Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, vai trò của các DN trong quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu hội nhập là rất quan trọng. Tuy nhiên, để thu hút nguồn lực đầu tư của DN vào chăn nuôi đòi hỏi cần tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng hơn.
Tăng sức hút với doanh nghiệp
Thưa ông, năm 2015 được lấy chủ đề là năm hội nhập, trong đó nhiều khả năng Việt Nam sẽ tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông nhận định như thế nào về thời cơ cũng như thách thức của ngành chăn nuôi Việt Nam khi gia nhập TPP?
- Việc hội nhập đã được xác định trước và TPP cũng chỉ còn một khoảng thời gian ngắn nữa sẽ “phủ sóng” tới Việt Nam. Khi tham gia sân chơi này, chúng ta có cơ hội tiếp cận được với khoa học công nghệ mới, giống mới, sản phẩm mới cũng như làn sóng đầu tư mới vào ngành chăn nuôi. Nếu nắm bắt được cơ hội, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ sớm hội nhập được với các sản phẩm tiên tiến của thế giới.
Tuy nhiên, hội nhập TPP cũng mang đến rất nhiều thách thức cho ngành chăn nuôi Việt Nam khi mà cả chất lượng, giá cả, mẫu mã, hình thức sản phẩm của chúng ta đang thua kém so với nước ngoài. Nguyên nhân thứ nhất, phần lớn giá các sản phẩm chăn nuôi chính của Việt Nam đều cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là điều bất lợi khi chúng ta cạnh tranh trên thị trường. Thứ hai là công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch trong lĩnh vực chăn nuôi còn rất yếu kém. Tổng thể cả nước hiện chưa có DN, nhà máy chế biến các sản phẩm thịt, trứng, sữa quy mô lớn. Do đó, chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường kém đa dạng.
Thứ ba, vấn đề truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng ATTP dù đã được triển khai nhiều năm nay nhưng vẫn còn khó khăn, thách thức lớn và người tiêu dùng còn nghi ngại về chất lượng khi tiếp cận các sản phẩm chăn nuôi. Thứ tư, kinh nghiệm thương mại, tiếp cận thị trường của ta ít, ngoài sản phẩm sữa được triển khai bài bản, còn lại các sản phẩm khác đều đang trong tình trạng “được chăng hay chớ”, giá cả thị trường lên xuống bấp bênh.
Trong số các thách thức đó, đáng lo ngại nhất là vấn đề gì, thưa ông?
- Điểm yếu nhất của ngành chăn nuôi nước ta là giá thành sản xuất cao. Nếu nói về chi phí kỹ thuật so với các nước thì ta có thể cạnh tranh được, thậm chí có những trang trại lớn đã ngang ngửa với các nước tiến tiên trên thế giới. Tuy nhiên, yếu tố làm cho giá thành sản phẩm cao khi đến tay người tiêu dùng là do sản phẩm phải qua quá nhiều khâu trung gian. Hiện tại, sản xuất chăn nuôi chưa theo chuỗi giá trị mà bị cắt khúc, mỗi công đoạn người sản xuất lại phải tính toán để có một lợi nhuận nhất định nên buộc phải đẩy giá thành lên cao, hiện vào khoảng 18 – 20%.
Ở góc độ quản lý Nhà nước về ngành chăn nuôi, theo ông, để ngành hội nhập tốt với làn sóng TPP, chúng ta cần phải có giải pháp gì?
- Từ tháng 5/2014, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đánh giá bước đầu, tái cơ cấu đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực cho ngành chăn nuôi, thể hiện ở số lượng, sản lượng vật nuôi đều tăng và việc áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi đang được quan tâm. Đáng mừng hơn là nhiều thành phần kinh tế đã chuyển hướng sang đầu tư vào chăn nuôi, trong đó nhiều “đại gia” như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, TH… Thậm chí, nhiều DN nước ngoài như của Australia, New Zealand, Nhật, Đức, Hàn Quốc, Nga, Uruguay… cũng đang thăm dò thị trường để đầu tư vào ngành chăn nuôi tại Việt Nam.
