Thị trường thức ăn chăn nuôi Quý I/ 2016 và dự báo

| Ngày30/05/2016

Thị trường thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thế giới trong quý I/2016 giảm mạnh so với cùng quý năm ngoái, do nguồn cung dồi dào và nhu cầu suy giảm. Cùng với xu hướng giá thế giới thì giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong nước quý I/2016 cũng giảm, do nhu cầu suy giảm cùng với đó là chi phí vận chuyển giảm.

 

I. Diễn biến thị trường

 

Diễn biến giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu quý I/2016

 

Trong quý I/2015, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và nguyên liệu thế giới biến động theo xu hướng không đồng nhất, giảm dần trong 2 tháng đầu năm và tăng trở lại trong tháng 3/2016, do điều kiện thời tiết thuận lợi hậu thuẫn cây trồng ở những nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu như đậu tương, ngô, lúa mì, bột cá… Tính chung, so với quý trước đó, giá TĂCN và nguyên liệu thế giới trung bình tháng trong quý đã giảm mạnh. Cụ thể, giá ngô trung bình quý I/2016 giảm 8,02%; đậu tương giảm 11,27%; lúa mì giảm 15%; và giá bột cá cũng giảm mạnh 26,31%, tất cả đều so với cùng quý năm ngoái.

 

Trên thị trường thế giới, tính đến tháng 3/2016, sau 2 tháng đầu năm suy giảm, giá ngô đã tăng nhẹ trở lại, lên 160 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng trước đó và giảm 8,17% so với cùng tháng năm ngoái. Nguyên nhân là do nguồn cung toàn cầu dồi dào và nhu cầu suy giảm.

 

Sản lượng đậu tương toàn cầu niên vụ 2015/16 sẽ đạt 320,21 triệu tấn, tăng 4,58 triệu tấn so với niên vụ trước, do thời tiết dự báo sẽ được cải thiện ở cả 3 quốc gia trồng đậu tương hàng đầu thế giới Mỹ, Brazil, Argentina. Tuy nhiên, giá đậu tương trong tháng 3 tăng nhẹ trở lại, lên 325,5 USD/tấn do nhu cầu gia tăng.

 

Triển vọng sản lượng vụ thu hoạch lúa mì toàn cầu niên vụ 2015/16 dự kiến sẽ đạt mức cao 732,32 triệu tấn, tăng mạnh 5,87 triệu tấn so với niên vụ trước, do thời tiết thuận lợi hậu thuẫn sự phát triển cây trồng lúa mì vụ đông tại khu vực EU. Mặc dù nguồn cung tăng nhưng nhu cầu tăng mạnh, đã khiến giá lúa mì trong tháng 3/2016 tăng nhẹ 0,62% so với tháng trước đó nhưng giảm mạnh 13,35% so với cùng tháng năm ngoái.

 

Trong tháng 3/2016, giá bột cá thế giới đã tăng nhẹ trở lại 1.480,4 USD/tấn, tăng nhẹ 1,68% so với tháng trước đó nhưng giảm mạnh 21,97% so với tháng 3/2015. Nguyên nhân do dự kiến sản lượng bột cá Peru – nước sản xuất và xuất khẩu bột cá hàng đầu – trong năm marketing 2015/16 được cải thiện.

 

Hình 1: Biến động giá đậu tương, ngô, lúa mì và bột cá thế giới đến tháng 3/2016
Hình 1: Biến động giá đậu tương, ngô, lúa mì và bột cá thế giới đến tháng 3/2016

 

Cùng với xu hướng giá thế giới, thì giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong nước quý I/2016 cũng giảm, do giá nhập khẩu giảm cùng với chi phí vận chuyển giảm. Tuy nhiên, mức giảm này không nhiều, do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ thâu tóm gần 70% thị phần thức ăn chăn nuôi với giá cao hơn 20% so với khu vực, mà còn thống trị cả ngành chăn nuôi, với mô hình khép kín.

