Chăn nuôi hiện đại và bài toán môi trường

| Ngày22/09/2016

Một số địa phương, sự tăng trưởng “nóng” về đàn vật nuôi đã tạo ra một khối lượng chất thải hữu cơ khổng lồ, uy hiếp môi trường trong lành của nhiều miền quê.

 

Những năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam có sự bứt phá mạnh mẽ. Sự chuyển dịch từ quy mô chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, phân tán, xen lẫn khu dân cư sang quy mô gia trại và trang trại tập trung là con đường tất yếu.

 

Nhưng ở một số địa phương, sự tăng trưởng “nóng” về đàn vật nuôi đã tạo ra một khối lượng chất thải hữu cơ khổng lồ, uy hiếp môi trường trong lành của nhiều miền quê.

 

Nhiều trang trại chăn nuôi ở Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về môi trường
Nhiều trang trại chăn nuôi ở Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về môi trường

 

Hầu hết trang trại chưa đạt tiêu chí môi trường

Theo ông Nguyễn Trọng Tấn, điều phối viên dự án LCASP Nam Định: Hiện nay hầu hết các trang trại nuôi lợn quy mô lớn ở Nam Định vẫn chưa đảm bảo vệ sinh môi trường về tất cả các tiêu chí.

 

Mặc dù trước khi nhập con giống vào chuồng nuôi, chủ trại đã đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường. Nhưng khi chăn nuôi với số lượng lớn, sau một thời gian lượng phân, nước thải vượt quá công xuất của hệ thống xử lý. Đồng thời những công trình này chưa được các đơn vị chức năng kiểm chứng về chất lượng, bởi vậy không thể chắc chắn khả năng vận hành của nó có thực sự hiệu quả hay không.

 

Ông Tấn cũng cho biết, một số trang trại quy mô lớn tại địa phương đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân.

 

Thậm chí, có trang trại bị lực lượng cảnh sát môi trường phạt tới 70 triệu đồng vì xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Có trang trại, cơ quan chức năng phải ra văn bản đình chỉ hoạt động trong thời hạn 6 tháng, sau khi hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi mới được cấp phép hoạt động trở lại.

 

Tại Nam Định, chỉ có khoảng 20% trong tổng số trang trại, gia trại được xây dựng tại các khu chăn nuôi tập trung, còn lại 75 – 80% được xây dựng xung quanh khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ dịch bệnh cho gia súc và con người.

 

Theo ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), toàn huyện có khoảng 30 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nhưng suốt hơn 3 năm qua, mới chỉ có 1 hộ đăng ký xây dựng hầm biogas trong chương trình của dự án.

 

Ông Hiếu bộc bạch: “Trong chăn nuôi ai cũng muốn đầu tư công trình khí sinh học. Nhưng thực tế tại địa phương, dự án chủ yếu là quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình, còn quy mô trạng trại thì rất ít người tham gia. Bởi một phần, các trang trại này xa khu dân cư, có diện tích rộng nên họ chọn giải pháp xây dựng các hồ chứa nước thải, chất thải hoặc tự xây hầm biogas. Nếu chiếu theo quy trình về xử lý môi trường, chắc chắn tất cả trang trại trên địa bàn không tuần thủ triệt để”.

 

 

Phân thải vẫn tràn ra ngoài

Tại Bắc Giang, thời gian qua giá lợn thương phẩm tăng cao. Người dân đẩy mạnh chăn nuôi để chớp cơ hội làm giàu. Toàn tỉnh hiện có khoảng 600 trang trại nuôi lợn từ 1.000 con trở lên. Cùng với đó là 3.500 – 4.000 gia trại, quy mô từ 100 - 700 con.

 

Theo ông Đào Xuân Vinh, PGĐ Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Bắc Giang, trong số 117.000 hộ dân đang tham gia vào hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, mới chỉ có khoảng 35.000 hộ đã đầu tư xây, lắp công trình khí sinh học. Thậm chí, không ít công trình khí sinh học dù đã được đầu tư xây dựng nhưng vận hành không hiệu quả hoặc không xử lý triệt để chất thải chăn nuôi.

 

Thực tế, nhiều trang trại đầu tư xây lắp hầm biogas với dung tích nhỏ (dưới 50m3) với mục đích để đối phó với lực lượng thanh tra môi trường. Để biện minh cho việc này, các chủ trại thường bảo rằng, họ chỉ đưa một phần chất thải rắn và nước rửa chuồng xuống hầm biogas, còn lại phần lớn lượng phân được thu gom lại, đóng bao và bán cho các vùng trồng trọt.

 

Tuy nhiên, điều đó khó có thể thực hiện được. Bởi khi nuôi lợn thương phẩm theo quy mô công nghiệp, phân của lợn rất nhão, kết hợp với nước rửa chuồng thường xuyên nên không thể tách chất thải rắn để đóng bao được. Biện pháp thu gom phần khô chỉ có thể khả thi ở các trang trại chuyên nuôi lợn nái sinh sản để bán con giống.

 

Theo ông Vinh, không ít trường hợp, chủ trang trại chọn cách đào ao rồi xả phân thải xuống, biến chúng trở thành hố chứa phân khổng lồ. Hố phân khổng lồ này được ngụy trang bằng cách trồng bèo tây phía trên mặt ao.

 

Cũng có trường hợp, khi lượng phân thải quá nhiều, họ thuê xe bồn để hút các bể chứa phân và bán cho các hộ chăn nuôi thủy sản.

