Ngành sữa Việt Nam trong những năm gần đây luôn thu hút được sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài lĩnh vực. Ngoài tiềm năng to lớn từ nhu cầu của người dân thì ngành sữa còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà nước cũng như các địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, các công ty, cá nhân kinh doanh và phát triển. Đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn.
Nói đến ngành sữa Việt Nam thì không thể không kể đến ông lớn Vinamilk, với thị phần sữa nước chiếm tới gần 50% vinamilk không chỉ cung cấp nguồn dinh dưỡng tới người tiêu dùng mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trên cả nước nhất là nông dân. Với 5 trang trại lớn (Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Quy Nhơn) sử dụng toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Australia, Vinamilk liên kết với hơn 5.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa, đưa sản lượng sữa tươi nguyên liệu của công ty lên tới 550 tấn sữa một ngày. Không dừng lại tại đó, ban điều hành công ty còn triển khai các dự án đầu tư nhằm mở rộng quy mô kinh doanh trên khắp cả trong và ngoài nước, ví dụ như trang trại ở Hà Tĩnh với quy mô 2000 con bò sữa, 2 trang trại ở Thanh Hóa với tổng quy mô 12000 con...dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối 2015.
Đàn bò của Vinamilk
Tiếp nối thành công của Vinamilk là tập đoàn THmilk, tuy mới bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối 2010 nhưng sự ra đời của tập đoàn có quy mô lớn nhất đông nam á này đánh dấu một bước nhảy vọt vô cùng lớn của ngành sữa nước nhà. Với tổng quy mô 203.000 con bò sữa vào 2020, TH đang phấn đấu trở thành tập đoàn số một trong lĩnh vực cung cấp sữa tươi sạch. TH cũng là tập đoàn đầu tiên đòi hỏi quyền lợi cho nhà tiêu dùng bằng việc yêu cầu ghi rõ ràng, chân thật thành phần trong mỗi hộp sữa. Chính vì vậy mà sản phẩm của TH rất được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn mặc dù ra đời sau so với nhiều công ty khác.
Tiếp bước thành công đó, cuối tháng 7 vừa rồi bà Thái Hương - chủ tịch tập đoàn TH cùng với các chuyên gia đã xin phép và tiến hành khảo sát tại Đắc Lăk để mở rộng quy mô chăn nuôi, theo dự kiến, "quy mô dự án của Tập đoàn TH khoảng 72.000 con, trong đó số bò cho sữa khoảng trên 30.000 con. Quỹ đất cho dự án khoảng 12.000 ha. Dự án được làm theo chuỗi, vừa đầu tư nuôi bò sữa, vừa xây dựng nhà máy chế biến sữa, vừa trồng dược liệu, vừa phát triển rừng với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD", theo ông Đinh Văn Chỉnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lăk.
Gần đây nhất vào ngày 18/07/2014, Tập đoàn sữa quốc tế Dairy Milk New Zealand - 1 hãng sữa lớn có tiếng trên thế giới cũng đã đến thăm và làm việc, tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tập đoàn này dự kiến sẽ đầu tư Dự án chăn nuôi bò sữa quy mô 2000 con, gắn với nhà máy chế biến sữa bò, và cơ sở giết mổ bò thương phẩm; sử dụng 500 ha đất trồng cỏ và xây dưng chuồng trại; với số vốn đầu tư ban đầu lên tới 35-40 triệu USD. “Đây chỉ là dự án thử nghiệm. Nếu thành công, Tập đoàn sẽ tiến hành chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn gấp nhiều lần”, ông Lindstrom, chủ tịch tập đoàn cho biết.
Nguồn ảnh - tinnhanhchungkhoan
Đặc biệt hơn nữa là các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác cũng đã đầu tư rất mạnh tay sau khi nhìn thấy tiềm năng to lớn của ngành sữa Việt Nam. Điển hình trong đó phải kể đến tập đoàn Hoàng anh gia lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức làm chủ tịch. Theo ông Đức, “HAGL còn khoảng 30.000 ha đất để dành riêng cho việc trồng cỏ, trồng bắp làm thức ăn cho bò. Hiện nay, trong khi Việt Nam đang phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu, trong đó có sản phẩm từ cọ dầu từ Malaysia thì HAGL không cần mua bất kỳ nguyên liệu nào cho chăn nuôi bò nhờ Tập đoàn đang sở hữu 5.000 ha trồng bắp, 12.000 ha cọ dầu và 10.000 ha mía (ngọn mía để chăn nuôi bò), mà trước nay những phụ phẩm từ mía và cọ dầu đều bỏ đi một cách khá lãng phí”
Trên cơ sở đó, HAGL đã liên kết cùng với 2 đại gia khác trong ngành bò sữa là Nutifood và Vissan để cùng nhau phát triển đàn bò thịt, bò sữa và một nhà máy chế biến sữa. Trong đó, HAGL sẽ chịu trách nhiệm về nguồn nguyên liệu cũng như chăm sóc đàn bò gồm 120.000 con bò thịt và 116.000 con bò sữa. Nutifood sẽ đầu tư nhà máy chế biến sữa tươi 100% với công nghệ, máy móc thiết bị nhập khẩu từ CHLB Đức, Thụy Điển, sử dụng nguyên liệu sữa bò tươi của trang trại bò sữa HAGL. Còn Vissan sẽ là đối tác chính bao tiêu “đầu ra” cho toàn bộ số bò thịt trên. Được biết, tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án hợp tác giữa 3 công ty này là 12.000 tỷ đồng, trong đó Nutifood và Vissan chiếm 50% vốn.
Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây nhưng chúng ta đã được chứng kiến khá nhiều bước ngoặt đánh dấu sự phát triển thần tốc của ngành sữa Việt Nam. Tuy vậy, tính đến thời điểm hiện tại thì nguồn cung ứng sữa tươi sạch vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân nên đây vẫn đang là 1 ngành hết sức tiềm năng và hứa hẹn.
Hoa Đá tổng hợp.