Mỗi năm, Việt Nam phải chi hàng tỷ USD nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN). Do phụ thuộc nhập khẩu nên giá TACN trong nước luôn cao hơn 20 - 30% so với các nước trên thế giới. Trong khi công nghệ sản xuất còn yếu, vùng nguyên liệu không ổn định, công tác quản lý ở các địa phương thiếu chặt chẽ… thì giải pháp cho lĩnh vực này lại chưa đủ mạnh. Vì thế, công nghiệp sản xuất TACN chưa thể bứt phá.
Hoạt động theo kiểu "ăn sẵn"
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT), giá trị nhập khẩu các mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu 5 tháng đầu năm 2016 khoảng 1,11 tỷ USD. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ngành sản xuất TACN Việt Nam đang đối mặt với việc thiếu nguồn nguyên liệu ổn định nên hằng năm phải nhập khẩu trên dưới 3-5 tỷ USD cho TACN và nguyên liệu. Trong đó có gần 3 triệu tấn ngô, hơn 2 triệu tấn dầu đậu tương, hàng trăm nghìn tấn bột cá, bột xương thịt, ngoài ra còn nhập thêm các chất phụ gia bổ sung thức ăn, các loại vi khoáng. Một trong những nguyên nhân khiến ngành sản xuất TACN còn yếu kém là hoạt động nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực này còn rất yếu. Hiện chưa có kết quả nghiên cứu nào về công nghệ có thể giúp các doanh nghiệp (DN) sản xuất TACN ứng dụng và chủ động hạ giá thành sản phẩm. Chẳng hạn, Premix là loại sản phẩm bổ sung rất quan trọng trong TACN nhưng ở Việt Nam mới có một vài DN manh nha sản xuất với quy mô nhỏ, chưa có tên tuổi trên thị trường. Tuy nhiên, các DN nước ngoài như Công ty Ross, Bayer, Biomin… đã sản xuất, cung ứng hàng trăm nghìn tấn Premix mỗi năm mà không có đối thủ cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (Ứng Hòa), hiện một số trang trại chăn nuôi lớn đã sử dụng công nghệ thức ăn tự phối trộn để hạ giá thành, song các loại phụ gia quan trọng giúp gia súc, gia cầm tăng trưởng vẫn phải nhập khẩu. Có thời điểm, giá TACN tăng cao, các DN nước ngoài bán ra cầm chừng, nhiều trang trại chăn nuôi phải mua với giá cao hơn 5-10% để dự trữ.
Thực tế, các DN sản xuất TACN trong nước chủ yếu vẫn hoạt động theo kiểu "ăn sẵn", không đầu tư thiết bị máy móc, nhà xưởng hiện đại và xây dựng các vùng nguyên liệu nên chẳng những giá thành cao mà sản xuất còn phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Không những thế, công tác quản lý của các ngành chức năng còn thiếu chặt chẽ, nhất là ở cấp tỉnh, huyện còn nhiều yếu kém. Thậm chí, có nơi chưa có cán bộ chăn nuôi chuyên trách mà giao cho cơ quan thú y quản lý nhưng không có cơ sở vật chất kỹ thuật đủ khả năng kiểm soát chất lượng. Cán bộ cơ sở làm công tác quản lý cũng không được huấn luyện nghiệp vụ, kiến thức mới... Theo bà Nguyễn Thị Sắc - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, hiện việc quản lý TACN ở cấp xã, thị trấn gần như "bỏ ngỏ" vì không có cán bộ để làm việc này. Thực tế, để kiểm tra về chất lượng TACN rất khó vì cán bộ không có chuyên môn và thiếu các phương tiện kỹ thuật để lấy mẫu, giám định sản phẩm…
Ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật
Theo ông Phạm Đức Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất TACN, Nhà nước cần quy hoạch vùng nguyên liệu ở những địa phương có lợi thế về trồng ngô, lúa, đậu tương, đồng thời cải tiến bộ giống để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Các DN trong nước cần liên kết lại với nhau để thành lập các công ty cổ phần có vốn đầu tư lớn, thuận lợi cho việc đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Nhà nước cần coi TACN là mặt hàng thiết yếu an ninh thực phẩm để đơn vị sản xuất được hưởng mọi quyền lợi ưu tiên như lương thực và phân bón (thuộc 10 mặt hàng thiết yếu mà Bộ Công thương xếp hạng quy định để giảm thuế giá trị gia tăng).
Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ trang trại chăn nuôi ở huyện Chương Mỹ cho rằng, Nhà nước cần chỉ đạo các viện, trường đại học triển khai nghiên cứu quy trình sản xuất TACN với công nghệ hoàn chỉnh, tiên tiến để có thể phổ biến đại trà vào sản xuất, giúp các DN sản xuất TACN trong nước giảm chi phí đầu tư. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc quản lý, phân phối, giá bán của các DN sản xuất TACN có vốn đầu tư nước ngoài để bình ổn giá theo quy định, từng bước hạn chế việc độc quyền của những DN này trên thị trường. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho rằng, ngoài việc hỗ trợ của Nhà nước, các trang trại chăn nuôi cần chủ động việc sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương làm thức ăn tự phối trộn để giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi.
Tác giả: Phúc Bản
Nguồn tin: Báo Hà Nội Mới