Các chủng virus cúm đang lưu hành hiện nay

Published in Bệnh trên Gia cầm
| Ngày26/11/2014

Tiếp nối bài viết về cấu tạo của virus nằm trong loạt bài về cúm gia cầm, trong bài viết này, chúng tôi sẽ tổng hợp tất cả những thông tin từ lịch sử căn bệnh, cách chúng gây bệnh, các chủng cúm mới cũng như những thiệt hại mà chúng gây ra...Từ đó, cung cấp cho bạn đọc những cái nhìn tổng quát và chi tiết nhất về tình hình dịch cúm gia cầm trên thế giới và trong nước hiện nay đang diễn ra như thế nào.

 

 

Sơ qua về bệnh cúm gia cầm là bệnh như thế nào?


Cúm gia cầm (Avian Influenza, AI) là bệnh truyền nhiễm cấp tính cực kỳ nguy hiểm của gia cầm (là 1 trong 15 bệnh nguy hiểm nhất của động vật – theo OIE, 2003), do nhóm virus cúm A, thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra.

 

Họ Orthomyxoviridae đã được phát hiện bao gồm 4 nhóm virus, đó là:
  • Nhóm virus cúm A (Influenza A).
  • Nhóm virus cúm B (Influenza B).
  • Nhóm virus cúm C (Influenza C).
  • Nhóm Thogotovirus.
  • Các nhóm virus khác nhau bởi các kháng nguyên bề mặt capsid:
  • Ở virus cúm A và B là Hemagglutinin (HA) .
  • Ở virus cúm C là Hemagglutinin Esterase Fusion (HEF)
  • Ở Thogotovirus là Glycoprotein (GP).

 

 

Đây là nhóm virus cúm gia cầm có biên độ vật chủ rộng (có khả năng thích ứng trên nhiều loại vật chủ khác nhau), được phân chia thành nhiều phân type khác nhau dựa trên kháng nguyên HA và NA có trên bề mặt capsid của hạt virus. Nhóm virus cúm A có 18 phân type HA (từ H1 đến H18) và 9 phân type NA (từ N1 đến N9), và sự tái tổ hợp giữa các phân type HA và NA, về mặt lý thuyết, sẽ tạo ra nhiều phân type khác nhau về độc tính và khả năng gây bệnh.

 

Mặt khác, virus cúm A có đặc tính quan trọng là dễ dàng đột biến trong gen/hệ gen (đặc biệt ở gen mã hóa cho 2 protein NA và HA), hoặc trao đổi các gen kháng nguyên với nhau, trong quá trình xâm nhiễm và tồn tại lây truyền giữa các loài vật chủ nên việc ngăn chặn và kiểm soát sự lây nhiễm của chúng là vô cùng khó khăn.

 

 

Lịch sử căn bệnh cúm gia cầm.

Lần đầu tiên được mô tả vào năm 412 trước công nguyên bởi nhà khoa học có tên là Hyppocrates. Tuy nhiên mãi đến năm 1680 mới bắt đầu bùng phát thành dịch. Kể từ đó đến nay, trên thế giới đã có hàng trăm vụ đại dịch cúm gia cầm nổ ra khắp mọi nơi và gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn cho con người.

 

Dịch cúm gia cầm lần đầu tiên được ghi nhận và mô tả ở Ý vào năm 1878 bởi nhà khoa học Perroncito với tên gọi lúc đầu là dịch tả gà (do người ta nhầm lẫn với các triệu chứng nhiễm trùng huyết cấp tính của bệnh dịch tả gà). Tuy nhiên, vào năm 1880, ngay sau khi có mô tả đầu tiên của căn bệnh, Rivolta và Delprato đã chứng minh nó không phải là dịch tả gà rồi dựa trên đặc tính lâm sàng và bệnh lý của bệnh, người ta gọi nó là sốt phát ban gallinarum exudatious. Sau đó, nó liên tục gây ra các vụ dịch lớn ở gia cầm, trong đó có hai ổ dịch ở Hoa Kỳ (năm 1924 và 1929). Đến năm 1901, Centanni và Savonuzzi đã xác định được căn nguyên gây bệnh là virus siêu nhỏ hơn cả vi khuẩn (vì nó có thể chui qua cả màng lọc vi khuẩn), nhưng mãi tới năm 1955 virus gây bệnh mới được xác định là virus Cúm typ A (H7N1 và H7N7).

