Trong bối cảnh nền chăn nuôi heo công nghiệp trên thế giới đang ứng phó với những khó khăn từ hệ lụy của biến động chính trị thì sự bùng phát của các dịch bệnh trên quy mô rộng lớn càng làm cho những khó khăn thêm chồng chất. Trong đó, bệnh tiêu chảy cấp (PED) trên heo xảy ra tại Mỹ trong năm 2014 vừa qua là một ví dụ điển hình.
Bệnh tiêu chảy cấp (PED) và những thiệt hại do PED gây ra trên thế giới
Với 8.758 trường hợp dương tính (tính từ tháng 10/2013 đến ngày 03/11/2014), bệnh tiêu chảy cấp (PED) đã làm thay đổi bộ mặt của toàn bộ ngành chăn nuôi heo công nghiệp tại Mỹ nói riêng và thay đổi cơ cấu của ngành công nghiệp thịt tại Mỹ nói chung. Cụ thể, giá thịt heo giao dịch tăng mức kỷ lục từ trước đến nay từ trung bình 4,951 USD/ pound (tương đương 233.000 vnđ/1kg) vào đầu tháng 11 năm 2013 đến 8,003 USD/pound (tương đương 377.000 vnđ/1kg) vào đầu tháng 11 năm nay (2014). Ngoài ra, nhiều nước cũng đã cấm các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo từ Mỹ do lo ngại vấn đề truyền lây bệnh, từ đó làm cho tổng kim ngạch xuất khẩu thịt heo của Mỹ năm 2014 cũng giảm theo đáng kể.
Với tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ chết cao (gần như 100% đối với những heo con theo mẹ và 30% đối với heo nái) cùng với những di chứng để lại trên đàn heo nái (bệnh tiêu chảy cấp (PED) gây thiệt hại 50-100% lứa đẻ trong vòng 24h sau khi đẻ trên đàn heo nái tơ), ta có thể nói PED là một trong những mối lo ngại lớn của các nhà chăn nuôi heo trên toàn thế giới.
Virus gây bệnh tiêu chảy cấp (PEDv) được tìm thấy lần đầu tiên tại Châu Âu vào thập niên 1970 và lan sang Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 1990. Từ năm 2000 về sau, PED được phát hiện thấy ở Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Heo ở mọi độ tuổi đều nhạy cảm với virus này, heo con theo mẹ nhạy cảm nhất, có tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ chết cao.
Bệnh tiêu chảy cấp (PED) do 1 loại ARN virus sợi đơn thuộc họ Coronavirus gây ra. Với kích thước thuộc loại khá lớn so với nhiều virus khác – từ 27 đến 30 kb. Virus có 2 type chính, type 1 thường gây bệnh cho heo sau cai sữa, type 2 gây bệnh cho heo con theo mẹ và heo hậu bị.
Virus gây bệnh tiêu chảy cấp (PED) như thế nào?
Khi heo khỏe mạnh tiếp xúc với các nguồn gây bệnh tiêu chảy cấp (PED) như: heo mang mầm bệnh, phân, tinh heo, vật dụng chăn nuôi có mầm bệnh, xe tải, con người, nguồn nước…Virus sẽ từ các nguồn đó xâm nhập vào cơ thể heo chủ yếu thông qua đường tiêu hóa.
Tại đường tiêu hóa của heo (chủ yếu là đoạn không tràng và hồi tràng của ruột non), virus gây bệnh tiêu chảy cấp (PEDv) nhân lên trong các tế bào nhung mao ruột non làm cho lông nhung ruột hư hại, teo đi và ngắn hơn, dẫn đến giảm khả năng hoạt động của các men tiêu hóa trong ruột, từ đó giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng trong thức ăn hay trong sữa (đối với heo con).
Đây là nguyên nhân gây tiêu chảy trên heo.
Heo con theo mẹ do có hệ thống lông rung phát triển chưa hoàn thiện và sức đề kháng yếu nên khi virus gây bệnh tiêu chảy cấp tấn công thì nó là đối tượng bị lây nhiễm nhiều nhất (gần như 100%) và bị tổn thương nặng nhất. Ngoài ra, trong ruột heo con theo mẹ chủ yếu là sữa nên phân thường có màu vàng, nhiều nước (lỏng), mùi hôi và có cả sữa không tiêu hóa hết. Một thời gian ngắn sau khi tiêu chảy, heo bắt đầu có hiện tượng nôn, dịch nôn chủ yếu là sữa chưa tiêu hóa hết còn trong dạ dày và có màu trắng sữa, nhiều nước, vị chua (do sữa lên men).
