Trước tình trạng giá thịt lợn giảm sâu dưới 25 nghìn đồng/kg, 3 triệu hộ nuôi lợn có nguy cơ phá sản nếu không được kịp thời giải cứu, sáng 24.4.2017, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã tổ chức cuộc họp khẩn với khoảng 30 các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi… và các hiệp hội, ngành hàng cùng khẩn cấp tìm giải pháp hỗ trợ nông dân.
»› Tin tức thị trường chăn nuôi có gì mới?
»› Điểm sáng chăn nuôi: Heo sạch được bao tiêu
Đại diện lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết: Các sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trong nước đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa. Trong đó đặc biệt là mặt hàng thịt lợn đang đối mặt với sự dư thừa khủng khiếp. Giá lợn hơi loại tốt (khối lượng trung bình từ 100-110kg/con) đã xuống thấp dưới 28 nghìn đồng/kg, có nơi xuống dưới 25 nghìn đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu tình trạng này kéo dài hầu hết các hộ chăn nuôi và ngay cả những trang trại lớn cũng khó trụ được, kéo theo nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh doanh đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là đối với các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
»› Cập nhật giá cả thị trường tuần qua
»› Tháo gỡ khó khăn nhờ bài học chăn nuôi heo thành công của Đan Mạch
Trước tình hình này, “ngành chăn nuôi phải khẩn cấp tái cơ cấu ngành, bởi trong bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng tỉ lệ thịt lợn không còn chiếm phần lớn như ngày xưa. Bữa ăn của người tiêu dùng cân đối, phong phú các nhóm thịt gia súc, gia cầm, tôm, cua, cá, trứng, sữa… Vì vậy, với tốc độ phát triển đàn ồ ạt hiện nay, thịt lợn dư thừa là điều khó tránh khỏi” – Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh. "Các doanh nghiệp cùng giảm giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tăng cường mua thịt lợn để chế biến, hỗ trợ nông dân, bởi “kéo dài thêm ngày nào, bà con nông dân “chết” ngày đó” – Bộ trưởng Cường khẩn thiết đề nghị.
Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết: Doanh nghiệp đã tăng cường bán thịt lợn theo miếng, chế biến thành xúcxích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu. Tuy nhiên, một số nông dân đang cố gắng vay vốn để giữ đàn lợn để xuất khẩu. Do vậy, cần có chính sách cụ thể để người nông dân có hướng chăn nuôi.
»› Đàm phán xuất lợn hơi chính ngạch đi Trung Quốc
Theo ông Phạm Văn Học - Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, giá thức ăn của doanh nghiệp đã giảm từ 5%-7% theo đó cũng giảm giá bán con giống. Trong thời điểm hiện nay, không tiếp tục tăng đàn nhưng sẽ áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng đàn lợn nái, và xem xét xây dựng nhà máy giết mổ lợn trong năm nay để nâng cao năng lực chế biến thực phẩm. “Bộ Nông nghiệp cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường để cảnh báo cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp. Kiến nghị tạm dừng tạm nhập tái xuất thịt lợn để giải quyết nguồn cung dư thừa thịt lợn hiện nay, giành thị trường cho thịt lợn nội địa” - ông Phạm Văn Học nêu ý kiến.
Để tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra giải pháp, phải nhanh chóng giảm số lượng lợn thịt, đặc biệt là giảm nhanh đàn lợn nái 4,2 triệu con hiện nay xuống 3 triệu con; tăng cường chế biến sâu chăn nuôi, chế biến, bảo quản thịt lợn, không để tình trạng bán tươi theo cách cổ truyền tiếp diễn và đặc biệt, hướng đến xuất khẩu chính ngạch thịt lợn ra thế giới, trong đó quan trọng nhất là thị trường Trung Quốc. “Bộ NNPTNT đang tích cực cử các đoàn công tác đi đàm phán để xuất khẩu thịt lợn chính ngạch sang Trung Quốc được triển khai sớm” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh
Theo: Báo Lao Động