Dự thảo Nghị định về quản lý TĂCN, thức ăn thủy sản đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học, DN, nhà quản lí và người chăn nuôi, đặc biệt trong các quy định về kháng sinh.
Theo TS Phạm Kim Đăng – Phó trưởng Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho hay, các nước phát triển đang rất lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực của việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Lo ngại đó đã được WHO (2003) chứng minh bằng kết quả của một nghiên cứu tại Đan Mạch cho thấy, nếu dừng sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng sẽ giảm nguy cơ vi sinh vật kháng thuốc.
Chính vì vấn đề cấp bách này mà “Ngày sức khỏe thế giới” năm 2011, Tổ chức WHO chọn chủ đề liên quan đến việc dùng kháng sinh với slogan “Kháng kháng sinh: không hành động hôm nay, không có tương lai”. Đặc biệt, sự lo ngại càng gia tăng sau khi Mỹ công bố phát hiện một loại vi khuẩn trên người kháng Colistin, một trong những kháng sinh được cho là mạnh nhất.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, châu Âu chính thức cấm sử dụng kháng sinh trong TĂCN từ tháng 1/2006. Trước khi cấm các danh mục kháng sinh dùng chung cho cả vật nuôi và người, các cơ quan chức năng của châu Âu có lộ trình cảnh báo cũng như đưa ra một số định hướng thay thế kháng sinh để các doanh nghiệp và người chăn nuôi không rơi vào thế bị động.
Với nước Mỹ, theo chia sẻ của TS Phạm Kim Đăng, họ bắt đầu bằng việc có lộ trình giảm dần số loại thuốc kháng sinh rồi tiến tới cấm toàn bộ. Hiện, Mỹ chỉ còn cho sử dụng các loại kháng sinh không thuộc nhóm kháng sinh con người sử dụng.
Còn tại Việt Nam, Bộ NN-PTNT đang tiến hành các bước nhằm hạn chế và tiến tới loại bỏ kháng sinh trong TĂCN hoàn toàn vào năm 2018. Trước mắt, Bộ NN-PTNT đã ban hành thông tư 06/2016 theo đó giảm số loại kháng sinh được phép sử dụng trong TĂCN từ 22 xuống 15 loại kháng sinh và liều lượng sử dụng thấp hơn rất nhiều so với trước đây.
Theo một số chuyên gia, thực tế tại các nước phát triển cho thấy, việc cấm kháng sinh không ảnh hưởng quá lớn tới việc kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi mà chủ yếu ảnh hưởng tới giá thành chăn nuôi. Hiện nay cũng có một số giải pháp có thể thay thế kháng sinh trong TĂCN như: men vi sinh (probiotic), axit hữu cơ, enzim… song giá thành đang ở mức khá cao.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y cho rằng, việc hạn chế và tiến tới cấm kháng sinh trong TĂCN là rất tốt, song cấm cái gì và cấm như thế nào mới là điều quan trọng.
Lãnh đạo một DN chuyên nhập khẩu kháng sinh từ châu Âu cho hay, bản thân ông không biết châu Âu họ có cấm triệt để việc sử dụng hay không, nhưng hiện họ vẫn bán kháng sinh cho công ty của ông. Theo vị lãnh đạo này, bản thân nội tại và hạ tầng chăn nuôi của Việt Nam so với các nước phát triển vẫn còn tụt hậu rất xa, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng vô cùng lớn.
Vì vậy, việc cấm kháng sinh trong TĂCN cần phải có lộ trình cả về thời gian và chủng loại kháng sinh, nếu không rất dễ vỡ trận, đặc biệt là trong chăn nuôi lợn, bởi thời gian nuôi dài, khí hậu Việt Nam rất dễ xảy ra bệnh tiêu chảy. Khi đó, giá thành chăn nuôi sẽ cao hơn nên người thua thiệt cuối cùng lại chính là người dân.
Đặc biệt, theo lãnh đạo một số doanh nghiệp, các cơ quan quản lí nhà nước cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa tồn dư kháng sinh trên thịt, bởi thực tế nếu áp dụng đúng quy trình nuôi cách ly, kháng sinh sẽ tự hết, nên một phần bài toán ở đây chính là công tác thanh, kiểm tra quản lí.
Theo TS Phạm Kim Đăng, tác hại của việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi không phải con người ăn sản phẩm chăn nuôi có tồn dư kháng sinh sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe ngay vì liều lượng rất thấp. Lo ngại ở đây chính là việc phát hiện kháng sinh trong thịt, là minh chứng của việc lạm dụng, sử dụng bất hợp pháp hoặc sử dụng không khoa học kháng sinh trong chăn nuôi sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc của vi sinh vật, đặc biệt là vi sinh vật gây bệnh dẫn tới việc chữa trị bệnh bằng kháng sinh sau này sẽ gặp rất khó khăn.
Tác giả: Nguyễn Huân
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp Việt Nam