Một nghiên cứu gần đây về sự phát triển tuyến vú ở heo nái và nái hậu bị đã được giới thiệu bởi bộ Nông nghiệp và thực phẩm nông nghiệp Canada - Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi bò sữa và heo R & D được tổ chức tại trung tâm hội nghị London năm 2014.
Tóm tắt
Sự thành công trong các vấn đề bú sữa ở heo con là chìa khóa quan trọng, nó ảnh hưởng đến sự thành công của các nhà chăn nuôi heo. Trong khi các nhà sản xuất đang phải đối mặt với những thách thức ngày một nhiều của việc sử dụng dòng heo nái hyperprolific (là một dòng heo nái có năng suất sinh sản và tỷ lệ heo con lúc cai sữa cao).
Có rất nhiều yếu tố đã được nghiên cứu và được đưa vào ứng dụng để tạo ra thành công trong việc nuôi dưỡng và phát triển heo con nhưng có một khía cạnh rất quan trọng có thể giúp ích cho vấn đề này, mà các nhà khoa học đã bỏ qua đó là sự phát triển của tuyến vú ở heo nái.
Tổng quan về vấn đề này sẽ bao gồm các yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến sản lượng sữa của heo nái và sau đó sẽ đi sâu vào nghiên cứu làm thế nào để phát triển tuyến vú ở heo nái.
Sau khi xem xét tầm quan trọng của việc sử dụng núm vú đầu tiên thì việc làm thế nào để tăng sản lượng sữa của các núm vú trong lần đẻ thứ hai sẽ được trình bày dưới đây.
Năng xuất sữa của heo nái
Sản lượng sữa của heo nái là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định chính đến tốc độ tăng trưởng của heo con do sữa là nguồn năng lượng duy nhất cho heo con sau khi sinh ra. Heo nái không sản xuất đủ sữa để duy trì năng lượng cho heo con thì heo con sẽ chậm lớn, dễ nhiễm bệnh và quan trọng hơn là điều đó ảnh hưởng đến năng suất của heo sau này. Vấn đề này đã xảy ra khi các nhà sản xuất sử dụng dòng nái cao sản hyperprolific.
Theo các nhà nghiên cứu, sản lượng sữa bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như : kích thước chuồng nuôi, dinh dưỡng cho heo nái, di truyền học, sự quản lý, môi trường và tình trạng nội tiết của heo nái. Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng mà thường bị bỏ qua đó là sự phát triển của tuyến vú.
Thật vậy, sản lượng sữa của heo nái phụ thuộc vào số lượng các tế bào sản xuất sữa có mặt trong tuyến vú lúc heo nái bắt đầu cho con bú.
Có một mối liên hệ tích cực giữa số lượng tế bào tiết sữa ở tuyến vú và tốc độ tăng trưởng của heo con. Thời điểm mà sự tăng trưởng của tế bào trong tuyến vú tăng cao là một yếu tố đáng quan tâm vì trong khoảng thời gian đó chúng ta có thể kích thích tuyến vú tăng trưởng bởi các chất dinh dưỡng hoặc nội tiết tố.
Phát triển tuyến vú ở heo và kiểm soát nội tiết
Sự phát triển tuyến vú ở heo xảy ra trong ba giai đoạn: từ ba tháng tuổi đến tuổi thành thục về giống, 1/3 thời kỳ cuối của thai kỳ, trong thời gian cho heo con bú.
Tuyến vú ở heo được điều khiển bởi sự tương tác phức tạp của các hoocmon khác nhau. Trong thời gian mang thai, oestrogen và prolactin là hai hoocmon rất cần thiết cho sự phát triển hoàn toàn của tuyến vú và tiết sữa; relacxin cũng cần thiết trong việc kích thích tăng trưởng của tuyến vú.
Đã có một vài nghiên cứu chứng minh ảnh hưởng của hoocmon đến sự phát triển của tuyến vú. Heo nái hậu bị khi tiêm prolactin trong thời gian 28 ngày, trọng lượng heo đạt 75kg sẽ làm tăng sự phát triển của tuyến vú (đánh giá cảm quan) và ống dẫn sữa cũng đã xuất hiện (McLaughlin và cộng sự, 1997). Một điều đặc biệt là mức độ phát triển của tuyến vú không phụ thuộc vào liều lượng của prolactin khi tiêm. Một nghiên cứu được thực hiện tại nơi giết mổ heo nái hậu bị cho thấy sự phát triển của tuyến vú sẽ tăng lên khi tiêm prolactin trong 29 ngày bắt đầu từ khi heo đạt 75kg trọng lượng (Farmer và cộng sự, 2005). Tuy nhiên tác động của việc tiêm prolatin đối với sản lượng sữa trong lứa đẻ thứ hai vẫn chưa được nghiên cứu và việc tiêm hoocmon cho heo nái tiêu tốn chi phí rất lớn.
