Các nhà sản xuất thịt heo Mỹ vốn đã khốn đốn với chính sách thuế ở vòng đấu đầu tiên trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nay lại tiếp tục phải sẵn sàng cho khó khăn chồng chất sau khi Bắc Kinh đưa các sản phẩm này vào danh sách áp thuế bổ sung chuẩn bị có hiệu lực trong tháng 7/2018.
Đánh thuế 88%
Ngày 2/4/2018, Trung Quốc chính thức áp mức thuế 25% đối với phần lớn các sản phẩm thịt heo Mỹ và 15% đối với hàng loạt các sản phẩm trái cây và các loại hạt nhằm trả đũa chính sách thuế của Mỹ đối với các sản phẩm thép và nhôm Trung Quốc. Giữa tháng 6/2018, hai nhóm sản phẩm này lại bị đưa vào danh sách thuế bổ sung sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/7/2018, vòng đấu thứ hai trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Không có bất cứ nhóm hàng hóa nào khác bị chịu “cú đúp” tương tự.
Theo công thức tính toán công bố trên website của Bộ Tài chính Trung Quốc, thịt heo Mỹ hiện đối mặt với mức thuế nhập khẩu lũy kế lên tới 71%, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Zhong Zheng, nhà sáng lập Heartland Brothers có trụ sở tại Trung Quốc, chuyên bán thịt heo Mỹ Berkshire cho các siêu thị và nhà hàng tại Trung Quốc cho biết: “Chính sách thuế bổ sung sẽ đẩy chúng ta ra khỏi thị trường này”.
Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2017, xuất khẩu thịt heo Mỹ sang Trung Quốc đạt 489 triệu USD và trong quý I/2018 vẫn chiếm thị phần nhập khẩu cao nhất trên thị trường Trung Quốc, với kim ngạch khoảng 117.000 tấn. Nhưng hoạt động xuất khẩu đã giảm gần một nửa kể từ khi mức thuế 25% được áp dụng vào đầu tháng 4/2018. Theo Brett Stuart, nhà phân tích ngành thịt Mỹ, Chủ tịch của Global AgriTrends: “Trên thực tế, họ đã ngừng mua thịt heo của chúng ta”.
Tính toán của một chuyên gia trong ngành cho hay, tổng mức thuế đối với thịt heo Mỹ từ tháng 7/2018 sẽ là 88%, sau khi tính thêm 10% thuế giá trị gia tăng. Mức thuế này sẽ đẩy biên lợi nhuận của các nhà chế biến thịt xuống mức thấp nhất trong 3 năm. Với chính sách thuế mới này, theo Pan Chenjun, nhà phân tích cấp cao tại Rabobank, các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ chuyển sang các nhà cung cấp khác tại châu Âu và Brazil.
Joe Schuele, người phát ngôn của Liên đoàn Xuất khẩu thịt Mỹ - Hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp như Tyson Foods Inc, JBS USA và WH Group Ltd’s Smithfield Foods phát biểu hôm 20/6/2018: “Chúng tôi đang cố gắng xác nhận cách các chính sách thuế liên tiếp này sẽ được triển khai nhưng vẫn chưa đạt kết quả”.
Hội thịt Bắc Mỹ, một tổ chức ngày đại diện cho Hormel Foods Corp và một số doanh nghiệp khác cũng đang chờ đợi thông tin về mức thuế từ Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh hoặc các nhà chức trách thương mại. Bill Westman, Phó Chủ tịch cấp cao các vấn đề quốc tế cho Hội phát biểu, sự thiếu chắc chắn về mức thuế khiến các nhà đóng gói thịt khó khăn trong việc lên kế hoạch chế biến.
Vũ khí sắc bén
Trong tháng 6/2018, Mexico cũng tuyên bố áp lệnh thuế lên nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trong đó mức thuế đối với thịt heo lên tới 20%. Các bang có tỷ lệ nông dân ủng hộ Tổng thống Donald Trump nhiều nhất trong kỳ bầu cử cuối năm 2016 như Iowa và Kansas có thể sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ lệnh trả đũa.
