Có bao giờ bạn thấy đàn gà nhà bạn có các dấu hiệu như: mệt mỏi, chậm chạp, bỏ hoặc giảm ăn, mào nhợt nhạt với tỷ lệ tăng dần, sốt, giảm đẻ, tiêu chảy phân xanh màu lá cây thẫm, hay thậm chí máu không đông hoặc khó đông…như ở các hình bên dưới này hay chưa?
Nếu gà nhà bạn đang có một hay nhiều dấu hiệu như trên thì nhiều khả năng chúng đang nhiễm một loại ký sinh trùng tên là Leucocytozoom (nhiễm qua các vật chủ trung gian như bọ mạt gà, ruồi đen, muỗi…) mà chúng ta vẫn thường gọi là bệnh ký sinh trùng đường máu ở gà.
Bệnh ký sinh trùng đường máu ở gà có nguy hiểm không? Có gây ra thiệt hại nhiều không?
Có 2 lý do để chúng ta có thể khẳng định đây là một bệnh rất nguy hiểm và gây ra thiệt hại không kém các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Thứ nhất: khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam vô cùng thuận lợi cho các vật chủ trung gian sinh sôi phát triển và gây bệnh, đặc biệt là vào mùa mưa nhiều ẩm ướt. Chính vì vậy mà hầu hết người chăn nuôi gà nước ta đều phải xác định “sống chung” với bệnh ký sinh trùng đường máu ở gà do rất khó để tiêu diệt hay kiểm soát được các vật chủ trung gian.
Thứ hai: Khi gà mắc bệnh, thiệt hại không chỉ là những điều trước mắt có thể nhìn thấy, đo đếm được như tỷ lệ nhiễm bệnh, tỷ lệ chết…mà nó chủ yếu là những hậu quả kéo theo về sau này như tăng trọng giảm, giảm đẻ, thiếu máu, suy giảm miễn dịch và bội nhiễm các bệnh nguy hiểm khác làm tỷ lệ chết tăng cao.
Theo thống kê cho biết, bệnh ký sinh trùng đường máu ở gà đẻ làm tỷ lệ đẻ giảm trung bình từ 75% xuống còn 25% sau khi nhiễm bệnh và phải mất khoảng 2 tháng để phục hồi về tỷ lệ đẻ trứng thông thường.
Ví dụ: một trang trại có 1000 con gà đẻ trứng với tỷ lệ đẻ đang là 75% tương đương một ngày có 750 quả trứng. Nếu gà nhiễm bệnh → tỷ lệ đẻ giảm xuống 25% tương đương một ngày cả trại còn 250 quả.
- Số trứng trang trại bị mất đi mỗi ngày = 750-250 = 500 quả/ngày.
- Mỗi đợt dịch bệnh thường diễn ra trong vòng 7-10 ngày (trung bình khoảng 8 ngày) → Số trứng mất đi trong mỗi đợt dịch bệnh = 500 quả * 8 ngày = 4000 quả.
- Sau đợt dịch bệnh mất khoảng 2 tháng để phục hồi lại tỷ lệ đẻ như ban đầu. Giả sử trong 2 tháng đó trung bình mỗi ngày mất 250 quả trứng (500/2=250) → số trứng mất đi trong 2 tháng là:
= 250 quả * 60 ngày = 15000 quả trứng.
- Tổng số trứng mất sau một đợt dịch = 4000+15000 = 19000 quả.
- Giả sử giá trứng trung bình thị trường là 2000 vnđ/quả → tổng thiệt hại sau 1 đợt dịch của trang trại gà đẻ 1000 con sẽ là:
= 19.000 quả * 2.000 vnđ = 38.000.000 vnđ.
Như vậy, mỗi trang trại gà đẻ quy mô 1000 con cứ mỗi lần nhiễm bệnh ký sinh trùng đường máu ở gà sẽ mất khoảng 38 triệu vnđ, một số tiền không hề nhỏ đối với người chăn nuôi.
Làm cách nào để chẩn đoán được chính xác bệnh ký sinh trùng đường máu ở gà do leucocytozoom gây ra mà không bị nhầm lẫn với bệnh khác?
Bước 1: Quan sát tổng thể toàn trang trại và tìm điểm bất bình thường từ nguồn nước, nguồn thức ăn cho đến mật độ, độ thông thoáng…có hợp lý, đạt yêu cầu không → mục tiêu chính của bước này là tổng hợp những điểm bất thường trong trại có thể ảnh hưởng xấu lên sức khỏe đàn gà nhằm tìm hướng chẩn đoán nghi ngờ.