 

Giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong nước quý I/2016 giảm so với quý trước đó. Cụ thể, giá ngô giảm 1,14%; giá cám gạo giảm 3,3% và giá khô đậu tương giảm 2,14%, tất cả đều so với quý trước đó. Hiện tại, giá cám gạo giảm 100 đ/kg xuống còn 5.600 đ/kg; giá khô đậu tương giảm 100 đ/kg, xuống còn 13.000 đ/kg, giá ngô ở mức 5.000 đ/kg và giá bột cá dao động trong khoảng 15.000-18.000 đ/kg.

 

II. Cung - cầu

 

1. Dự báo nguồn cung và tình hình tiêu thụ thức ăn chăn nuôi & nguyên liệu thế giới quý II/2016

 

Ngô

 

Dự báo, sản lượng ngô thế giới niên vụ 2015/16 giảm xuống còn 969,64 triệu tấn, giảm 26,48 triệu tấn so với cùng kỳ niên vụ trước, do thời tiết bất lợi ở những nước trồng chủ yếu ảnh hưởng đến năng suất ngô. Dự trữ ngô cuối vụ của thế giới đạt 206,97 triệu tấn, tăng 1,86 triệu tấn so với đầu vụ. Sự gia tăng này phần lớn do nước Mỹ có lượng dự trữ tăng – nước có thời tiết thuận lợi đã hậu 3 thuẫn đến khu vực vành đai trồng ngô của nước này, tăng 2,7 triệu tấn lên 46,67 triệu tấn. Hầu hết các quốc gia kể cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có lượng dự trữ cuối vụ giảm so với đầu vụ. Duy chỉ Trung Quốc có lượng dự trữ cuối vụ vượt trội so với đầu vụ, tăng 11,03 triệu tấn, nước có lượng dự trữ tăng nhẹ như Canada tăng 0,2 triệu tấn.

 

Với điều kiện thời tiết thuận lợi, dự báo sản lượng ngô Mỹ niên vụ 2015/16 sẽ đạt 345,49 triệu tấn. Do vậy, Mỹ vẫn sẽ trở thành nước có lượng ngô dư thừa nhiều nhất thế giới, niên vụ này sau khi trừ đi lượng tiêu thụ trong nước, nước này sẽ còn dư thừa khoảng 43,34 triệu tấn. Brazil giữ vị trí thứ hai với lượng dư thừa 26 triệu tấn, tiếp đến là FSU-12 với lượng dư thừa 18,41 triệu tấn, Argentina với lượng dư thừa 17,5 triệu tấn, Ukraine với lượng dư thừa là 14,9 triệu tấn. Ngược với xu hướng của các quốc gia trên, EU-27 có lượng thiếu hụt ngô lớn nhất thế giới với 18,25 triệu tấn cho niên vụ 2015/16, tiếp đến là Nhật Bản với 14,7 triệu tấn, Mexico với 11,2 triệu tấn, các quốc gia Đông Nam Á với 10,94 triệu tấn, và Hàn Quốc với 10,02 triệu tấn, sau cùng là Ai Cập với 8,5 triệu tấn … Hầu hết các quốc gia thiếu hụt đều phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

 

Bảng 1: Dự báo cung cầu ngô thế giới quý II/2016 (triệu tấn)
Bảng 1: Dự báo cung cầu ngô thế giới quý II/2016 (triệu tấn) Nguồn: USDA

 

Đậu Tương

 

Bảng 2: Dự báo cung cầu đậu tương thế giới quý II/2016 (triệu tấn) - Nguồn: USDA
Bảng 2: Dự báo cung cầu đậu tương thế giới quý II/2016 (triệu tấn) - Nguồn: USDA

 

