Có thể chăn nuôi gà ở Việt Nam, nhiều người dân đã quen với gà thả vườn, gà ta, gà chạy bộ…và đại bộ phận người dân nước ta cũng có thói quen, sở thích tiêu dùng là những loại gà này chứ không phải gà thịt công nghiệp nuôi theo kiểu hiện đại và có khả năng tăng trọng nhanh như ngày nay.
»› Xem nhiều: Gà công nghiệp đã đủ sức cạnh tranh?
Thực ra trên thế giới cũng đã có những luồng tư tưởng khác nhau tranh cãi về việc nên chú trọng phát triển loại thịt gà nào thì tốt nhất và bền vững nhất cho con người? gà thịt công nghiệp với khả năng tăng trọng nhanh hay các giống gà hữu cơ tăng trọng chậm?
Có nhiều bằng chứng cho rằng các phương pháp chăn nuôi gà hiện đại có lợi cho sự phát triển của xã hội con người nói chung hơn, nhưng liệu nó có bền vững về lâu dài hay không thì vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Vào tháng 11 năm 2017, công ty tư vấn và nghiên cứu khoa học HFFA đã xuất bản một báo cáo toàn diện đánh giá chi phí cơ hội, những ưu và nhược điểm nếu chuyển toàn bộ ngành chăn nuôi gà hiện đại (cụ thể là ngành chăn nuôi gà thịt công nghiệp) sang phương pháp chăn nuôi gà hữu cơ, sang những giống gà chậm phát triển, “gà chạy bộ”, “gà thả vườn”.
»› Xem nhiều: Giống gà chậm phát triển có hại thế nào?
Nghiên cứu tập trung phân tích các tác động tiềm ẩn lên xã hội (bối cảnh nghiên cứu là ở Liên minh châu Âu và Đức). Phương pháp chăn nuôi gà thay thế là: sử dụng các giống gà chậm phát triển, hiệu quả chuyển đổi thức ăn thấp hơn các giống gà thịt hiện đại đang nuôi, không gian/mỗi đầu gà đòi hỏi nhiều hơn. Gà hữu cơ được định nghĩa là đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của EU về quy trình sản xuất và dán nhãn hữu cơ.
Như trong 1 nghiên cứu tương tự được tiến hành bởi Hội đồng gia cầm Quốc gia Mỹ và công ty Elanco kết thúc hồi đầu năm 2017 thì kết quả không mấy khả quan. Nghiên cứu cho biết cả 2 phương pháp chăn nuôi gà chậm phát triển và gà hữu cơ trên quy mô lớn đều dẫn đến chi phí tăng lên và cuối cùng là thu nhập của người chăn nuôi gà giảm đáng kể. Thịt được sản xuất theo các phương thức chăn nuôi này cũng đắt hơn 25-30% so với thịt gà thông thường.
Do những tác động đó, thu nhập nông nghiệp của EU sẽ giảm khoảng từ 3-8 tỷ EUR. Thêm vào đó, các giống gà hữu cơ hay gà chậm phát triển sẽ tiêu tốn nhiều tài nguyên hơn các giống gà hiện đại. Các nhà nghiên cứu còn đi xa đến mức phân tích sự chuyển đổi này sẽ gây tổn hại đến đa dạng sinh học toàn cầu và dẫn đến lượng CO2 thải ra tăng → tăng hiệu ứng nhà kính dẫn đến ảnh hưởng xấu lên biến đổi khí hậu toàn cầu.
Kết quả nghiên cứu này có thể là một minh chứng tích cực cho các công ty, cá thể đang hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gà và sản xuất thịt gà công nghiệp để họ có căn cứ chống lại các tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật giống như “vụ chăn nuôi gà đẻ bằng chuồng lồng tự do” trước đó (điều này ở Việt Nam có thể không có nhiều ý nghĩa nhưng ở Mỹ và các nước châu Âu thì lại là điều đáng mừng).
Đứng trên góc độ khoa học, các nhà nghiên cứu cho rằng vấn đề khoa học không phải là trở ngại. Tuy nhiên, với sự thay đổi chóng mặt của xã hội, yếu tố quan trọng nhất hiện tại là cảm nhận và nhận thức của người tiêu dùng chứ không phải là khoa học hay công nghệ.
Dựa trên những kết quả nghiên cứu này, năm 2018 sẽ là năm quan trọng để ngành công nghiệp thực phẩm quyết định có muốn bắt đầu một “cuộc chuyển đổi lịch sử” từ gà thịt công nghiệp sang gà hữu cơ hay gà chậm phát triển hay không.
Nếu ngành công nghiệp chăn nuôi gà thịt hiện đại đưa ra được những bằng chứng khoa học thuyết phục và có ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng lẫn các nhà hoạch định chính sách thì nhiều khả năng sẽ giữ vững được thị trường hiện tại và ngược lại thì không biết tương lai gì đang chờ họ phía trước.
»› Xem nhiều: Chăn nuôi gia cầm không kháng sinh - Tiềm ẩn nguy cơ gì?
VietDVM Team