- Sau khi ống tiêu hóa bị tổn thương, nó phát ra một kích thích bất thường tác động lên trung tâm gây nôn trên não. Sau đó, trung tâm này tác động ngược trở lại cơ hoành, cơ bụng >> hai cơ này co thắt lại làm tăng áp lực ổ bụng >> co các cơ hô hấp, cơ thực quản giãn ra tống các chất từ dạ dày ra ngoài (hay còn gọi là hiện tượng nôn).
Tiêu chảy quá nhiều kết hợp với nôn làm cho những heo con này mất nước nặng → heo lạnh, nằm chồng lên nhau và nằm lên bụng heo mẹ. Chúng sẽ chết trong vòng 3-4 ngày do mất nước. Khi chết, xác heo gầy kèm theo các triệu chứng như mắt lõm sâu.
Đồng thời, nếu mổ khám ta sẽ thấy các bệnh tích rất đặc trưng của bệnh tiêu chảy cấp như:
- Thành ruột rất mỏng, trong suốt và có thể nhìn thấy chất chứa bên trong do lớp lông rung trên niêm mạc bị phá hủy và bào mòn.
- Dạ dày có chứa nhiều sữa bị đóng vón.
- Hạch màng treo ruột sưng to.
- Xuất hiện các tia tĩnh mạch sữa song song với tĩnh mạch màng treo ruột.
Đối với heo choai hay heo nái, sức đề kháng cao hơn đồng thời hệ thống lông rung trên niêm mạc ruột cũng khó bị phá hủy hơn nên tỷ lệ nhiễm và tỷ lệ chết không cao như heo con. Những heo lớn trong hệ tiêu hóa có rất nhiều loại chất chứa (không chỉ có mỗi sữa như heo con theo mẹ) nên khi hệ thống lông rung ruột bị phá hủy, thức ăn không được tiêu hóa triệt để, các chất chứa trong ống tiêu hóa lên men làm cho phân tiêu chảy có màu xám, hay xám đen giống như xi măng hoặc có màu vàng (chủ yếu heo choai).
Đối với những heo choai và heo nái không chết, triệu chứng tiêu chảy sẽ biến mất sau 3 đến 4 tuần và đàn heo bắt đầu phục hồi. Một thời gian sau, heo nái hình thành miễn dịch và truyền sang sữa cho heo con.
Thông thường:
- Khi trại bị nhiễm lần đầu, toàn bộ heo trong trại sẽ nhiễm bệnh và thường là rất nghiêm trọng.
- Sau 3 năm, ở những trại đã từng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ nhiễm và tỷ lệ chết lại cao do những heo sau 3 năm thường là heo mới về trại (heo thay thế đàn) nên chưa có miễn dịch với mầm bệnh PEDv của trại đó.
Video cơ chế xâm nhập của virus PED
Làm thế nào để xác định đàn heo đã nhiễm virus gây bệnh tiêu chảy cấp PEDv?
Trước tiên, khi phát hiện các dấu hiệu khả nghi (heo bị tiêu chảy và bắt đầu lây lan) ta cần quan sát, theo dõi, kiểm tra thường xuyên xem heo có các dấu hiệu đặc trưng của bệnh hay không (màu phân, tốc độ lây lan, tỷ lệ chết, loại heo nhiễm bệnh, heo bị nôn…?).
Nếu vẫn chưa khẳng định được chắc chắn ta nên tiến hành mổ khám để kiểm tra các bệnh tích trên ruột như: có sữa trong dạ dày không? Thành ruột dày hay mỏng? hạch màng treo ruột có sưng không? Có xuất hiện tĩnh mạch sữa trên heo con theo mẹ không? Nếu đàn heo nhà bạn có hầu hết các triệu chứng, bệnh tích điển hình trên, bạn gần như có thể khẳng định đó là bệnh tiêu chảy cấp (PED) hoặc là bệnh TGE (viêm dạ dày ruột truyền nhiễm).
Tuy nhiên, muốn khẳng định chính xác mầm bệnh có phải là PEDv hay không ta có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán trong phòng thí nghiệm như: dùng kính hiển vi điện tử, phản ứng RT-PCR, Elisa, hóa miễn dịch huỳnh quang.
Hiện nay, trên thị trường có 1 loại dụng cụ chẩn đoán gọi là test kit đối với bệnh tiêu chảy cấp (PED) nhằm giúp người chăn nuôi cũng như các cán bộ thú y phát hiện bệnh 1 cách nhanh chóng nhất. Với nguyên lý là phản ứng miễn dịch sắc ký, bản chất là phản ứng bắt cặp giữa kháng nguyên và kháng thể bằng phương pháp sắc ký nhằm xác định có kháng nguyên PEDv trong mẫu thử nghiệm hay không.