Bước 2: Quan sát biểu hiện của gà, nếu gà có một số các biểu hiện như sau → có thể nghi ngờ gà đã bị ký sinh trùng đường máu:
Xem thêm:
«»› Máu khó đông trong bệnh thiếu máu do virus CAV trên gà
«»› Trứng mỏng vỏ, biến dạng trong bệnh viêm phế quản - IB
Một số trường hợp còn thấy gà chết với biểu hiện hộc máu ở miệng và mũi.
Ngoài ra cần để ý các biểu hiện khác của gà như hô hấp, đi đứng… để phát hiện các bệnh ghép, bệnh kế phát.
→ Kết hợp bước 1 và 2 để trả lời 3 câu hỏi lớn sau:
1. Gà có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh ký sinh trùng đường máu do Leucocytozoom gây ra hay không?
2. Nếu có nghi ngờ thì khoảng bao nhiêu %? (cái này phụ thuộc nhiều vào kiến thức, kinh nghiệm của người chẩn đoán).
3. Ngoài Leucocytozonosis ra còn nghi ngờ ghép với những bệnh khác nữa không? Dấu hiệu là gì? Nếu ghép thì nghi là ghép với bệnh gì?
Kết thúc bước 2 phải tìm được hướng chẩn đoán nghi ngờ (bệnh nào có % nghi ngờ lớn nhất thì khi mổ khám nên tập trung quan sát bệnh tích bệnh đó kỹ hơn). Nếu hết bước 2 mà chưa chắc chắn gà có bị bệnh ký sinh trùng đường máu hay không → bước 3.
Bước 3: tiến hành mổ khám và quan sát, nếu gà có các bệnh tích sau thì gần như chắc chắn đó là bệnh ký sinh trùng đường máu ở gà do Leucocytozoom gây ra:
- Xác gầy, trên xác đặc biệt là ngực và chân thấy nhiều vết đốt của côn trùng tụ máu.
- Xuất huyết, gan và lá lách sưng to, có một số trường hợp ta sẽ thấy gan đen…
- Ruột chứa nhiều phân màu xanh lá cây. Gà bị bệnh lâu ngày thấy có nhiều nang bào ký sinh màu trắng như hạt gạo rải rác ở tụy.
Cuối cùng nếu vẫn chưa thể khẳng định được ta có thể lấy máu, nhuộm soi trên kính hiển vi sẽ thấy gian bào của kí sinh trùng hình thoi.
Việc chẩn đoán có chính xác hay không ngoài các kiến thức như trên thì rất cần kỹ năng và kinh nghiệm thực tế của người chẩn đoán như chủ trại hay bác sỹ thú y điều trị.
Xử lý như thế nào khi phát hiện bệnh ký sinh trùng đường máu ở gà nhà bạn?
Bước 1. Ngăn chặn ngay lập tức sự tiếp xúc giữa vật chủ trung gian (côn trùng) với đàn gà:
- Phát quang, vệ sinh sạch sẽ toàn bộ không gian trại, không cho côn trùng có nơi trú ngụ.
- Dùng thuốc diệt côn trùng, muỗi phun trong và xung quanh trại.
- Thay chất độn chuồng mới đã được phun sát trùng.
Bước 2. Dùng thuốc đặc trị diệt mầm bệnh kết hợp với thuốc bổ tăng sức đề kháng cho con vật:
- Loại thuốc đặc trị mang lại hiệu quả cao nhất cho bệnh ký sinh trùng đường máu ở gà hiện nay vẫn là thuốc có thành phần: Sulfamonomethoxine (một số nhóm sunfa khác cũng có tác dụng với leucocytozoom nhưng chỉ số an toàn thấp hơn). Trộn thuốc vào thức ăn cho cả đàn trong 3-5 ngày liên tục.
- Song song với đó là giải độc gan thận, vitamin, điện giải, thuốc bổ…trợ sức cho vật.
Bước 3. Sau khi điều trị khỏi → tiến hành phòng bệnh lâu dài cho toàn trại.
- Trộn Sulfamonomethoxine vào trong thức ăn của gia cầm với liều phòng bệnh, cho ăn liên tục trong 5-7 ngày sau đó nghỉ khoảng 3 -5 ngày rồi trộn tiếp (đặc biệt là trong mùa mưa gió, ẩm thấp).
- Song song với đó là dùng bổ gan thận để tăng hiệu quả của thuốc cũng như hỗ trợ việc đào thải thuốc qua thận, tránh gây hư hại gan thận (bổ gan thận có thể dùng chung với thuốc phòng trong 5-7 ngày rồi nghỉ như lịch dùng thuốc hoặc cũng có thể dùng sau khi dùng thuốc phòng tùy thuộc vào lịch trộn các thuốc khác).
Hoàng Nam