Dinh dưỡng trước tuổi động dục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tuyến vú?
Dinh dưỡng có làm ảnh hưởng đến sự phát triển tuyến vú ở heo nái đang phát triển hay không? đó là câu hỏi được đặt ra cho các nhà nghiên cứu, tuy nhiên những nghiên cứu về đề tài này vẫn còn rất ít (nhật xét của Farmer, 2013). Hay một câu hỏi nữa được đưa ra đó là "khi hạn chế 20% - 26% khẩu phần ăn của heo từ 90 ngày tuổi cho đến tuổi thành thục thì có thể làm giảm khối lượng mô tuyến sữa hay không?" .
Ảnh hưởng của việc hạn chế khẩu phần ăn và giảm lượng protein trong thời gian trước tuổi động dục đến khối lượng mô vú ở tuổi thành thục
Theo bảng trên thì sự hạn chế thức ăn từ 28 – 90 ngày tuổi không ảnh hưởng đến sự phát triển của tuyến vú ở tuổi thành thục. Hơn nữa, cũng theo bảng trên thì việc giảm lượng protein (14,4% so với 18,7% lượng protein thô) trong thời gian từ 90 ngày tuổi đến tuổi động dục không cản trở sự phát triển của tuyến vú của heo nái hậu bị. Mặt khác, việc hạn chế khẩu phần ăn từ 90 -202 ngày tuổi ảnh hưởng đến sự phát triển của tuyến vú.
Phytoestrogen là hợp chất thực vật có trong tự nhiên, nó có tính chất như estrogen. Phytoestrogen có mặt với số lượng lớn trong đậu nành và đậu nành cũng chứa một lượng phân tử chất genistein có tác dụng khích thích phát triển và duy trì các đặc tính sinh dục cái.
Heo nái hậu bị ăn 2,3g hợp chất genistein mỗi ngày từ ba tháng tuổi đến tuổi thành thục sẽ tăng 44% số lượng tế bào vú tại ngày thứ 183. Mặt khác, bổ sung vào thức ăn hạt lanh, bột lanh hoặc dầu trong thời gian trước tuổi động dục mang lại những thay đổi trong sự lưu thông axit béo mà không có bất kỳ sự thay đổi nào trong tuyến vú.
Tuy nhiên, khi bổ sung 10% hạt lanh từ ngày thứ 63 của thai kỳ cho đến khi cai sữa sẽ có một tác dụng có lợi: tăng 30,9% khối lượng nhu mô và 11,6% khối lượng tế bào nhu mô. Đây là bằng chứng đầu tiên về hiệu quả của việc phát triển tuyến vú và nó sẽ mở ra một con đường mới về những dự án nhằm kích thích sự phát triển của tuyến vú ở heo nái hậu bị.
Dinh dưỡng khi mang thai và cho con bú: Tác dụng về sự phát triển của tuyến vú
Sự phát triển của tuyến vú ở cuối kỳ mang thai và cho con bú đã được nghiên cứu bởi Farmer (2013). Trong thời gian mang thai, cho ăn thức ăn có năng lượng cao (44MJME (10.516Kcal) so với 24MJ ME (5.736 Kcal) mỗi ngày) có thể có tác động bất lợi đến sự phát triển của tuyến vú và sản xuất sữa. Còn nếu tăng lượng protein (16g lysine so với 4g mỗi ngày) sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển tuyến vú nhưng có thể sẽ tăng sản lượng sữa sau đó.
Khi tăng protein trong khẩu phần ăn của heo nái hậu bị trong quá trình mang thai sẽ làm nái hậu bị quá béo (độ dày mỡ lưng 36mm ở cuối giai đoạn thai kỳ) đã làm giảm sự phát triển của tuyến vú (theo Head và cộng sự, 1991) và sản xuất được ít sữa hơn heo nái hậu bị gầy hơn (độ dày mỡ lưng 25mm) với trọng lượng như nhau (Head và Williams, 1991).