Theo như hướng dẫn của nhà sản xuất, với cấu tạo của test kit như trong hình ta có thể thấy, khi cho mẫu vào đúng kỹ thuật, vạch C sẽ có màu đỏ đậm và ngược lại, nếu quá trình cho mẫu vào test kit không đúng thì sẽ không có vạch nào xuất hiện màu đỏ đậm. Khi trong mẫu thử có kháng nguyên PEDv, cả hai vạch C và T sẽ có màu đỏ đậm. Nếu không, sẽ chỉ có vạch C đỏ lên.
Kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp (PED) như thế nào là tốt?
Trong thực tế, việc kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp (PED) từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa vào 2 biện pháp chính là auto vaccine và quản lý trại tổng thể tốt. Sau đây, chúng tôi xin được tổng hợp lại để mọi người cùng tham khảo.
Auto vaccine (gây nhiễm nhân tạo)
Với mục đích đẩy nhanh thời gian xuất hiện bệnh và kết thúc bệnh nhằm cắt dịch sớm.
Cách làm như sau:
- Chọn 1 heo con còn sống (từ 1-3 ngày tuổi) có biểu hiện dấu hiệu bệnh.
- Cắt lấy phần ruột non cùng với dịch chứa bên trong. Điều này rất quan trọng vì virus nằm trong tế bào nhung mao và tế bào bong tróc vào lòng ruột. Không sử dụng ruột đã bị mỏng và trong suốt vì không có đủ lượng virus gây bệnh tiêu chảy cấp (PED) bên trong.
- Nghiền nhỏ đoạn ruột vừa cắt ra, cho thêm vào đó 1 lit nước muối sinh lý và 6 gam kháng sinh bột để giảm tạp nhiễm (thường là Amoxicillin kết hợp với Colistin) trộn đều với nhau.
Một bộ huyễn dịch chỉ cho 25-30 heo nái trong các giai đoạn: heo hậu bị, heo nái đã cai sữa, heo nái mang thai < 13 tuần tuổi ăn với liều 20-50 ml/ 1 con, mỗi ngày 2 lần và ăn liên tục trong 5-7 ngày và ngừng cho heo nái ăn auto vaccine nếu có biểu hiện tiêu chảy.
Chú ý:
- Không cho heo nái > 13 tuần tuổi và nái đang nuôi con ăn vaccine vì miễn dịch không kịp sinh ra để bảo vệ heo con mà ngược lại còn truyền nhiễm bệnh cho heo con. Heo nái mang thai < 2 tháng tuổi có thể bị sẩy thai nếu ăn huyễn dịch này.
- Nên cho heo ăn lần 1 vào lúc 6h chiều và ăn cùng với cám khô để sau 12h tiêu hóa → khi heo có biểu hiện bệnh thì ta có thể theo dõi được vào ban ngày.
- Những heo nái nhiễm bệnh tiêu chảy cấp (PED) rồi thì không cho ăn auto vaccine nữa.
- Khi cho heo nái ăn auto vaccine vẫn phải tiêm thêm kháng sinh phòng bội nhiễm.
- Một thời gian sau khi bị dịch, trại tiếp tục nhập heo hậu bị thay thế đàn, trong quá trình nuôi cách ly, ta nên cho những heo này ngửi phân và nhau thai của những con nái cũ trong trại để hệ thống miễn dịch của vật làm quen với mầm bệnh và sinh ra miễn dịch thụ động cho chính con nái đó.
Sau khi ăn auto vaccine, những con nái đều có hiện tượng tiêu chảy nhẹ. Nếu không tiêu chảy thì cho ăn liều tăng lên đến khi có hiện tượng tiêu chảy thì ngừng.
Miễn dịch được sinh ra sau khi ăn auto vaccine 2-3 tuần, kháng thể sẽ truyền cho heo con, giúp heo con vượt qua 7 ngày đầu.
Một số lưu ý:
- Ruột heo ở trại nào chỉ hiệu quả với trại đó và chỉ hiệu quả với tình hình dịch tại thời điểm đó.
- Heo thịt chưa nhiễm bệnh thì không nên cho ăn.
- Cần tính toán, lấy ruột bảo quản trong ngăn đá đề phòng trường hợp thiếu ruột để làm auto vaccine.
- Loại thải những heo cai sữa có khối lượng < 4,5 kg.
Quản lý tổng thể đẻ kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp (PED)
Ngoài các biện pháp tổng thể như thiết lập hệ thống an toàn sinh học, ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài, vệ sinh sát trùng…ta cần tập trung chú trọng vào những điểm chính như sau:
01Ngăn chặn các mầm bệnh bệnh tiêu chảy cấp (PED) phát bằng các kháng sinh uống và tiêm kết hợp với bổ sung đường glucose 5%, điện giải, vitamin…
- 1 g kháng sinh Amoxicillin kết hợp với Colistin bột/ 20 kg thể trọng, hòa tan vào nước cho heo uống.
- Tiêm kháng sinh Amoxycillin 2ml/ 10 kg thể trọng.
