Cục Thú y- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, đã có văn bản gửi Đại sứ quán Pháp về việc cho phép nhập khẩu thịt bò không xương dưới 30 tháng tuổi từ Pháp vào Việt Nam, với điều kiện phải đạt các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật VN.
Thấy rõ tiềm năng tiêu thụ thịt bò tại Việt Nam, trong chuyến thăm VN gần đây Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Canada cũng đã đặt vấn đề xuất sang VN thịt bò, như là thị trường tiêu thụ trọng điểm của khu vực châu Á cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc… Tương tự, Ba Lan cũng lên kế hoạch tiếp thị thịt bò vào thị trường Việt Nam.
Thịt đông lạnh trong siêu thị đang lấn át thịt tươi sống tại các chợ
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong năm 2013, tổng lượng trâu bò nhập khẩu ước tính khoảng 150.000 con. Bước sang năm 2014, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập 72.000 con bò Úc. Tính đến hết năm 2014 con số này tăng lên gần 200.000 con. Sự gia tăng ồ ạt của thịt bò ngoại nhập trong những năm gần đây hoàn toàn dễ hiểu khi tổng đàn bò thịt của Việt Nam liên tục giảm, từ mức 7 triệu con giảm còn 5 triệu con, trong khi đó sức tiêu thụ không ngừng tăng lên. Cụ thể, ước tính mỗi ngày cả nước tiêu thụ khoảng 3.000 con bò thịt, trong đó riêng TP.HCM là khoảng 600 con. Do nhu cầu đã vượt khá xa so với khả năng cung ứng nội địa nên các doanh nghiệp, thương lái phải nhập khẩu bò thịt. Dự kiến, năm 2015 các hiệp định thương mại song phương và đa phương chính thức có hiệu lực thì con số nhập khẩu bò thịt không dừng lại ở mức trên.
Không chỉ thị trường thịt bò đang chứng kiến sự lấn át của thịt ngoại nhập, thịt heo, thịt gà cũng đang đứng trước nguy cơ tương tự. Lý do, mô hình chăn nuôi heo, gà chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ và thiếu những trang trại có quy mô lớn, tính cạnh tranh thấp. Chính vì chậm phát triển gia súc, gia cầm nội địa nên thị trường trong nước đang chứng kiến thịt ngoại ồ ạt nhập khẩu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Theo Tổ chức các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành công nghiệp thịt (UPEMI), hiện có hơn 100 doanh nghiệp châu Âu tham gia xuất khẩu thịt vào Việt Nam với doanh số tăng trưởng lớn và đầy ấn tượng. Đơn cử, chỉ trong năm 2012 – 2014, lượng thịt heo xuất khẩu sang Việt Nam đạt 3,3 triệu USD, tăng 7 lần so với thời gian trước đây. Riêng thịt heo từ Ba Lan tăng từ 121 tấn trong năm 2012 lên 830 tấn vào năm 2014. Dự kiến, con số trên sẽ gia tăng mạnh khi các hiệp định thương mại được ký kết. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì thói quen sử dụng thịt tươi sống tại các chợ thì gần đây cùng với sự phát triển của hệ thống siêu thị nên thói quen tiêu dùng sản phẩm tươi cũng giảm đáng kể. Hơn nữa, do áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi cùng với quy trình giết mổ, bảo quản hợp vệ sinh, vì vậy chất lượng thịt không bị thay đổi.
Trước những thách thức ấy, bà Phạm Hồng Hạnh, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, ngành đã đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục. Theo đó, bên cạnh việc nghiên cứu, dự báo tác động của hội nhập đòi hỏi phải nâng cao năng chất lượng thực phẩm thông qua việc thực hiện tái cơ cấu ngành. Song song đó, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi để cạnh tranh hiệu quả với hàng nhập khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước phải liên kết với nhau nhằm giữ vững thị trường trong nước, đồng thời tìm cách xâm nhập thị trường xuất khẩu.
Thanh Giang
theo: Báo Đại Đoàn Kết