Dự báo, tổng sản lượng đậu tương thế giới niên vụ 2015/16 sẽ đạt 320,21 triệu tấn, tăng 4,58 triệu tấn so với niên vụ trước, do thời tiết dự báo sẽ được cải thiện ở cả 3 quốc gia trồng đậu tương hàng đầu thế giới Mỹ, Brazil, Argentina. Trong đó nhu cầu tiêu thụ là 315,75 triệu tấn, cung vượt cầu khoảng 4,46 triệu tấn. Quốc gia có lượng dư thừa nhiều nhất là Brazil với 57 triệu tấn, vượt Mỹ trở thành nước xuất khẩu đậu tương hàng đầu thế giới do điều kiện thời tiết thuận lợi hậu thuẫn cây trồng đậu tương, Mỹ tụt xuống vị trí thứ hai, với lượng dư thừa là 52,5 triệu tấn, Argentina với 8,65 triệu tấn. Ngược lại, dự báo niên vụ 2015/16 những quốc gia có lượng thiếu hụt đậu tương nhiều nhất là Trung Quốc với 5 82,15 triệu tấn, tăng 12,15 triệu tấn so với niên vụ trước do nước này mở rộng đàn gia súc dẫn đến nhu cầu về thức ăn chăn nuôi của nước này tăng mạnh; thứ hai là EU-27 với 13,12 triệu tấn, tiếp theo là Mexico là 3,83 triệu tấn và sau cùng là Nhật Bản với 2,88 triệu tấn, tăng 0,077 triệu tấn so với niên vụ trước. Đây là những quốc gia nằm trong top những nước có nhu cầu sử dụng đậu tương lớn đều bị thâm hụt giữa sản lượng so với nhu cầu tiêu thụ. Đặc biệt là trong những quốc gia này, sản lượng trong nước chỉ đáp ứng được 1 phần rất nhỏ trong tổng nhu cầu tiêu thụ của mình, nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc gấp hơn 7 lần sản lượng sản xuất được, tương tự như vậy EU gấp gần 11 lần, Mexico gấp gần 14 lần và Nhật Bản gấp hơn 14 lần. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa của mình các quốc gia này sẽ phải nhập khẩu đậu tương trong niên vụ này, với sản lượng nhập khẩu tương ứng là 82 triệu tấn, EU-27 là 13,2 triệu tấn, Mexico nhập khẩu 3,85 triệu tấn, Nhật Bản là 2,9 triệu tấn.

 

Lúa Mỳ

 

 Bảng 3: Dự báo cung cầu lúa mì thế giới quý II/2016 (triệu tấn)
Bảng 3: Dự báo cung cầu lúa mì thế giới quý II/2016 (triệu tấn)

 

Dự báo, trong niên vụ 2015/16, tổng sản lượng lúa mì thế giới sẽ đạt 732,32 triệu tấn, tăng mạnh 5,87 triệu tấn so với niên vụ trước, do dự báo điều kiện thời tiết thuận lợi hậu thuẫn sự phát triển cây trồng lúa mì vụ đông.

 

Trong khi, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sẽ đạt 709,37 triệu tấn, lượng dư thừa lúa mì thế giới sẽ vào khoảng 22,95 triệu tấn. Quốc gia có lượng dư thừa nhiều nhất là FSU với 39,42 triệu tấn, thứ hai là EU-27 với 32,71 triệu tấn, thứ ba là Nga với 24 triệu tấn, thứ tư là Mỹ với 23,64 triệu tấn, Canada với 18,8 triệu tấn, Australia với 17,27 triệu tấn, Trung Quốc với 16,19 triệu tấn; Ukraine với 14,75 triệu tấn; Kazakhstan với 6,85 triệu tấn, sau cùng là Argentina với 4,65 triệu tấn. Đây là những quốc gia xuất khẩu lúa mì chủ yếu trên toàn cầu.

