Theo ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, mục tiêu chung của ngành sữa Việt Nam sẽ là đáp ứng được 60% nhu cầu trong nước đối với sữa tươi nguyên chất cho một dân số dự kiến khoảng 113 triệu dân vào năm 2045.
Theo như thực tế ngành sữa hiện nay, để đạt được mục tiêu trên, cả nước phải phát triển một đàn bò sữa với tổng năng suất là 5.650.000 tấn sữa mỗi năm. Tính đến năm 2013, tổng lượng sữa của cả nước đạt 456.400 tấn tương đương với 5,1 lít bình quân đầu người mỗi năm, con số trên chỉ đủ đáp ứng 28% nhu cầu trong nước.
Tổng số đàn bò tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái
Lượng sữa tươi tiêu thụ bình quân đầu người trung bình hàng năm của Việt Nam là 18 lít / người trong năm 2013. Chỉ tính riêng trong năm 2013, tổng trị giá sữa và sản phẩm sữa nhập khẩu lên tới 1.089.000.000 USD. Theo dự kiến, đến năm 2045, Việt Nam vẫn sẽ phải nhập khẩu 2,25 triệu tấn sữa trị giá 3,6 tỷ USD mỗi năm.
Mặc dù ta có thể nhìn thấy rõ tiềm năng to lớn của ngành sữa Việt Nam qua những con số trên nhưng để đi đến quyết định đầu tư hay không thì chúng ta còn phải nhìn vào những thách thức trước mắt như không chủ động được con giống, nguồn thức ăn chất lượng cho bò đa phần vẫn đang phải nhập khẩu, nuôi bò sữa đòi hỏi kỹ thuật cao, đầu tư vốn lớn…
Tuy vậy, bất kể những thách thức trên, tổng số lượng đàn bò của nước ta vẫn không ngừng tăng lên. Theo số liệu của Hiệp hội sữa Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 01 tháng 4, cả nước có 200.400 con bò, tăng 14% so với năm 2013.
Như vậy, việc nhập khẩu sữa của Việt Nam chắc chắn vẫn còn tiếp diễn trong tương lai gần nhưng số lượng sẽ ngày càng giảm xuống khi chúng ta chủ động được con giống, kỹ thuật chăn nuôi, nguồn thức ăn cho bò…và trên hết là sản lượng sữa toàn đàn.
Hoa Đá