 

Hiện nay virus cúm gia cầm AI có mặt hầu như khắp nơi trên thế giới từ châu Âu, châu Á, châu Phi, cho đến châu Mỹ…và càng ngày càng xuất hiện nhiều chủng có độc lực cao.

 

Sau đây là một số thông tin mà chúng tôi tổng hợp được về diễn biến của dịch cúm gia cầm từ khi nó xuất hiện cho đến thời điểm hiện tại. 

 

 Các chủng cúm gia cầm

Thời gian

Tên chủng

Nơi xuất hiện

Thiệt hại

1878   Italya Dịch cúm đầu tiên được ghi chép lại.
1918 H1N1 Tây Ban Nha Lây sang người và làm chết hơn 40 triệu người.
1957 H2N2 Châu Á Chết 100.000 người.
1968 H3N2 Hồng Kông Chết 700.000 người.
1997 H5N1 Hồng Kông Chết 4 người và tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm trong khu vực có bệnh.
2003 H5N1 Hồng Kông, Hàn Quốc 4 người đã tử vong.
H7N9 Hà Lan Tiêu hủy toàn bộ gia cầm của 800 trang trại, tương đương với 11 triệu con gà. Lây nhiễm cho 83 người và 1 trường hợp tử vong.
2004 H5N1 Nhật Bản Lần đầu tiên xuất hiện tại Nhật.
H5N1 Bắt đầu từ Đông nam Á à lan sang nhiều nước khác trong khu vực châu Á. Hơn 40 triệu con gà bị tiêu hủy (chỉ tính riêng những vùng lây nhiễm cao). Làm chết 23 người.
H7N3 Bắc Mỹ Lây nhiễm cho 2 người.
2005 H5N1 Châu Á, Đông Âu Hàng triệu gia cầm phải tiêu hủy. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân vì lo ngại mầm bệnh lây lan sang người.
H5N2 Zimbabwe  
2006-2014 H5N1 Xảy ra rải rác khắp các châu lục trên thế giới.  
2006 H5N2 Zimbabwe  
2010 H7N7 Tây Ban Nha  
2011 H5N2 Nam Phi  
2012 H7N7 Úc  
H5N2 Đài Loan, Nam Phi  
H7N3 Mexico  
2013 H7N7 Úc, Italya  
H5N2 Trung Quốc, Đài Loan, Nam Phi  
H7N2 Úc  
H7N3 Mexico  
2014 H7N2 Úc  
H5N2 Trung Quốc  
H5N6 Trung Quốc, Lào, Việt Nam  
H5N3 Trung Quốc  
H5N8 Trung Quốc, Đức, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc  
H7N3 Mexico  

 

 

 

Virus cúm gia cầm gây bệnh như thế nào?

 

Mầm bệnh phát tán trong môi trường thông qua không khí, tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hay dịch tiết của nó (như phân, nước dãi…), thức ăn, nước, dụng cụ, quần áo và chim hoang dã (mầm bệnh AI khu trú rất nhiều trong cơ thể các loài chim hoang dã nhưng lại không biểu hiện triệu chứng bệnh, bởi vậy nên việc kiểm soát mầm bệnh phát tán là vô cùng khó khăn).

 

Khi môi trường sống của con vật bị ô nhiễm mầm bệnh, virus cúm gia cầm sẽ từ trong môi trường xâm nhập vào cơ thể vật chủ thông qua đường tiêu hóa và hô hấp. Sau đó, virus di chuyển đến các cơ quan đích (Các chủng cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) có khả năng gây bệnh trên rất nhiều cơ quan đích khác nhau của cơ thể), khu trú và bắt đầu nhân lên tại các tế bào của cơ quan đích đó đồng thời làm các tế bào đó rơi vào quá trình chết → phá hủy mô đích → ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan đích → rối loạn hoạt động của toàn cơ thể → con vật chết.

 

Quá trình nhân lên của cúm gia cầm AI trong các tế bào vật chủ diễn ra rất nhanh → tốc độ gây chết các tế bào, mô, cơ quan đích cũng nhanh không kém → chức năng của toàn bộ cơ thể bị rối loạn nhanh chóng. Điều đó lý giải vì sao những con gia cầm nhiễm bệnh lại chết nhanh như vậy.

