Hiện nay, ngành hàng thịt heo Việt Nam ước tính trị giá 18 tỷ USD và nằm trong top 10 nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới. Mặc dù gặp khó khăn trong những năm qua nhưng quy mô thị trường 18 tỷ USD vẫn đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi liên tiếp thâm nhập và khai phá ngành thịt gia súc, gia cầm, nhất là thịt heo.
Masan nhập cuộc
Tháng 2/2018, Masan Nutri – Science (MNS), công ty con của Tập đoàn Masan đã khởi công tổ hợp chế biến thịt heo với vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Đồng Văn IV (Hà Nam).
Nhà máy có công suất chế biến khoảng 1,4 triệu con heo/năm, tương đương 140.000 tấn thịt heo/năm, chiếm khoảng 5% trong tổng lượng thịt heo cung ứng trên thị trường.
Thịt heo của nhà máy này sẽ được lưu trữ và phân phối trong hệ thống kho lạnh từ 0 – 4 độ C, có hạn sử dụng trong 5 ngày.
MNS công bố không thu mua heo hơi mà phát triển chuỗi khép kín nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Để có nguồn heo đạt chuẩn, Công ty xây dựng trang trại tại Nghệ An với 10.000 con heo nái song song với việc hợp tác với các hộ chăn nuôi lớn phát triển theo tiêu chuẩn của Masan, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong 3 năm tới.
Dự kiến, vào cuối năm nay, thịt heo tươi của MNS sẽ ra mắt người tiêu dùng.
Mới đây, một thành viên khác của Masan là Công ty CP Dinh dưỡng Sài Gòn (SNF) đã hợp tác với Jinju Ham (Hàn Quốc) để thâm nhập vào nhóm ngành thịt chế biến.
Chia sẻ về lĩnh vực này, ông Park Jungjin – Tổng giám đốc Jinju Ham cho rằng, thị trường thịt chế biến của Việt Nam rất sơ khai, giống Hàn Quốc và Trung Quốc cách nay 20 năm.
Việc hợp tác với SNF sẽ giúp công ty liên doanh tăng tỷ lệ tiêu thụ thịt chế biến lên 20 – 50% trong dài hạn.
Cũng như thịt tươi của MNS, cuối năm nay thịt chế biến của SNF sẽ ra mắt thị trường. Đây chính là bước đi cuối cùng trong mô hình 3F – từ trang trại tới bàn ăn của Masan.
Hiện nay, ngành hàng thịt heo Việt Nam ước tính trị giá 18 tỷ USD và nằm trong top 10 nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới.
Mỗi người Việt hiện đang tiêu thụ 33,5kg thịt/năm nhưng đến năm 2020, số lượng tiêu thụ dự kiến sẽ tăng lên 39kg. Vì thế, thị trường còn tiềm năng rất lớn để khai thác.
Đánh giá thị trường sẽ có nhiều cơ hội để khai phá, Công ty Vissan đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy giết mổ heo tại Long An.
Song song đó, doanh nghiệp này cũng đưa mô hình cửa hàng bán sỉ, bán thịt mảnh vào khai thác. Cửa hàng đầu tiên kinh doanh theo kiểu bán sỉ đã được mở tại chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) hồi tháng 11/2017 và rất hiệu quả.
Tiếp tục cho kế hoạch mở rộng thị phần, Vissan phát triển mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi song song với hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm trước đây.
Chỉ trong tháng 6/2018, Vissan đã khai trương 2 cửa hàng theo mô hình này tại quận 6 và Tân Phú.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ mở thêm 3 cửa hàng. Cùng với đó, Vissan sẽ củng cố và nâng cao thị phần khách hàng là các trường học, triển khai bán hàng online, và tăng cường nguồn thịt bò nhập khẩu.
Masan Nutri cũng phát triển chuỗi cửa hàng thịt mát kết hợp với bán lẻ. Tại đại hội cổ đông hồi cuối tháng 4, Tập đoàn Masan đặt mục tiêu doanh thu thịt heo có thương hiệu đóng góp 30% tổng doanh thu.
Vượt chướng ngại vật
Theo Ipsos Business Consulting (IBC), năm 2013 Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,5 triệu tấn thịt các loại, và dự kiến sẽ tăng khoảng 30%, lên 4,5 triệu tấn vào năm 2019.
Thị trường tiềm năng là vậy nhưng đến hơn 85% thị phần ngành chăn nuôi thuộc về các trang trại nhỏ.
Đây là lý do khiến ngành này gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, kiểm soát giá thành, thống nhất chất lượng sản phẩm. Hiện nay, thị trường khổng lồ này chỉ có một vài doanh nghiệp cung cấp thịt sạch như Vissan, CP Việt Nam.
Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, ông Nguyễn Ngọc An – Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, cái khó của ngành này là làm thế nào để mang đến sản phẩm tươi nhất cho người sử dụng.
Vì không thể cạnh tranh được ở chợ truyền thống nên doanh thu năm 2017 từ kênh bán lẻ truyền thống của Vissan đã giảm 25% trong khi doanh thu từ kênh bán lẻ hiện đại tăng 19%.
Giết mổ công nghiệp khó cạnh tranh với lò mổ thủ công. Phải mất rất nhiều thời gian để có thể thay đổi thói quen thích đến chợ, sờ vào miếng thịt tươi của người tiêu dùng.
Có đến khoảng 85% người dân còn thói quen mua thịt tươi tại các chợ truyền thống khiến Vissan gặp khó khăn trong việc mở rộng thị phần.
Để giữ được chỗ đứng trên thị trường, doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, hệ thống logistic hiện đại cùng công nghệ đóng gói phù hợp.
“Vấn đề bất cập nhất là khâu phân phối. Để đưa sản phẩm đến tay người sử dụng lúc thịt còn tươi cần hệ thống vận chuyển và nhà máy giết mổ đủ gần.
Tiêu chuẩn này là một trong những nguyên nhân khiến Vissan chưa thể xây dựng được hệ thống cửa hàng tiện lợi ở khu vực phía Bắc”, ông An cho biết.
Hiện tại, đến 100% sản lượng thịt heo tươi và thịt cung ứng cho chế biến của Vissan đạt chuẩn VietGAP và được truy xuất nguồn gốc.
Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và thị phần, Vissan đang xây dựng thêm điểm kinh doanh trong chợ và mở rộng thị trường thực phẩm chế biến tại khu vực nông thôn.
Thông tin từ Vissan cho thấy, doanh nghiệp này đang sở hữu thương hiệu gần 50 năm với hệ thống phân phối (bán lẻ, bán buôn) gồm 130.000 điểm bán, hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, 60 cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
Đang có sự cạnh tranh gay gắt bởi thịt nhập khẩu từ các nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Điều này buộc các doanh nghiệp trong ngành phải mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo chất lượng và giảm tối đa giá thành mới có thể cạnh tranh, một doanh nghiệp trong ngành chia sẻ.
Tác giả: Hồng Nga
Nguồn tin: Doanh nhân Sài Gòn