 

Ngược với xu hướng trên, quốc gia có lượng lúa mì thiếu hụt nhiều nhất là Bắc Phi với 23,73 triệu tấn, thứ hai là các nước Đông Nam Á với 19,58 triệu tấn, tiếp theo là Trung Đông với 19,36 triệu tấn phụ thuộc 100% vào nhập khẩu do không sản xuất được, sau cùng là Brazil với 5,06 triệu tấn. Đặc biệt là trong những quốc gia này, sản lượng lúa mì trong nước chỉ đáp ứng được 1 phần rất nhỏ trong tổng nhu cầu tiêu thụ của mình. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa của mình dự kiến các quốc gia này sẽ phải nhập khẩu lúa mì trong niên vụ 2015/16, với sản lượng nhập khẩu tương ứng là 25,1 triệu tấn; 20,13 triệu tấn; 19,85 triệu tấn; và 6,5 triệu tấn.

 

Bột cá

 


Peru tiếp tục là một trong những nước cung cấp bột cá hàng đầu thế giới. Sản lượng bột cá trong năm marketing 2015/16 (từ tháng 1 đến tháng 12) được dự báo sẽ đạt 950.000 tấn, tăng 11% so với năm ngoái. Xuất khẩu bột cá Peru trong năm marketing 2015/16 dự báo sẽ đạt 930.000 tấn, tăng 9% so với năm ngoái.

 

2. Tình hình nhập khẩu thức ăn chăn nuôi & nguyên liệu trong nước tháng 2/2016 và 2 tháng đầu năm 2016

 

Theo số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu trong tháng 2/2016 đạt 192 triệu USD, giảm 5,35% so với tháng trước đó và giảm mạnh 11,39% so với cùng tháng năm ngoái. Tính chung, 2 tháng đầu năm 2016 Việt Nam đã chi 396 triệu USD nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu, giảm 22,16% so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong 2 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của Việt Nam từ một số thị trường có kim ngạch tăng trưởng mạnh, thứ nhất là Áo với hơn 24 triệu USD, tăng 4.680,01% so với cùng kỳ; đứng thứ hai là Mêhicô với gần 412 nghìn USD, tăng 331,46% so với cùng kỳ; Nhật Bản với hơn 1 triệu USD, tăng 212,2% so với cùng kỳ, sau cùng là Chilê với hơn 1,2 triệu USD, tăng 105,93% so với cùng kỳ.

 

Các thị trường chính cung cấp TĂCN và nguyên liệu cho Việt Nam trong tháng 2/2016 vẫn là Achentina, Hoa Kỳ, Áo… Trong đó, Achentina là thị trường chủ yếu Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này với 117 triệu USD, tăng 55,37% so với tháng trước đó và tăng 29,21% so với cùng tháng năm ngoái, nâng kim ngạch nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu từ nước này trong 2 tháng đầu năm 2016 lên hơn 190 triệu USD, chiếm 48,1% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng, tăng 3,28% so với cùng kỳ năm ngoái – đứng đầu về thị trường cung cấp TĂCN và nguyên liệu cho Việt Nam. Kế đến là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch nhập khẩu trong tháng 2 đạt hơn 14 triệu USD, giảm 32,81% so với tháng 1/2016 và giảm 65,3% so với cùng tháng năm trước đó.

 

Tính chung, 2 tháng đầu năm 2016 Việt Nam đã nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu từ thị trường này đạt hơn 36 triệu USD, giảm 68,32% so với cùng kỳ năm trước đó.

 

Kim ngạch nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu từ Achentina tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2016, do nguồn nguyên liệu từ thị trường này dồi dào – thị trường TĂCN và nguyên liệu tiềm năng của Việt Nam.

 

Đứng thứ ba về kim ngạch nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu trong tháng 2/2016 là Áo với trị giá gần 10 triệu USD, giảm 35,19% so với tháng trước đó nhưng tăng mạnh 4.690,93% so với cùng tháng năm ngoái, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2016 lên hơn 24 triệu USD, tăng 4.680,01% so với cùng kỳ năm trước đó. Ngoài ba thị trường kể trên, Việt Nam nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu từ các thị trường khác nữa như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, UAE và Indonesia với kim ngạch đạt 27 triệu USD, 15 triệu USD, 9 triệu USD; 7 triệu USD; và 7 triệu USD.