 


Virus cúm gia cầm kí sinh nội bào bắt buộc, quá trình xâm nhiễm và nhân lên của virus có 5 giai đoạn và xảy ra chủ yếu ở các tế bào biểu mô đường hô hấp, đường tiêu hóa của cơ thể nhiễm. Với những nét đặc trưng như sau:

 


- Quá trình xâm nhiễm của virus cúm A được mở đầu bằng sự kết hợp của HA và thụ thể thích ứng của nó trên bề mặt các tế bào này, và cuối cùng là giải phóng hệ gen của virus vào trong bào tương của tế bào nhiễm (Hình 2).

 


- Quá trình nhân lên của ARN virus cúm gia cầm chỉ xảy ra trong nhân của tế bào, đây là đặc điểm khác biệt so với các virus khác (quá trình này xảy ra trong nguyên sinh chất), và cuối cùng là giải phóng các hạt virus ra khỏi tế bào nhiễm nhờ vai trò của NA (nó cắt đứt liên kết giữa gốc sialic acid của màng tế bào nhiễm với phân tử cacbonhydrate của protein HA). Thời gian một chu trình xâm nhiễm và giải phóng các hạt virus mới của virus cúm gia cầm chỉ khoảng vài giờ (trung bình 6 h). Sự tạo thành các hạt virus mới không phá tan tế bào nhiễm, nhưng các tế bào này bị rối loạn hệ thống tổng hợp các đại phân tử, và rơi vào quá trình chết theo chương trình → làm tổn thương mô của cơ thể vật chủ.

 


- Sau khi được giải phóng vào trong bào tương tế bào nhiễm, hệ gen của virus cúm gia cầm sử dụng bộ máy sinh học của tế bào tổng hợp các protein của virus và các “ARN vận chuyển phụ thuộc ARN” (RNA-dependent RNA transcription). Sau đó, phức hợp protein – ARN của virus được vận chuyển vào trong nhân tế bào (Basler, 2007).

 


- Trong nhân tế bào các ARN hệ gen của virus tổng hợp nên các sợi dương từ khuôn là sợi âm của hệ gen virus cúm gia cầm, từ các sợi dương này chúng tổng hợp nên RNA hệ gen của virus mới nhờ enzyme ARN-polymerase. Các sợi này không được Adenine hóa (gắn thêm các Adenine - gắn mũ) ở đầu 5’- và 3’-, chúng kết hợp với nucleoprotein (NP) tạo thành phức hợp ribonucleoprotein (RNP) hoàn chỉnh và được vận chuyển ra bào tương tế bào. Đồng thời, các ARN thông tin của virus cũng sao chép nhờ hệ thống enzyme ở từng phân đoạn gen của virus cúm gia cầm, và được enzyme PB2 gắn thêm 10 - 12 nucleotide Adenin ở đầu 5’-, sau đó được vận chuyển ra bào tương và dịch mã tại lưới nội bào có hạt để tổng hợp nên các protein của virus (Hình 2).

 


- Các phân tử NA và HA của virus cúm gia cầm sau khi tổng hợp được vận chuyển gắn lên mặt ngoài của màng tế bào nhiễm nhờ bộ máy Golgi, gọi là hiện tượng “nảy chồi” của virus. NP sau khi tổng hợp được vận chuyển trở lại nhân tế bào để kết hợp với ARN thành RNP của virus. Sau cùng các RNP của virus được hợp nhất với vùng “nảy chồi”, tạo thành các “chồi” virus cúm gia cầm gắn chặt vào màng tế bào chủ bởi liên kết giữa HA với thụ thể chứa sialic acid. Các NA phân cắt các liên kết này và giải phóng các hạt virus trưởng thành tiếp tục xâm nhiễm các tế bào khác.

 

 

Hình 2: Mô hình cơ chế xâm nhiễm và nhân lên của virus cúm A ở tế bào chủ (Nguồn internet)

 

 

Phân loại các chủng virrus cúm gia cầm

 

Như đã đề cập trong bài viết trước, các chủng cúm gia cầm được phân chia thành 2 loại: Loại có độc lực cao (HPAI) và loại có độc lực thấp (LPAI).
HPAI là những chủng có khả năng gây bệnh nặng, nguy hiểm hơn và được quan tâm nhiều hơn. Còn LPAI thì ngược lại, tuy nhiên các chủng thuộc nhóm LPAI có thể trao đổi gen với các chủng virus có độc lực cao đồng nhiễm trên cùng một tế bào, và trở thành loại virus HPAI nguy hiểm. Chính bởi vậy mà ta không nên lơ là với các chủng này và cần có các biện pháp quản lý mầm bệnh một cách tổng thể hơn nữa.


Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung tìm hiểu về các chủng đang được quan tâm trên thế giới hiện nay (chủ yếu là các chủng thuộc nhóm HPAI và chủ yếu là thuộc loại H5 và H7) cũng như những thiệt hại do chúng gây ra.

  

 
Tên chủng Thời gian xuất hiện Hiện đang có ở đâu? Thiệt hại kinh tế?
H5N1   Rải rác khắp nơi trên thế giới. Từ khi nó xuất hiện cho đến nay, đã giết chết cũng như phải tiêu hủy hàng triệu con gia cầm. gây nhiễm và tử vong cho hàng trăm con người khắp nơi trên thế giới.
H5N2 Từ năm 2005, 2006 xảy ra ở Zimbabwe, sau đó một thời gian người ta không nhận được báo cáo nào cho thấy có dịch xuất hiện trên thế giới cho mãi đến năm 2011 cho đến nay thì năm nào cũng có trường hợp nhiễm cúm chủng H5N2. Theo tin tức cập nhật mới nhất, từ đầu năm đến nay dịch chỉ mới xuất hiện ở Trung Quốc.  
H5N3 Là chủng cúm độc lực cao được tìm thấy tại Trung Quốc trong năm nay. Hiện có ở Trung Quốc.  
Trước đó rất lâu không có trường hợp nào ghi nhận có chủng cúm này xuất hiện.
H5N6 Cũng là 1 chủng cúm gia cầm độc lực cao mới được phát hiện tại các nước thuộc khu vực châu Á trong năm vừa qua. Hiện đang nổ ra tại Trung Quốc, Lào, Việt Nam. Ngoài những thiệt hại trên đàn gia cầm thì đây cũng là chủng đang gây nhiều tranh cãi về khả năng lây lan sang người hay không của nó. Cụ thể, vào tháng tư vừa qua đã phát hiện 1 ca tử vong trên người do nhiễm cúm (nghi ngờ là chủng H5N6) tại Trung Quốc. Tuy  nhiên, đến bây giờ vẫn chưa có khẳng định chính thức nào.
H5N8 Lại là một chủng cúm mới của năm nay nhưng tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với H5N6. Theo ghi nhận từ đầu năm 2014 đến nay đã  có 7 quốc gia xảy ra dịch cúm chủng H5N8 là: Trung Quốc, Đức, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc. Riêng với số gà chết và phải tiêu hủy do dịch ước tính thiệt hại đã lên đến hàng trăm triệu đồng.
H7N2 Mới được tìm thấy nổ ra tại Úc trong 2 năm gần đây (2013, 2014). Hiện đang gây dịch tại Úc.  
H7N3 2004 xảy ra ở Bắc Mỹ và mãi đến những năm gần đây mới xảy ra liên tiếp tại Mexico trong mấy năm liền. Hiện chỉ có mặt tại Mexico.  
H7N7 Mới gây ra đại dịch từ 2010 và cho đến nay nó đã có mặt trên 3 quốc gia khác nhau. Năm 2014 chưa có báo cáo nào ghi nhận xuất hiện chủng cúm này trên thế giới. Lần gần đây nhất là năm 2013 nó xuất hiện tại Úc và Italya.  
H7N9 Chỉ thấy xuất hiện 1 lần vào năm 2003 nhưng những thiệt hại nó để lại quả thực không hề nhỏ. Từ đó đến nay chưa nhận được báo cáo nào về củng này nổ ra trên thế giới. Hiện ko có nơi nào có dịch. Tiêu hủy toàn bộ gia cầm của 800 trang trại, tương đương với 11 triệu con gà. Lây nhiễm cho 83 người và 1 trường hợp tử vong.
H3N2 Là chủng cúm cũ nổ ra từ năm 1968 tại Hồng Kông và cho đến nay ko thấy xuất hiện lại. Hiện không có nơi nào trên thế giới nổ dịch. Là vụ đại dịch trong lịch sử bệnh cúm trên gia cầm và con người. Vào năm 1968 nó đã gây chết 700.000 người.

 

Cúm gia cầm (AI)

 

Tình hình dịch cúm tại Việt Nam

 

Tại Việt Nam, nói đến dịch cúm gia cầm thường người ta hay nghĩ đến H5N1 nhưng trên thực tế nó chỉ là chủng xuất hiện nhiều và gây ra thiệt hại lớn nhất nên người ta quan tâm nhất.

