Những kinh nghiệm có thể tham chiếu cho Việt Nam
Một là, tăng cường đầu tư và tích cực chuyển giao công nghệ, đào tạo và dạy nghề cho nông dân nhằm phát huy tài nguyên con người và áp dụng khoa học – công nghệ có hiệu quả. Đây là động lực chính cho tăng trưởng nông nghiệp tương lai, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng của nông sản; tăng khả năng cạnh tranh ở trong và ngoài nước.
ảnh internet
Hai là, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp gồm 2 loại: hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu. Nhà nước cần hỗ trợ mạnh cho các hợp tác xã, hội nông dân để giúp các tổ chức này hoạt động tốt trong vai trò cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu, đào tạo, dạy nghề, cung cấp thông tin, hỗ trợ kinh phí, điều kiện sinh hoạt, buôn bán xuất khẩu nông sản, bảo vệ lợi ích của người nông dân. Sự phát triển của các tổ chức hợp tác xã và hội nông dân giúp cho cộng đồng xã hội nông thôn phát triển hài hoà cả về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường với điều kiện hợp tác xã thực sự hoạt động theo nguyên tắc tự lực, tự chịu trách nhiệm, quản lý dân chủ, hiệu quả hoạt động cao, có sự tương trợ lẫn nhau.
Ba là, hiện tích tụ ruộng đất bình quân ở Việt Nam chỉ có 0,6 ha/hộ; vào loại thấp nhất thế giới. Hiện nay, chính sách dồn điền, đổi thửa cho phép xử lý vấn đề đất đai manh mún. Nhưng cần thực hiện chính sách này từng bước một cách thận trọng và gắn với phân công lại lao động trong nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở phát triển kinh tế hộ gia đình.
Bốn là, thực hiện liên kết nông nghiệp, nông thôn với công nghiệp và đô thị nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn theo hướng đưa công nghiệp, kể cả công nghiệp nặng về phân tán ở nông thôn; điều chỉnh kế hoạch mở rộng các đô thị lớn thành xây dựng nhiều thành phố vệ tinh nhỏ nằm ở nông thôn; đồng thời, cải thiện hệ thống giao thông để cư dân nông thôn và đô thị có thể di chuyển thuận lợi. Điều này vừa giúp tăng thu nhập cho cư dân nông thôn vừa giúp giảm áp lực người dân nông thôn đổ dồn vào thành thị.
Việt Quân
Theo Tạp chí Cộng Sản