Sau hơn hai thập kỷ phát triển hết sức ấn tượng, nền nông nghiệp nước ta đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Tái cơ cấu khu vực giữ vai trò nền tảng của nền kinh tế này không ngoài mục tiêu đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, qua đó duy trì động lực tăng trưởng. Nhưng...
Với việc giảm diện tích đất lúa từ 4,12 triệu ha (số liệu tổng điều tra năm 2011) còn 3,8 triệu ha để kiềm chế sản lượng lúa ở mức trên 45 triệu tấn vào năm 2020, các nhà quản lý muốn dành nguồn lực để phát triển các loại cây cho thức ăn chăn nuôi, thủy sản và rau quả. Tuy nhiên trong dự báo triển vọng nông nghiệp (Agriculture Outlook) năm 2016 - 2025 vừa được công bố, FAO - OECD cho rằng khi ngành thủy sản, lúa gạo của Việt Nam tiếp tục tăng, chăn nuôi và cây thức ăn chăn nuôi lại phát triển rất ì ạch.
Lúa và thủy sản: đỉnh cao
FAO - OECD dự báo thay vì 7,84 triệu ha hiện nay, diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm 2025 sẽ chỉ giảm xuống 7,56 triệu ha, tức chỉ giảm 247.000ha (3,1%) và sản lượng lúa sẽ tăng mạnh từ 45,4 triệu tấn như mục tiêu hiện nay lên 54 triệu tấn. Hơn thế, cho dù với sản lượng thủy sản hiện đã đạt 6,45 triệu tấn, đứng hàng thứ sáu thế giới, nhưng với nhịp độ tăng trưởng đứng đầu trong nhóm các “đại gia” nuôi trồng 10 năm tới, Việt Nam sẽ đạt 7,8 triệu tấn, vượt xa EU và Hoa Kỳ để trở thành cường quốc sản xuất thủy sản lớn thứ tư thế giới.
Việc các nhà dự báo đưa ra những kịch bản phát triển khác biệt so với định hướng của các nhà quản lý nước ta như vậy là do dựa trên căn cứ duy nhất. Đó là trong điều kiện thị trường của các quốc gia như những chiếc bình thông nhau, năng suất càng vượt trội bao nhiêu, đồng nghĩa với sức cạnh tranh càng lớn, thì những nông sản đó có thể phát triển tới mức tối đa và ngược lại.
Đối với lúa gạo chẳng hạn, sở dĩ sản lượng lúa của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh là do năng suất hiện nay đã đạt gần 5,8 tấn/ha, cao gấp 1,57 lần của Ấn độ và 1,96 lần của Thái Lan - hai đối thủ cạnh tranh chủ yếu của chúng ta hiện nay. Còn sau 10 năm nữa, Việt Nam sẽ đạt 7,1 tấn/ha, lần lượt cao hơn 1,59 lần và 1,83 lần so với hai đối thủ cạnh tranh này.
Theo FAO và OECD, dù hiện đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất nhưng đến năm 2019, Việt Nam sẽ bắt đầu vượt qua hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Thái Lan và Ấn Độ để trở thành cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới và đạt kỷ lục mọi thời đại với 12,3 triệu tấn vào năm 2025. Với thủy sản xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng nhỉnh hơn so với của Na Uy trong 10 năm tới, đạt gần 3,7 triệu tấn vào năm 2025, Việt Nam sẽ áp sát vị trí cường quốc xuất khẩu thủy sản số 2 thế giới của quốc gia này.
Cây cho thức ăn chăn nuôi: Vực sâu
Trong khi đó cũng theo dự báo này, diện tích ngô của nước ta trong 10 năm tới hầu như không tăng, luôn nằm dưới ngưỡng 1,2 triệu ha. Cũng chính bởi diện tích như vậy nên mặc dù năng suất tăng khá mạnh, sản lượng ngô sẽ chỉ tăng từ 5,3 triệu tấn lên 6,1 triệu tấn, thấp quá xa so với mục tiêu kỳ vọng 8,5 triệu tấn. Bên cạnh đó, diện tích và sản lượng đậu tương cùng các loại hạt có dầu khác sẽ gần như “giậm chân tại chỗ”.
Sở dĩ diện tích ngô hầu như không tăng, mà sản lượng ngô cũng chỉ tăng thấp xa kỳ vọng như nói trên là do năng suất của nước ta hiện chỉ bằng 80,8% năng suất ngô bình quân của thế giới. Dù nỗ lực vượt bậc thì sau 10 năm nữa cũng chỉ bằng 83,1%, đặc biệt thấp chưa bằng một nửa so với cường quốc ngô số 1 thế giới Hoa Kỳ.
Sự chênh lệch quá lớn về năng suất khiến lúa gạo của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh lớn so với hai đối thủ cạnh tranh Thái Lan và Ấn Độ ở thị trường ngoài nước nên không thể “giậm chân tại chỗ” như mong muốn, còn ngô ở thị trường trong nước không thể cạnh tranh với ngô nhập khẩu và cũng không thể cạnh tranh với cây lúa nên không thể tăng như mong muốn.
Trong ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, xuất nhập khẩu là mảng tranh rất nhiều màu tối. Sở dĩ như vậy là do sản xuất ngô phát triển rất chậm, thậm chí sản xuất đậu tương và hạt có dầu nói chung không thể phát triển được, trong khi nhu cầu các loại thức ăn chăn nuôi và tiêu dùng nói chung đều liên tục tăng mạnh, nên nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong 10 năm tới sẽ tiếp tục tăng gần 30%, thậm chí nhập khẩu dầu thực vật còn tăng hơn gấp rưỡi.
Và do chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển chậm trong khi nhu cầu tiêu dùng trong 10 năm tới tiếp tục tăng nhanh, nên nhập khẩu sữa vẫn tiếp tục tăng mạnh, còn nhập khẩu thịt gia cầm và thịt bò đều sẽ tăng gần gấp rưỡi và vượt rất xa ngưỡng 1 triệu tấn.
Như vậy dưới góc nhìn của FAO - OECD, trong “bộ tứ” mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của nước ta là giảm lúa để tăng thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi và thủy sản, chỉ có thủy sản là thành công, ba mục tiêu còn lại đều không trở thành hiện thực do không phù hợp với quy luật cạnh tranh.
Tác giả: Nguyễn Đình Bích
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