 

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 bùng phát tại Việt Nam vào cuối tháng 12/2003 ở các tỉnh phía Bắc, sau đó đã nhanh chóng lan tới hầu hết các tỉnh/thành trong cả nước chỉ trong một thời gian ngắn. Đây là lần đầu tiên dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại Việt Nam, có tới hàng chục triệu gia cầm bị tiêu hủy, gây thiệt hại nặng nền tới nền kinh tế quốc dân. Tính đến nay (tháng 10/2008), dịch cúm gia cầm liên tục tái bùng phát hàng năm tại nhiều địa phương trong cả nước, có thể phân chia thành các đợt dịch lớn như sau:

 

Vừa trong năm nay, Việt Nam lại xuất hiện thêm 1 chủng cúm gia cầm mới độc lực cao nữa là H5N6 đang gây nhiều tranh cãi trên thế giới làm cho tình hình nhiễm cúm gia cầm của đất nước ngày càng thêm phức tạp.

 

Như vậy, chúng ta có thể thấy bệnh cúm gia cầm là một bệnh không hề đơn giản. Từ khi xuất hiện đến nay, nó đã tiêu tốn của con người không biết bao nhiêu triệu đô. Bởi vậy, chúng ta cần theo dõi sát sao hơn nữa tất cả mọi diễn biến của bệnh từ các chủng mới xuất hiện cho đến độc lực, tốc độ lây lan, những vùng đang nổ ra dịch, cho đến cả những chủng độc lực thấp và khả năng biến chủng của chúng…từ đó có các biện pháp can thiệp nhanh chóng, kịp thời nhất nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tối đa mọi thiệt hại do nó gây ra.


Bên cạnh đó, đây là một căn bệnh toàn cầu nên việc cập nhật thông tin kịp thời khi có dịch xảy ra trên phạm vi toàn thế giới cũng quan trọng không hề kém. Ngoài các biện pháp cục bộ tại vùng, Quốc gia xảy ra dịch, chúng ta còn cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của giữa các vùng trong 1 Quốc gia và giữa các quốc gia với nhau như vậy mới có hy vọng khống chế được sự lây lan của bệnh cúm gia cầm.

 

Lê Giang

  • Hãy là người đầu tiên bình luận về bài viết này
Bình luận như khách
Hoặc đăng nhập để bình luận
0 / 3000 Giới hạn ký tự
Chuỗi của bạn nên trong khoảng 10-3000 ký tự
Lưu ý: Bình luận của bạn sẽ phải đợi kiểm duyệt trước khi hiển thị.
Điều khoản & Quy định.

 

LIÊN HỆ

VietDVM - Trang thông tin và kiến thức
chăn nuôi thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

Hotline: 0934-671-388  |  Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

  Bạn đang sử dụng VietDVM v3.6
© Bản quyền thuộc về VietDVM™
Ω Vận hành và khai thác bởi công ty CP Ứng dụng & Truyền thông X7PLUS® JSC
Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.
® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.    DMCA.com Protection Status

 

 

 

  • VietDVM - Trang thông tin và kiến thức Chăn nuôi Thú y uy tín và lớn nhất Việt Nam

    © Bản quyền 2014 - 2020 thuộc về VietDVM™. ¶ Bạn đang sử dụng VietDVM™ v3.6

    ∩ Giấy phép số 391/GP-BTTT cấp bởi Bộ Thông tin và truyền thông.

    ® Website VietDVM.com đã đăng ký Luật bản quyền quốc tế.

    Ω Vận hành và khai thác bởi Công ty CP Ứng dụng và Truyền thông X7PLUS - X7PLUS® JSC

    VPGD: Tầng 8, tòa nhà Hanoi Creative City, Số 1 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Email: X7PLUS.jsc@gmail.com | Website: www.X7PLUS.com

  • Liên hệ nội dung & kết nối VietDVM:

    Facebook: @congdongVietDVM | Twitter: VietDVM | Likedin: /in/VietDVM

    Hotline: 0934-671-388 | Email: vietdvm@gmail.com

     

    Liên hệ quảng cáo & hợp tác:

    Tel: 0246-2949-951 | 0934-671-388 | vietdvm@gmail.com

  • logo X7PLUS DMCA.com Protection Status