Nuôi bò sữa của Công ty Vinamilk tại Nghệ An đạt tiêu chuẩn Quốc tế GlolaIG.A.P của châu Á. Ảnh: Minh Tuấn
Để ngành chăn nuôi đứng vững trước làn sóng TPP, việc quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Trong 4 nhóm giải pháp lớn đặt ra của mục tiêu tái cơ cấu ngành chăn nuôi là phải rà soát tính toán lại cơ cấu sản phẩm để cân đối chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò… phát huy lợi thế của từng khu vực. Cục Chăn nuôi xác định, thịt lợn vẫn là chính nhưng thời gian tới sẽ giảm cơ cấu xuống một chút, còn 60 – 62% (hiện tại vẫn chiếm hơn 70%). Đồng thời tăng cơ cấu sản phẩm thịt bò, thịt gia cầm, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào thị trường. Một giải pháp quan trọng nữa là chúng ta hạn chế tăng về số lượng vật nuôi, tập trung vào chất lượng, bao gồm cả chất lượng sản phẩm và con giống. Tương lai, số lợn nái sẽ giảm từ hơn 4 triệu con xuống còn dưới 3 triệu con nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ nguồn giống trong nước. Có như vậy mới giảm nhiều chi phí chăn nuôi. Nói tóm lại, phải hiểu tái cơ cấu là rà soát lại khâu yếu để thay thế, điều chỉnh.
Như ông vừa nói, hiện nay có nhiều DN nước ngoài đang thăm dò để đầu tư vào ngành chăn nuôi nước ta, liệu rằng các hộ chăn nuôi trong nước có trụ được trước sức ép cạnh tranh không?
- Thực tế các DN nước ngoài đang thăm dò là nhiều, còn chính thức mới có một số DN đầu tư liên doanh chăn nuôi bò sữa, cộng với một số DN FDI cũ đầu tư vào lĩnh vực giống, thức ăn chăn nuôi. Khi tham gia vào sân chơi quốc tế phải có sự bình đẳng về đầu tư, sản xuất và mình cũng có lợi. Cạnh tranh đòi hỏi các DN sản xuất trong nước phải liên tục đổi mới để thích ứng. Tuy nhiên, về thể chế, quản lý, chúng ta vẫn phải nghiên cứu chính sách để định hướng rõ ràng.
Vậy theo ông, để thu hút được DN đầu tư vào ngành chăn nuôi cần phải có cơ chế như thế nào?
- Thực ra, về ưu đãi, Chính phủ đã có Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Bộ KH&ĐT cũng đã có Thông tư 05/2014/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Nghị định này. Tuy nhiên, tiến độ triển khai hướng dẫn còn rất chậm, khả năng tiếp cận chính sách ưu đãi của DN còn kém. Nên chăng, cần có cơ chế giao cho ngành NN&PTNT các tỉnh, TP nghiên cứu đề xuất danh mục dự án đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi trình UBND cấp tỉnh, TP phê duyệt. Khi đó, các DN làm giống, chăn nuôi hay chế biến thực phẩm sẽ biết được danh mục ưu đãi để tiếp cận, hưởng thụ chính sách.
Một vấn đề nữa là chính sách hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ cao, trong đó có các danh mục hạ tầng, điện, nước, thì các tỉnh, thành phải thể chế rõ ràng, cụ thể thì DN mới tiếp cận được chứ nói chung chung như hiện nay thì khó. Đặc biệt, DN dù có năng lực nhưng lại đang khó tiếp cận về đất đai. Do đó, cần chính sách ưu đãi đất đai và minh bạch thủ tục cho các DN đầu tư vào chăn nuôi.
Hà Nội là một trong những địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước. Theo ông, triển khai tái cơ cấu ngành chăn nuôi đáp ứng yêu cầu hội nhập, TP nên tập trung vào những mục tiêu gì?
- Đối với Hà Nội nên tập trung vào 3 việc chính. Thứ nhất là tăng cường thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi. TP phải có chính sách thu hút mạnh mẽ để DN nước ngoài thấy hấp dẫn và tìm đến đầu tư. Thứ hai, cần nhanh chóng triển khai đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thì mới tăng giá trị và thực sự là địa phương đi đầu cả nước về chăn nuôi. Còn nếu cứ chăn nuôi theo phương thức truyền thống thì rất khó bật lên vì lao động, đất đai và thị trường của Hà Nội đều đắt đỏ hơn các địa phương khác. Thứ ba, Hà Nội cần lựa chọn khâu giống là chính, chọn loại giống tốt nhất, thu hút DN đầu tư sản xuất để cung cấp giống cho các tỉnh chăn nuôi thương phẩm rồi đưa về Hà Nội chế biến.
Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Thắng Văn
Nguồn tin: Báo Kinh Tế & ĐT