- Uống thêm đường glucose 5%, điện giải, vitamin tổng hợp…
02Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp cách ly từ dụng cụ phục vụ heo ốm, nước sát trùng cho mỗi ô chuồng cho đến con người (những người đang chăm sóc heo ốm hạn chế tối đa tiếp xúc với những người đang chăm sóc heo khỏe), đội xe trung gian vận chuyển cám (những xe này sẽ vận chuyển cám cho từng xe cám của từng khu vực trại).
03Giảm tối đa stress cho heo: Đảm bảo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, yên tĩnh. Hạn chế bắt heo quá nhiều lần. Ví dụ: một lần bắt heo ta tận dụng làm nhiều thao tác như bơm nước muối sinh lý, tiêm thuốc bổ, tiêm hay uống kháng sinh phòng kế phát…sau đó mới thả heo xuống. Như vậy ta sẽ giảm được số lần bắt heo từ đó giảm stress cho heo.
04Quản lý nhiệt độ và độ ẩm chuồng nuôi: Đối với heo nhiễm bệnh tiêu chảy cấp (PED), nhiệt độ và ẩm độ đóng vai trò rất quan trọng trong việc con heo đó có thể vượt qua được và khỏe bệnh hay không. Cụ thể, thường khi heo tiêu chảy và nôn nhiều sẽ cảm thấy rất lạnh, nhất là với heo con. Nếu ta không đảm bảo đủ nhiệt độ cho chúng, thì khả năng sống sót là rất thấp. Tương tự như thế, môi trường ẩm ướt là điều kiện vô cùng thuận lợi cho PEDv phát triển, nếu ta không khống chế được ẩm độ trong các ô chuồng thì công tác dập dịch sẽ vô cùng khó khăn. Thông thường để hạn chế ẩm độ trong chuồng nuôi người ta sẽ dùng vôi bột trong quá trình vệ sinh sát trùng chuồng trại thay vì phun nước như bình thường.
05Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Cân đối khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng (chủ yếu đối với các trại tự trộn thức ăn). Đối với heo nái đang nuôi con, cho ăn như bình thường. Đối với heo choai, giảm ½ khẩu phần ăn trong 4-5 ngày đầu tiên để giảm bội nhiễm và tránh lãng phí cám. Sau đó tăng dần lượng thức ăn để hỗ trợ phục hồi niêm mạc ruột. Ngoài ra có thể bổ sung các sản phẩm kích thích tăng miễn dịch vào trong khẩu phần ăn để hỗ trợ tăng sức đề kháng cho heo.
Hiện nay trên thị trường vẫn có vaccine sống giảm hoạt lực virus giúp heo nái cải thiện khả năng chống lại PEDv. Tuy nhiên, nhiều báo cáo cho thấy hiệu quả của vaccin luôn không ổn định. Thời gian gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra một sản phẩm giúp ngăn chặn bệnh tiêu chảy cấp (PED) khá hiệu quả có bản chất là kháng thể IgY trong lòng đỏ trứng gà, nó có tác dụng giống như kháng thể IgG trong huyết thanh và sữa đầu của động vật có vú (nhưng trên động vật có vú, hàm lượng không cao).
Với tác dụng xác định và trung hòa các chất lạ trong cơ thể, IgG (chỉ có trên động vật có vú) đóng một vai trò miễn dịch vô cùng quan trọng đối với con vật trong những ngày đầu sau sinh; tuy nhiên do hàm lượng quá ít và không ổn định nên không đủ để bảo vệ con vật. Trong thực tế, người ta đã tìm ra một loại kháng thể khác có tác dụng tương tự với IgG là IgY (IgY chỉ có trên gia cầm) nhưng số lượng dồi dào hơn, dễ tìm, dễ tách chiết hơn. Vì hàm lượng IgY trong lòng đỏ trứng rất cao nên người ta đã tách chiết IgY trong trứng đó rồi bổ sung cho heo con mới sinh nhằm thay thế IgG ngăn chặn ngay từ đầu những mầm bệnh không mong muốn.
Sản phẩm công nghệ mới này là một bước tiến vô cùng quan trọng trong vấn đề kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp (PED) nói riêng và tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể heo nói chung trong suốt quá trình sinh trưởng của heo. Từ việc nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa rối loạn đường ruột nó góp phần làm giảm tỷ lệ chết trong những giai đoạn đầu của heo cũng như góp phần quan trọng trong việc cải thiện năng suất tăng trưởng của toàn đàn.
Như vậy, việc kiểm soát bệnh tiêu chảy cấp (PED) cần tiến hành đồng thời nhiều biện pháp tổng thể, trên quy mô toàn trại và trong cả khu vực xung quanh trại thì mới mang lại hiểu quả nhất định là lâu bền. Từ đó giảm thiểu tối đa những thiệt hại không đáng có do PED gây ra.
VietDVM team