Tuy nhiên, độ dày mỡ lưng của nái hậu bị trong những nghiên cứu này vẫn dày hơn so với thực tế trong chăn nuôi vì vậy cần phải nghiên cứu thêm để cơ thể heo có những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển tuyến vú vào cuối thời kỳ mang thai.
Thức ăn trong giai đoạn cho con bú cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của tuyến vú, sự gia tăng khối lượng của tuyến vú được chứng minh khi heo nái được cho ăn nhiều protein (65g protein so với 32g mỗi ngày) hoặc cho heo ăn thức ăn nhiều năng lượng (17,5Mcal ME so với 12 Mcal ME mỗi ngày) theo Kim và cộng sự, 1999. Do đó, cần phải tăng lượng thức ăn chăn nuôi trong thời gian cho con bú.
Sự co giãn của các tuyến vú
Sự co giãn tuyến vú sau khi cai sữa là một quá trình quan trọng cho sự phát triển tuyến vú. Sự co giãn của tuyến vú được kết hợp với những thay đổi khác của heo và nó xảy ra nhanh chóng trong 7 -10 ngày sau khi cai sữa, với mức giảm hơn 2/3 trọng lượng tuyến vú (theo Ford và cộng sự, 2003).
Tuyến vú co giãn diễn ra tại cả vú cho bú cũng như vú không được heo con bú. Nó xảy ra nhanh chóng trong khoảng từ 7 -10 ngày sau khi cai sữa và nếu sau 3 ngày không được bú nó sẽ không thể trở lại bình thường như khi đang cho con bú. Mặt khác, sự co giãn có thể được phục hồi sau 24h không bú nhưng tuyến vú sẽ không tiết ra nhiều sữa bằng cho heo bú ngay từ đầu và liên tục (theo Farmer, 2013).
Núm vú sử dụng trong lần cho bú đầu tiên ảnh hưởng đến năng suất tiết sữa của lần thứ hai cho con bú?
Với dòng nái hyperprolific, người chăn nuôi đang phải áp dụng một biện pháp để cải thiện vấn đề cho heo bú hiện nay. Họ cho heo nái đẻ lứa đầu nuôi nhiều heo con nhất có thể hoặc họ để lại một số núm vú không được sử dụng để heo nái có một thời gian nghỉ ngơi nhất định.
Điều này đặc biệt quan trọng với heo nái đẻ lứa đầu tiên do sức khỏe heo nái kém, tránh “hội chứng heo nái gầy”, có khả năng dẫn đến các vấn đề về sinh sản. Phát hiện này chứng minh núm vú được sử dụng trong lần đẻ đầu tiên sẽ sản xuất nhiều sữa hơn trong lần đẻ thứ hai (Farmer và cộng sự, 2012).
Theo nghiên cứu, heo bú núm vú đã được sử dụng vào chu kỳ đầu tiên có cân nặng hơn 1,12 kg vào ngày thứ 56 so với heo bú sữa ở núm vú chưa được qua sử dụng. Hơn nữa, sự phát triển của núm vú đã được sử dụng trước đây được cải thiện trong lần đẻ thứ hai và heo con sử dụng núm vú đã được dùng trước đó sẽ lâu đói hơn heo con sử dụng núm vú chưa được dùng ở lần đẻ trước.
Một điều ngạc nhiên nữa là heo con có thể phân biệt được núm vú đã sử dụng ở lần đẻ trước và múm vú chưa được sử dụng.
Kết luận
Sự kết hợp các yếu tố có liên quan đến nhau trong việc kiểm soát sản lượng sữa ở heo nái và việc sử dụng dòng nái cao sản hyperprolific hiện nay là một vấn đề đáng được quan tâm. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng và chế độ cho ăn hợp lý đang trở thành một biện pháp tốt nhất để cải thiện sản lượng sữa của heo nái, đặc biệt là heo nái hậu bị. Dinh dưỡng của heo nái hậu bị và heo nái mang thai luôn đòi hỏi cần chú ý đặc biệt để đảm bảo sự phát triển tốt nhất của tuyến vú và đảm bảo được tiềm năng sản lượng sữa trong tương lai.
Bây giờ chúng ta đã biết rằng múm vú được bú trong lần đẻ đầu tiên sẽ phát triển tốt hơn trong lần đẻ thứ hai. Kết quả nghiên cứu này sẽ rất có lợi cho các nhà sản xuất và chăn nuôi để họ có thể đưa ra quyết định tốt nhất về chiến lược quản lý cho heo nái đẻ lứa đầu tiên.
Tiến Dũng tổng hợp
Nguồn thepigsite