Sau 6 tháng thử nghiệm đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, từ ngày 31.7.2017, thịt heo từ các tỉnh muốn vào TP.HCM bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc, tức phải được “đeo vòng”.
»› Xem thêm: Cập nhật tình hình giá heo hơi
»› Xem thêm: Heo Sài Gòn bí đường về các tỉnh
Tiếp đó, từ ngày 1.9.2017, TP.HCM sẽ chính thức kiểm soát nguồn thịt gia cầm và trứng gia cầm cung ứng cho thị trường thành phố, sản phẩm thịt gia cầm và trứng gia cầm phải truy xuất được nguồn gốc theo quy định của đề án. Thế nhưng, nhiều ý kiến băn khoăn, cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào đối với nguồn thịt nhập khẩu, vốn chiếm phần lớn thị phần trong nước hiện nay.
Ông Lê Thanh Phương – Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam nhận định, chăn nuôi gà trong nước đang chịu sức ép rất lớn từ thịt gà nhập khẩu. Theo thống kê của Bộ NNPTNT, thịt gà nhập khẩu chiếm đến 45% thị phần gà trong nước. Do đó, trong khi sản phẩm chăn nuôi trong nước muốn được phân phối ở TP.HCM phải chịu kiểm soát, phải “đeo vòng” thì thịt nhập khẩu được “quản lý” như thế nào?
“Ai sẽ đeo vòng cho thịt nhập khẩu? Gà đông lạnh nhập khẩu sẽ tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc của TP.HCM như thế nào? Vì nếu bỏ qua lượng thịt này sẽ không công bằng với người chăn nuôi trong nước và cả người tiêu dùng” - ông Phương đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, nguyên nhân khiến giá lợn, gà rớt thảm và kéo dài thời gian qua một phần do cung vượt cầu, mặt khác còn do yếu tố cạnh tranh thị trường không lành mạnh.
Theo ông Đoán, có hiện tượng một số công ty lớn của nước ngoài đang tìm cách khống chế thị trường chăn nuôi Việt Nam, lũng đoạn rồi tiến tới độc quyền thị trường. Nếu không xử lý được vấn đề này thì việc phát triển thị trường khó đạt được như mong muốn.
»› Xem thêm: Nhận diện nguy cơ Trung Quốc khống chế ngành chăn nuôi heo của Việt Nam
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng, trước hết, ngành công thương sẽ tập trung kiểm soát chất lượng các sản phẩm chăn nuôi trong nước để tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Tiếp sau đó, Sở Công Thương TP.HCM sẽ xin xây dựng kế hoạch để triển khai truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm thịt nhập khẩu. Từ đó, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước cũng như các sản phẩm nhập khẩu.
Theo: Thuận Hải
Nguồn: Dân Việt