Tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng của từng trang trại, tuy nhiên đa phần chế độ ăn của gà thiếu vitamin A trong vòng 2-5 tháng trước khi có các biểu hiện của việc thiếu hụt.
»› Xem thêm: Chu trình sử dụng Canxi ở gà đẻ - ứng dụng sử dụng thức ăn hiệu quả!
»› Xem thêm: Dinh dưỡng khoáng trong chăn nuôi gia cầm
Các biểu hiện dễ nhận thấy ban đầu khi gà thiếu vitamin A như: gà gầy gò, ốm yếu, lông xù xì. Nặng hơn nữa là các biểu hiện như sản lượng trứng giảm đáng kể, giảm tỷ lệ nở, tỷ lệ tử vong của phôi tăng lên. Khi sản lượng trứng giảm, có thể trong buồng trứng sẽ chỉ có nang trứng nhỏ, một số trong đó có dấu hiệu xuất huyết.
Một số trường hợp, gà chảy nước mắt. Khi khẩu phần ăn vẫn tiếp tục thiếu vitamin A, mắt xuất hiện ghỉ màu trắng sữa như bã đậu làm cho gà không thể nhìn thấy. Nhiều trường hợp có thể gây mù mắt.
»› Xem thêm: Gà chảy nước mắt do Coryza
»› Xem thêm: Gà chảy nước mắt do ORT
»› Xem thêm: Gà chảy nước mắt do ILT
Tổn thương đầu tiên của những gà thiếu vitamin A là sự hóa sừng ở lớp niêm mạc phần trên hệ tiêu hóa. Lớp sừng niêm mạc đó ngăn chặn sự dẫn truyền và hấp thu các chất dinh dưỡng làm cho gà gầy yếu, đồng thời tăng cường tiết dịch hoại tử.
Ngoài ra niêm mạc phía trong của mũi, miệng, thực quản và họng xuất hiện các mụn nước nhỏ màu trắng và nhanh chóng lan xuống diều, ruột. Sự phân hủy của màng nhầy cũng cho phép các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào các mô này và gây ra các trường hợp nhiễm trùng thứ phát.
Tùy thuộc vào lượng vitamin A được truyền từ gà mái, đàn gà con được nuôi dưỡng với chế độ ăn thiếu vitamin A có thể có dấu hiệu bệnh trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, gà con có vitamin A dự trữ từ gà mẹ tốt có thể không có dấu hiệu thiếu hụt trong 7 tuần.
Gà con thiếu vitamin A sẽ có các biểu hiện như: chán ăn, chậm phát triển, buồn ngủ, yếu đuối, rối loạn vận động, co giật và xù lông. Nếu thiếu hụt nặng, gà con có thể bị mất cơ, thiếu vitamin E.
Gà thường chảy nước mắt nhưng bã đậu thì thường ít khi xuất hiện vì gà thường chết trước khi mắt bị tổn thương. Nhiễm trùng thứ phát có thể là nguyên nhân gây tử vong trong trường hợp gà thiếu vitamin A cấp tính.
Gà thiếu vitamin A mãn tính thường có các biểu hiện như: xuất hiện mụn mủ bên trong niêm mạc ống thực quản và thường ảnh hưởng đến đường hô hấp. Thận nhợt nhạt, ống thận phình to và rạn nứt do lắng cặn acid uric. Trong trường hợp bệnh nặng có thể làm tắc niệu quản.
Hàm lượng acid uric trong máu có thể tăng từ mức bình thường ~ 5mg đến mức cao nhất là 40mg / 100ml máu. Gà thiếu vitamin A không ảnh hưởng đến sự trao đổi chất acid uric nhưng lại ngăn ngừa sự bài tiết acid uric bình thường từ thận. Bệnh tích mô học bao gồm teo tế bào chất và tổn thương (rụng, đứt…) lớp lông rung biểu mô ruột phần thượng bì.
Mặc dù gà thiếu vitamin A có thể bị mất cơ, tương tự như khi gà thiếu vitamin E, nhưng không có tổn thương nặng nào xảy ra trong não của gà thiếu vitamin A so với sự thoái hóa của các tế bào thần kinh trong tiểu não thiếu vitamin E. Gan của những con gà thiếu vitamin A có chứa ít hoặc không có vitamin A.
Vì các chất bổ sung vitamin A ổn định được sử dụng phổ biến trong chế độ ăn của gà thịt nên ngày nay hiện tượng gà thiếu vitamin A thường không nhiều. Tuy nhiên, nếu chế độ ăn giành cho gà không phù hợp dẫn đến việc gà thiếu vitamin A thì để khắc phục, chúng ta cần bổ sung lượng vitamin A cao gấp 2 lần so với mức bình thường liên tục trong khoảng gần 2 tuần. Vitamin A được cung cấp qua đường uống sẽ cho hiệu quả điều trị cao hơn, gà hồi phục nhanh hơn so với cho ăn qua thức ăn.
VietDVM Team.