Bệnh viêm phổi dính sườn ( APP) hay còn gọi là bệnh viêm phổi màng phổi trên heo là 1 trong số các bệnh thuộc hội chứng hô hấp phức hợp PRDC, bệnh có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của trại với tỷ lệ chết có thể lên đến 20% khi có dịch cấp tính xảy ra. Tuy nhiên, các thiệt hại gián tiếp khi bệnh ở thể mãn tính gây ra như tăng trọng trên ngày (ADG) giảm 50g, FCR tăng 0.2 hay chí phí thuốc cho điều trị còn nguy hiểm hơn nhiều so với tỷ lệ chết.
Xem thêm:
»› Kiểm soát APP (viêm phổi dính sườn) cấp tính
»› Kiểm soát bệnh viêm phổi dính sườn (APP) mãn tính
Sơ qua về vi khuẩn gây bệnh viêm phổi dính sườn APP (Actinobacillus pleuropneumoniae)
Bệnh viêm phổi dính sườn do 1 loại vi khuẩn có tên là Actinobacillus pleuropneumoniae gây ra. Khi heo khỏe mạnh hít phải không khí có chứa mầm bệnh, mầm bệnh bắt đầu xâm nhập vào cơ thể thông qua hệ thống hô hấp từ miệng →phế quản →phế nang →thùy đỉnh của phổi →các thùy khác của phổi.
Khi vi khuẩn vào cơ thể nó tấn công hạch amidan đầu tiên, sau đó di chuyển đến các biểu mô phế nang và khu trú tại đó. Tại đây, vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố cộng với nội độc tố có sẵn trong thành tế bào để gây nên các tổn thương bệnh lý trên phổi.
Bệnh viêm phổi dính sườn (APP) có biểu hiện như thế nào?
Khi trong đàn có nhiễm APP thường kéo theo tỷ lệ các bệnh khác tăng cao. Với những đàn mà bệnh ở thể cấp tính, tỷ lệ chết có thể lên tới 50%. Bệnh có thể xảy ra ở giai đoạn sớm tuy nhiên hầu hết các ca bệnh đều tìm thấy trên heo giai đoạn nuôi thịt lúc 16 tuần tuổi trở lên.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm phổi dính sườn tùy thuộc vào số lượng virus tấn công, tình trạng của hệ miễn dịch, mức độ stress do di chuyển chuồng, ghép đàn, mật độ quá dày, môi trường nuôi kém.
Các biểu hiện đặc trưng của bệnh tùy thuộc vào từng thể. Thể quá cấp tính thường xảy ra trên lợn 8-16 tuần tuổi, heo thường chết đột tử do mầm bệnh tấn công ồ ạt trong thời gian ngắn và sinh ra các độc tố phá hủy phổi một cách nhanh chóng, kết hợp với hiện tượng ho đẩy máu trong phổi trào ra ngoài nên khi chết heo chảy máu và bọt khí ở mũi. Heo bị viêm phổi mặt lưng và viêm dính màng phổi với lồng ngực nên khi thở sẽ rất đau và khó thở dẫn đến thở thể bụng hay ngồi thở kiểu chó, ngoài ra biểu hiện sốt của heo bệnh cũng là hậu quả của viêm nhiễm. Con vật chết thường do suy tim, viêm phổi hoại tử và độc tố của vi khuẩn.
Ở thể cấp tính, con vật thở thể bụng, tỏ vẻ đau đớn, khoảng cách giữa các lần ho ngắn, khoảng 1-3 cái/lần. Con vật nhiễm bệnh có thể mang trùng trong một thời gian dài bài thải vi khuẩn ra môi trường ngoài.
Thể mãn tính, tổng đàn có tăng trọng trên ngày rất thấp dẫn đến FCR tăng cao hơn bình thường 0.2 đơn vị, heo ho nhiều vào ban đêm, heo khó thở, ngồi thở kiểu chó.
Theo dõi bệnh tích trên phổi khi heo mắc bệnh viêm phổi dính sườn
Khi bệnh viêm phổi dính sườn tiến triển, quá trình phục hồi của cơ thể cũng diễn ra song song do đó vùng bệnh tích được kiểm soát và ngăn cách với các mô bình thường bằng các sợi fibrin từ đó tạo nên các ổ áp xe trên phổi.
