thiệt hại cho thuốc điều trị suyễn ước tính = 120,000 vnđ/con x 922 con
= 110.640.000 (vnđ)
→ Như vậy tổng thiệt hại là: = 805.501.500 (vnđ)/ 1.000 heo/5 tháng.
Một con số không hề nhỏ đối với các nhà chăn nuôi heo hiện nay.
Bệnh suyễn lợn (MH) gây bệnh cho heo như thế nào?
Khi heo khỏe tiếp xúc với heo ốm, mầm bệnh từ heo ốm thông qua đường hô hấp ra ngoài môi trường (ho, thở, hắt hơi) sau đó lại theo đường hô hấp đi vào cơ thể heo khỏe.
Lúc này, nếu cơ thể heo có sức đề kháng yếu kết hợp với số lượng mầm bệnh nhiều thì bệnh có thể phát luôn hoặc ở dạng ẩn tính trong vòng 11 ngày. Nếu số lượng mầm bệnh vừa phải, thời gian ủ bệnh là 4-6 tuần. Nếu số lượng mầm bệnh thấp, bệnh sẽ ở dạng mãn tính và không biểu hiện triệu chứng.
Sau khi vào cơ thể, vi khuẩn gây bệnh suyễn lợn MH bám trên các lông mao trong đường hô hấp của heo (khí quản và phế quản) → MH tăng sinh → gây vón cục các lông mao đó → các lông mao sẽ rụng ra, tạo nên nhiều dịch nhầy trong đường hô hấp → đường hô hấp mất khả năng giữ, lọc các bụi bẩn, mầm bệnh → tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh kế phát xâm nhập vào cơ thể như PRRS, PCV2, P.multocida (tụ huyết trùng)…và gây bệnh. Đồng thời các tế bào viêm tăng sinh → heo rất nhạy cảm với các tác động bên ngoài.
Ngoài ra, MH còn điều chỉnh các phản ứng miễn dịch của cơ thể vật chủ như ức chế miễn dịch, kích thích tế bào lympho, sản xuất các cytokine gây viêm.
Các tổn thương ban đầu là:
- Viêm phế quản và viêm tiểu phế quản, viêm phế nang → lan rộng ra trở thành viêm phổi → tắc nghẽn phổi → xẹp phổi.
- Đường hô hấp rụng lông mao, tăng sinh chất nhầy → nhiễm các mầm bệnh khác → viêm phổi nặng hơn → tử vong.
Triệu chứng, bệnh tích của bệnh suyễn lợn
Triệu chứng bệnh: Bệnh thường biểu hiện dưới 4 thể.
Thể cấp tính:
Đối tượng chủ yếu của bệnh suyễn lợn cấp tính: heo con trên 2 tháng tuổi. Ban đầu con vật sốt cao, ăn ít hoặc bỏ ăn. Heo ốm thường chui vào 1 xó chuồng nằm tách biệt với đàn.
Triệu chứng trên đường hô hấp:
- Hắt hơi từng hồi dài do dịch tiết trong khí quản.
- Thở thể bụng, tư thế ngồi thở như chó ngồi.
- Ho: thường ho vào sáng sớm hay chiều tối muộn (nếu bệnh nặng, ho liên tục cả ngày). Ban đầu ho khan, ho từng tiếng 1. Sau đó ho liên tục từng chuỗi, từng hồi dài. Lúc ho, heo thóp bụng để thở (vừa thở khò khè, vừa ho từng tràng dài).
Sau 2-3 tuần heo suy kiệt nhanh chóng và chết. Tỷ lệ chết có thể > 10%, nếu kế phát bệnh khác thì có thể cao hơn nữa.
Thể thứ cấp tính:
Ban đầu con vật có thể bỏ ăn, ăn ít hoặc bỏ ăn. Đối tượng chủ yếu: heo con bú mẹ, heo mẹ đang cho con bú.
Triệu chứng trên đường hô hấp:
- Khó thở, thở khò khè, há miệng thở.
- Ho từng hồi dài.
Sau 2-3 tuần heo suy kiệt nhanh chóng và chết. Tỷ lệ chết có thể > 10%, nếu kế phát bệnh khác thì có thể cao hơn nữa.
Thể mạn tính
Đối tượng chủ yếu: heo con, heo hậu bị. Ban đầu con vật ăn ít, hoặc bỏ ăn. Thân nhiệt bình thường. Heo con có tăng trọng kém, da khô.
Triệu chứng trên đường hô hấp:
- Tần số hô hấp tăng cao (40-100 lần/phút).
- Hắt hơi, thở khò khè, khó thở, há miệng thở.
- Ho: thường ho vào sáng sớm hoặc chiều tối muộn.
Ban đầu ho khan từng tiếng một, sau đó ho liên tục từng tràng dài và ho cả ngày.
Thể ẩn tính:
Đối tượng chủ yếu: Heo vỗ béo, heo đực giống. Vẫn ăn như bình thường, rất khó nhận biết heo bệnh vì triệu chứng không rõ ràng (đôi khi thấy heo vận động khó khăn, tăng trọng kém).
Triệu chứng trên đường hô hấp: Thi thoảng heo có ho khan, ho từng tràng dài.
Tỷ lệ mắc bệnh không cao nhưng khá nguy hiểm vì heo không biểu hiện triệu chứng nhưng mầm bệnh vẫn được bài thải ra ngoài môi trường.