 

Về bản chất, đó không phải là biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, bởi nguồn gây ô nhiễm di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác. Ông Vinh cũng thẳng thắn thừa nhận, cùng với sự phát triển chăn nuôi, Bắc Giang đã hình thành những điểm ô nhiễm, gây bức xúc trong dư luận.

Cần một giải pháp tổng thể để xử lý triệt để chất thải tại các trang trại chăn nuôi
Cần một giải pháp tổng thể để xử lý triệt để chất thải tại các trang trại chăn nuôi

Một số địa phương thuộc huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Theo thống kê, cả huyện có tới 250 trang trại chăn nuôi lợn, quy mô 300 – 400 con lợn thịt/lứa; hàng trăm gia trại, hộ chăn nuôi lợn từ 50 – 100 con/lứa (tập trung chủ yếu tại các xã Ngọc Châu, An Dương, Việt Lập, Việt Ngọc).

 

 

Nan giải

PV Báo NNVN đã từng đến thăm khu chuồng nuôi của ông Phạm Thanh Hinh với quy mô 40 lợn nái sinh sản, ngoài ra trong chuồng luôn thường trực khoảng 250 – 300 lợn thương phẩm của ông Phạm Thanh Hinh (56 tuổi, thôn Ngọc Linh, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên).

 

Gia đình ông đã đầu tư 3 hầm biogas để xử lý phân và nước thải với tổng thể tích là 16m3. Thực tế, công năng của 3 chiếc hầm trên chỉ đủ để xử lý khoảng 1/15 lượng chất thải chăn nuôi của trang trại. Với lượng phân thừa khổng lồ trên, ông Hinh sử dụng một phần lượng phân thải đổ xuống 3 ao cá của gia đình (trong đó 1 ao rộng 1 mẫu, 2 ao rộng 10 sào). 70 – 80% lượng phân thải còn lại được thu dọn bằng thủ công, đóng vào bao tải và chở bằng ô tô cho các hộ nuôi cá, trang trại trồng trọt…

 

Tại xã Ngọc Châu, trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Báu, Nguyễn Văn Duyên và Nguyễn Văn Thái có quy mô gần tương đương với trang trại của ông Hinh, nhưng cũng chỉ đầu tư xây dựng hầm biogas cỡ nhỏ (khoảng 30m3). Lực lượng chức năng đã từng ra quyết định xử phạt những trang trại này vì gây ô nhiễm môi trường…

 

Nhận định về thực trạng môi trường tại các trang trại chăn nuôi của địa phương, ông Trần Hùng, Q. Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 200 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, trong đó 165 trang trại chăn nuôi lợn thịt và 45 trang trại nuôi lợn nái. Việc quản lý môi trường ở các trang trại này thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, mới đây Sở TN-MT chủ trì cùng các đơn vị liên quan khảo sát, đánh giá cho thấy, không ít trang trại còn thực hiện chưa đúng quy trình, quy định trong việc vận hành, quan trắc định kỳ hay xin cấp phép xả thải.

 

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động tại một số trạng chăn nuôi ở Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách để hỗ trợ người chăn nuôi giải quyết vấn đề này. Và cho tới thời điểm này, dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, sử dụng vốn vay của ngân hàng Phát triển Châu Á đang phát huy rất hiệu quả mục mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường chăn nuôi quy mô nông hộ, xen lẫn khu dân cư.

 

Dự án đang tiếp tục nghiên cứu những giải pháp khác, nhằm xử lý triệt để hơn bài toán chăn nuôi theo quy mô trang trại. Với đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm, có thể tin tưởng rằng, trong tương lai, dự án sẽ đưa ra được những công nghệ mới phu hợp nhất để giải bài toán môi trường tại các trang trại, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả cao.

 

Tác giả: Nhóm PV           
Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

  • Hãy là người đầu tiên bình luận về bài viết này
Bình luận như khách
Hoặc đăng nhập để bình luận
0 / 3000 Giới hạn ký tự
Chuỗi của bạn nên trong khoảng 10-3000 ký tự
Lưu ý: Bình luận của bạn sẽ phải đợi kiểm duyệt trước khi hiển thị.
Điều khoản & Quy định.
Xem thêm:

 

LIÊN HỆ

VietDVM - Trang thông tin và kiến thức
chăn nuôi thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

Hotline: 0934-671-388  |  Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

  Bạn đang sử dụng VietDVM v3.6
© Bản quyền thuộc về VietDVM™
Ω Vận hành và khai thác bởi công ty CP Ứng dụng & Truyền thông X7PLUS® JSC
Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.
® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.    DMCA.com Protection Status

 

 

 

  • VietDVM - Trang thông tin và kiến thức Chăn nuôi Thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

    © Bản quyền 2014 - 2020 thuộc về VietDVM™. ¶ Bạn đang sử dụng VietDVM™ v3.6

    ∩ Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.

    ® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.

    Ω Vận hành và khai thác bởi Công ty CP Ứng dụng và Truyền thông X7PLUS - X7PLUS® JSC

    VPGD: Tầng 8, tòa nhà Hanoi Creative City, Số 1 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Email: X7PLUS.jsc@gmail.com | Website: www.X7PLUS.com

  • Liên hệ nội dung & kết nối VietDVM:

    Facebook: @congdongVietDVM | Twitter: VietDVM | Likedin: /in/VietDVM

    Hotline: 0934-671-388 | Email: vietdvm@gmail.com

     

    Liên hệ quảng cáo & hợp tác:

    Tel: 0246-2949-951 | 0934-671-388 | vietdvm@gmail.com

  • logo X7PLUS DMCA.com Protection Status