 

Thống kê sơ bộ của TCHQ về thị trường nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tháng 2/2016 và 2 tháng đầu năm 2016 (nghìn USD)
Thống kê sơ bộ của TCHQ về thị trường nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tháng 2/2016 và 2 tháng đầu năm 2016 (nghìn USD)

 

III. Dự báo thị trường quý II/2016

 

Dự báo, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thế giới quý II/2016 sẽ tăng nhẹ, do nhu cầu tăng, đặc biệt là nhu cầu tại nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước tiêu thụ TĂCN lớn nhất thế giới – Trung Quốc – sẽ tăng. Dự báo, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong nước quý II/2016 sẽ ổn định, do nhu cầu TĂCN và nguyên liệu trong nước giảm. Tuy nhiên, sự ổn định chỉ duy trì trong ngắn hạn, khi giá nguyên liệu thế giới tăng, sẽ đẩy chi phí sản xuất TĂCN gia tăng.

 

IV. Ảnh hưởng từ hội nhập

 

Hội nhập mang đến nhiều cơ hội và thách thức, khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt khi TPP có hiệu lực từ năm 2016. Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu tới 50% nguồn nguyên liệu. Ước tính mỗi năm chúng ta phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá trên dưới 3 tỷ USD. Trong đó, các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá nhập khẩu 90% và khoáng chất, vitamin nhập tới 100%. Do vậy, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của nhà cung cấp nước ngoài khi thuế nhập khẩu và các biện pháp phi thuế quan được cắt giảm và dỡ bỏ. Trong đó có sự rủi ro về tỉ giá, nhất là đồng đô la Mỹ, khiến ngành sản xuất thức ăn 9 chăn nuôi luôn thường trực rủi ro. Để ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tránh sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, cần chủ động về nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng, Nhà nước cần dành quỹ đất để trồng cây thức ăn chăn nuôi, thay dần thức ăn nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, giúp giảm chi phí trung gian, ổn định đầu vào đầu ra.

Nguồn tin: Trung tâm Thông tin CN&TM
Bộ Công Thương              

  • Hãy là người đầu tiên bình luận về bài viết này
Bình luận như khách
Hoặc đăng nhập để bình luận
0 / 3000 Giới hạn ký tự
Chuỗi của bạn nên trong khoảng 10-3000 ký tự
Lưu ý: Bình luận của bạn sẽ phải đợi kiểm duyệt trước khi hiển thị.
Điều khoản & Quy định.

 

LIÊN HỆ

VietDVM - Trang thông tin và kiến thức
chăn nuôi thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

Hotline: 0934-671-388  |  Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

  Bạn đang sử dụng VietDVM v3.6
© Bản quyền thuộc về VietDVM™
Ω Vận hành và khai thác bởi công ty CP Ứng dụng & Truyền thông X7PLUS® JSC
Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.
® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.    DMCA.com Protection Status

 

 

 

  • VietDVM - Trang thông tin và kiến thức Chăn nuôi Thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

    © Bản quyền 2014 - 2020 thuộc về VietDVM™. ¶ Bạn đang sử dụng VietDVM™ v3.6

    ∩ Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.

    ® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.

    Ω Vận hành và khai thác bởi Công ty CP Ứng dụng và Truyền thông X7PLUS - X7PLUS® JSC

    VPGD: Tầng 8, tòa nhà Hanoi Creative City, Số 1 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Email: X7PLUS.jsc@gmail.com | Website: www.X7PLUS.com

  • Liên hệ nội dung & kết nối VietDVM:

    Facebook: @congdongVietDVM | Twitter: VietDVM | Likedin: /in/VietDVM

    Hotline: 0934-671-388 | Email: vietdvm@gmail.com

     

    Liên hệ quảng cáo & hợp tác:

    Tel: 0246-2949-951 | 0934-671-388 | vietdvm@gmail.com

  • logo X7PLUS DMCA.com Protection Status