<pLưu ý: Mặc dù chia ra 4 thể bệnh nhưng trên thực tế, tùy thuộc vào mầm bệnh kế phát mà heo có những biểu hiện triệu chứng rất đa dạng.
- Khua đuổi heo cho chúng đứng dậy và vận động trong chuồng hay ngoài sân chơi, những con bị bệnh sẽ đứng 1 chỗ và ho từng hồi dài → ta có thể dễ dàng nhận ra chúng.
Bệnh tích của bệnh suyện lợn:
Bệnh tích chủ yếu ở hệ thống hô hấp và hạch phổi. Thường viêm phổi bắt đầu từ thuỳ đỉnh sau đó lan qua thuỳ tim và thuỳ hoành cách mô có tính chất đối xứng. Sở dĩ như vậy là vì theo cấu tạo giải phẫu của phổi, không khí đi từ mũi → khí quản → phế quản → vào thùy đỉnh → các thùy còn lại.
Các ổ viêm lan từ khí quản vào tận phế nang gây tắc nghẽn phổi, cản trở hô hấp đồng thời phổi bị xẹp dần và lâu ngày vùng phổi đó bị nhục hóa → gan hóa → không thực hiện được chức năng hô hấp.
Khi không có mầm bệnh thứ phát xâm nhập, bệnh tích thường chỉ khoảng 1/10 phổi, nếu có mầm bệnh thứ phát, bệnh tích lan rộng 1/2 - 2/3 phổi.
Nhằm giúp các nhà chăn nuôi có thể chẩn đoán sớm bệnh suyễn lợn và đưa ra kết quả chính xác, ta phân biệt bệnh tích phổi do MH với bệnh tích phổi do các nguyên nhân chính gây bệnh trên đường hô hấp như sau.
Kiểm soát bệnh suyễn lợn (MH)
Phòng bệnh:
* Chuồng trại phải luôn luôn khô ráo – điều này rất quan trọng đối với công tác phòng bệnh suyễn lợn.
* Vệ sinh chuồng trại và khu vực quanh trại sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và ấm kín vào mùa đông.
* Heo nhập vào trại phải có nguồn gốc sạch bệnh và phải được nuôi cách ly theo dõi kỹ trước khi nhập đàn.
* Áp dụng biện pháp cùng nhập cùng xuất.
* Định kỳ kiểm tra huyết thanh học nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh trong trại để có biện pháp khắc phục kịp thời.
* Tiêm phòng vaccine phòng bệnh suyễn lợn cho heo con và hậu bị trước khi phối giống. Thời gian tiêm tùy thuộc vào đặc điểm dịch tễ cũng như điều kiện khí hậu của từng địa phương cụ thể.
Việc tiêm phòng cho heo hậu bị, nhất là hậu bị mới nhập đàn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu tất cả heo hậu bị trong vùng được tiêm phòng MH tốt thì trong tương lai vùng đó sẽ sạch bệnh đối với MH. Dù vậy, do chi phí vaccine cao nên hầu hết các trại ở Việt Nam hiện nay chỉ tiêm phòng cho heo con.
Cách tiêm:
+ Heo hậu bị: Nên được tiêm trước khi nhập về trại, liều 2ml/con.
+ Heo con: Nguyên tắc là tiêm vaccine trước khi heo có biểu hiện bệnh (ho) 9 tuần.
- Tiêm 1 mũi: 14 ngày tuổi
- Tiêm 2 mũi: mũi 1 lúc 7 ngày tuổi, mũi 2 lúc 21 ngày tuổi.
Các bước điều trị heo ốm:
Cần có biện pháp phát hiện heo bệnh suyễn lợn sớm để có hướng xử lý thích hợp:
- Quan sát và phát hiện triệu chứng bệnh điển hình: ho, khó thở.
- Nếu cần, mổ khám xem bệnh tích đặc trưng: phổi nhục hóa đối xứng.
- Khi vẫn nghi ngờ ta tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để có kết luận chính xác nhất.
Chuyển những heo có biểu hiện triệu chứng hô hấp ra chuồng cách ly.
Sử dụng kháng sinh tiêm cho những con bệnh: dùng cùng lúc kháng sinh đặc trị bệnh suyễn lợn (MH) (như: Tylosin, limcomyxin, tiamulin, flophenicol…) và kháng sinh trị bệnh kế phát (thường là kháng sinh có hoạt phổ rộng).
Liệu trình ví dụ:
- Tiamulin 10% liều: 1 ml/10kg thể trọng
- Kanamycin: 1-2 ml/10kg thể trọng
→ Tiêm trong 3-5 ngày đối với heo lớn.
Song song sử dụng thuốc trợ sức, trợ lực cho heo như: vitaminC, B.complex, vitaminADE ...
Sau khi điều trị 3-5 ngày, trộn kháng sinh vào trong thức ăn cho heo tầm 4-5 ngày liên tục (thời gian trộn tùy tiên lượng của mỗi đàn).
Ví dụ: điều trị: trộn 1kg Flophenicol/1 tấn thức ăn trong 5 ngày liên tục.
Phòng bệnh: 1kg Flophenicol/2 tấn thức ăn trong 3 ngày → nghỉ 7 ngày → trộn tiếp 3 ngày →…(Thời gian dùng thuốc tùy thuộc mức độ nguy hại của bệnh tại trại đó).
Cải thiện điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng: vệ sinh chuồng trại, chế độ ăn phù hợp.
(Còn nữa ...)
VietDVM team