Ông Gregg Doud, Trưởng nhóm đàm phán nông nghiệp của văn phòng đại diện thương mại Mỹ nhận định: “Thẳng thắn mà nói, thịt heo đang trở thành vũ khí sắc bén trong cuộc chiến thương mại này”.
Jim Heimerl, một nhà sản xuất thịt heo từ Ohio và là Chủ tịch Hội đồng sản xuất thịt heo Quốc gia cho hay: “Điều này tàn phá gia đình tôi và các gia đình sản xuất thịt heo trên toàn nước Mỹ. Thuế suất 20% loại bỏ khả năng cạnh tranh hiệu quả của chúng tôi ở Mexico”.
Theo Liên đoàn Xuất khẩu thịt Mỹ (USMEF), Mỹ xuất khẩu khoảng 27% tổng sản lượng thịt heo. Mexico là thị trường lớn nhất về khối lượng, chiếm khoảng 25% tổng lượng thịt heo xuất khẩu của Mỹ năm ngoái. Về mặt giá trị, thị trường Mexico đứng thứ hai, sau Nhật Bản. Năm 2017, hơn 800.000 tấn sản phẩm thịt heo của Mỹ được vận chuyển đến Mexico, với trị giá khoảng 1,51 tỷ USD. Xuất khẩu thịt heo của Mỹ sang Trung Quốc trong cùng kỳ gần 1,2 tỷ USD.
Dan Halstrom, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành USMEF cho biết: “Mexico đã trở thành thị trường tiêu thụ chính cho thịt heo của Mỹ. USMEF vẫn đang nghiên cứu chi tiết mức thuế mới này sẽ được áp dụng như thế nào, nhưng đây là một tình huống khó khăn mà chúng tôi hy vọng sẽ tránh được. Thuế suất của Mexico đối với thịt heo Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả chuỗi cung ứng của Mỹ, đặt gánh nặng không cần thiết lên người tiêu dùng Mexico và có khả năng mở ra một thị trường mạnh mẽ cho toàn bộ các đối thủ cạnh tranh”.
Triển vọng cho thịt heo Mỹ
Bất chấp những tranh chấp thương mại với các quốc gia từ Mexico, Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vẫn đưa ra dự báo, xuất khẩu thịt heo của nước này có thể tăng 6,4% trong năm 2018. Cụ thể, báo cáo hàng tháng của USDA cho biết, triển vọng xuất khẩu thịt heo, sản phẩm từ sữa và ngũ cốc của Mỹ vẫn rất tươi sáng. Trong đó, xuất khẩu thịt heo trong năm nay có thể tăng 6,4%, vượt mức dự báo trong tháng 5 và sẽ tăng 2,9% trong năm 2019.
Triển vọng của USDA cũng tích cực đối với ngũ cốc. Cơ quan này đã đẩy mạnh dự báo xuất khẩu lúa miến theo yêu cầu của Trung Quốc, gần đây đã loại bỏ thuế nhập khẩu. Theo báo cáo, xuất khẩu lúa mì có thể tăng lên khi thu hoạch giảm ở các nước đối thủ và nhu cầu ngô đang phát triển ở nước ngoài có thể sẽ cắt giảm hàng tồn kho trong nước.
- Ty Rosburg, một lái buôn heo giống tại bang Iowa, Mỹ cho biết, ông lo ngại rằng căng thẳng thương mại có thể làm tổn hại đến nông dân và khách hàng của ông. Mặc dù vậy, ông vẫn kỳ vọng các quan chức Mỹ sẽ cố gắng cải thiện tình hình thương mại. “Tôi cho rằng xét về khía cạnh đó, giới chức trách đang nỗ lực tìm ra giải pháp tốt nhất thay vì khiến tình hình thêm tồi tệ”, ông nói.
Tác giả: Phương Ngọc
Nguồn tin: Người chăn nuôi