Theo báo cáo của Cơ quan Thú y vùng II và chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Minh Cầm, huyện Ba Chẽ làm 705 con gia cầm (691 con gà và 14 con ngan) mắc bệnh và tiêu hủy.
Các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 ở 02 xã Tịnh Giang và Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi và ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã qua 21 ngày không phát sinh thêm gia cầm mắc mới.
Hiện nay, cả nước có 03 ổ dịch Cúm gia cầm xảy ra ở 03 tỉnh chưa qua 21 ngày, gồm:
- Tỉnh Nghệ An có 01 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu (đã qua 12 ngày);
- Tỉnh Lai Châu có 01 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu (đã qua 14 ngày);
- Tỉnh Quảng Ninh có 01 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Minh Cầm, huyện Ba Chẽ (đã qua 02 ngày).
Theo nhận định của Cục thú y
Các ổ dịch Cúm gia cầm vừa qua xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại một vài hộ chăn nuôi gia đình, chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và đã được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y phát hiện và xử lý kịp thời nên không có hiện tượng lây lan. Tuy nhiên, hiện nay do diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan là rất cao, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như vi rút H7N9; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời. Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành chủng vi rút cúm gia cầm (văn bản số 371/TY-DT ngày 06/3/2015) và văn bản hướng dẫn sử dụng vắc xin cúm (văn bản số 1883/TY-DT ngày 29/9/2015 và 1518/TY-DT ngày 05/9/2014) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
VietDVM team tổng hợp
Theo Cục Thú Y