Ở thể quá cấp, phổi xuất huyết tràn lan nên khó nhận biết, phổi cắt ra có máu. Thể cấp tính, bệnh tích phổi rõ nhất là màng phổi viêm, ứa dịch và sợi huyết đồng thời dính chặt với xoang ngực. Phổi mờ đục, bề mặt cắt xù xì. Phổi xuất huyết hoại tử có fibrin. Thể mãn tính xuất hiện các ổ áp xe trên phổi.
Hướng xử lý khi trong trại nghi có bệnh viêm phổi dính sườn (APP)
Khi trong trại nghi có dịch APP, chúng ta nên tiến hành chẩn đoán càng sớm càng tốt xem vấn đề của trại đúng là viêm phổi dính sườn hay suyễn để có hướng xử lý kịp thời, tránh các tổn thất không đáng có.
Để chẩn đoán APP chúng ta có thể dựa vào dịch tễ hiện tại của khu vực, các biểu hiện của bệnh và mổ khám xem bệnh tích điển hình trên phổi như thế nào. Ngoài ra, heo nhiễm viêm phổi dính sườn thường là những con trưởng thành có khối lượng 50kg trở lên và thường là ở độ tuổi trên 2 tháng tuổi.
Khi đã xác định trại có nhiễm APP chúng ta tiến hành điều trị. Kháng sinh đang có mẫn cảm nhất với APP hiện nay vẫn là Amoxicillin. Khi xác định được độ tuổi nổ dịch trên đàn heo của trang trại chúng ta tiến hành trộn kháng sinh trong vòng từ 5 ngày đến 1 tuần, liều lượng tùy thuộc vào sản phẩm kháng sinh của từng nhà sản xuất (hàm lượng amoxicillin, công nghệ bào chế…).
Ngoài kháng sinh, chúng ta bổ sung đồng thời các thuốc bổ trợ khác như hạ sốt, giảm đau, thuốc bổ…nhằm tăng sức đề kháng của vật, giúp giảm các triệu chứng bệnh và giảm nguy cơ stress.
Quy trình kiểm soát APP bằng vaccine và kháng sinh
Việc làm quan trọng nhất để giúp giảm thiểu thiệt hại do APP gây ra vẫn là kiểm soát bệnh bằng chương trình vaccine hợp lý, khoa học. Tùy từng trường hợp cụ thể mà ta xác định thời điểm tiêm chủng cho hiệu quả. Nghĩa là sau khi biết được thời điểm nổ dịch của trại, ta xác định thời điểm của mũi tiêm vaccine thứ 2 là trước đó 3 tuần – là thời gian cần để vaccine phát huy tác dụng bảo vệ chống lại mầm bệnh, mũi 1 trước mũi thứ hai 3 tuần (như sơ đồ ở trên).
Kiểm soát mầm bệnh viêm phổi dính sườn bằng các biện pháp tổng thể
Khi muốn kiểm soát mầm bệnh trong trại, việc đầu tiên ta nên nghĩ đến là xem lại mọi vấn đề liên quan đến tai xanh. Tức là khi 1 trại có lưu hành dịch tai xanh thì nguy cơ mắc các bệnh kế phát như APP là rất cao (nếu vùng đó có vi khuẩn APP lưu hành trước đó).
Việc tiêm phòng vaccine đúng lịch cũng không kém phần quan trọng nếu muốn kiểm soát tốt bệnh biên phổi dính sườn. Ngoài ra cũng nên tiến hành cùng lúc các biện pháp như cùng vào cùng ra, kiểm soát tốt tiểu khí hậu chuồng nuôi: nhiệt độ, ẩm độ, stress… Nước, thức ăn và kháng sinh điều trị luôn đầy đủ và sẵn sàng. Quản lý tốt việc thay thế đàn, các yếu tố ngoại cảnh bên ngoài như: con người ra vào trại, xe vận chuyển heo…Và nên nhập heo từ 1 chỗ duy nhất có nguồn gốc rõ ràng.
(Còn nữa ...)
VietDVM team