Giá thịt lợn bán ra tại nhiều địa phương trong tháng 7-2016 đã giảm mạnh so với những tháng trước đó. Nguyên nhân được cho là do phía Trung Quốc đã giảm lượng lợn mỡ thu mua từ Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi đã có cuộc trao đổi với báo chí.
- Ông nhìn nhận thế nào về hoạt động thu gom lợn mỡ để xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian qua?
- Sản lượng lợn mỡ (lợn có trọng lượng trên 100kg) xuất khẩu sang Trung Quốc không thống kê được, bởi đến nay, toàn bộ việc xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn diễn ra ở cấp độ tiểu ngạch. Tại một số cửa khẩu như Cao Bằng, Lạng Sơn, cao điểm xuất tới 50-60xe/ngày hoặc tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) cao điểm cũng tới 30 xe/ngày.
Xuất khẩu lợn mỡ sang Trung Quốc hoàn toàn theo lối tiểu ngạch nên người chăn nuôi phải đối diện với rủi ro lớn. Người chăn nuôi hoàn toàn rơi vào thế bị động vì không biết lúc nào thương lái ngừng thu gom và giá lợn có thể giảm đột ngột. Đáng nói, hoạt động chăn nuôi tại Việt Nam vẫn chủ yếu dưới dạng chăn nuôi nông hộ, theo tâm lý bầy đàn, thấy có lợi là ồ ạt tăng đàn, mở rộng quy mô nuôi.
Bằng chứng là vào cao điểm tháng 3, tháng 4 thương lái thu gom lợn để xuất sang Trung Quốc, sau đó 1-2 tháng, đàn lợn cả nước đã tăng thêm khoảng 20%. Đến nay, Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu, giá lại sụt giảm mạnh. Dự kiến, thời gian tới, thịt lợn dư nhiều nên giá sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, loại lợn mỡ lại khó tiêu thụ tại thị trường trong nước, giá bán ra chắc chắn sẽ thấp và như vậy người chăn nuôi sẽ đối diện với thua lỗ. Song phải khẳng định, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ yếu, tiềm năng cho ngành chăn nuôi lợn Việt Nam.
- Không chỉ với lợn mỡ, mà nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam đều rơi vào thế “khi Trung Quốc ồ ạt thu gom thì giá cao nhưng khi họ đột ngột dừng thu mua thì giá sụt mạnh”. Chúng ta không có giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?
- Trên thực tế, để có kế hoạch chủ động cho sản xuất thì xuất khẩu hay nhập khẩu đều phải tiến hành theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, muốn chính ngạch không thể đơn phương thực hiện mà phải có thỏa thuận giữa hai nước. Hơn nữa, khi xuất khẩu hàng hóa chính ngạch, chất lượng sản phẩm cũng phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn của nước nhập khẩu hoặc tiêu chuẩn vùng. Sản phẩm chăn nuôi nói riêng, nông sản nói chung của Việt Nam còn có hạn chế về chất lượng, mẫu mã nên muốn xuất khẩu chính ngạch không đơn giản.
- Trong khi chưa thể tiến tới xuất khẩu chính ngạch với phía Trung Quốc, ông có khuyến cáo gì tới người chăn nuôi cả nước?
- Trong câu chuyện thu mua lợn mỡ kể trên, phía Trung Quốc không chủ động mua mà chỉ thu mua khi nhu cầu trong nước thiếu, không có kế hoạch trước. Việc thu mua cũng hoàn toàn thông qua các thương lái, cả Việt Nam và Trung Quốc. Do vậy, người chăn nuôi cần lưu ý, để tránh rủi ro, không nên ồ ạt thay thế đàn ở thời điểm giá cao, ngược lại cũng không nên bỏ đàn tại thời điểm giá xuống. Khi đã xác định chăn nuôi là nghề thì phải đảm bảo sự ổn định, đều đặn mới đem lại lợi nhuận.
Về lâu dài, để đảm bảo sự phát triển ổn định, người chăn nuôi nên sản xuất theo hướng an toàn sinh học. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã ban hành 8 bộ tiêu chuẩn VietGAP mới cho trang trại và 2 bộ tiêu chuẩn VietGAP mới cho nông hộ. Những bộ tiêu chuẩn này được xây dựng đơn giản hơn nhiều so với trước, giảm khoảng 30 chỉ tiêu nhưng vẫn đảm bảo an toàn và phù hợp với từng vùng sản xuất.
Tác giả: Tuyết Nhung
Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô