Luật Thú y và Nghị định số 35/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y chính thức có hiệu lực thi hành ngày 1-7-2016 vừa qua.
Sau đó, trong tháng 7/2016, một loạt Thông tư của Bộ NN-PTNT về lĩnh vực thú y cũng có hiệu lực thi hành. Đây là cơ sở pháp lý cực kỳ quan trọng đối với lĩnh vực thú y. VietDVM.com giới thiệu những vấn đề liên quan đến tài chính trong Luật, Nghị định, Thông tư này.
Luật Thú y quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động thú y tại Việt Nam.
Điều 23, Luật Thú y quy định kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật được sử dụng cho các hoạt động sau đây: Phòng, chống dịch bệnh động vật; khắc phục hậu quả dịch bệnh động vật; phục hồi môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật được hình thành từ các nguồn: Ngân sách nhà nước; kinh phí của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước, tổ chức quốc tế và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nghị định số 35/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật như sau:
- Nguồn từ ngân sách nhà nước: Ngân sách TƯ bố trí kinh phí cho các Bộ, cơ quan TƯ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; ngân sách địa phương bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương.
Trường hợp kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật vượt khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND tỉnh báo cáo bằng văn bản, gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 27 của Luật Thú y.
- Nguồn kinh phí của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Các chi phí để phòng, chống dịch ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước, kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Nguồn kinh phí đóng góp, tài trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Các nội dung chi từ ngân sách nhà nước: Chi tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật; chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị, thuốc thú y (vắc xin, thuốc sát trùng) và chi phí cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật; chi hoạt động giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm; quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi; đánh giá nguy cơ dịch bệnh động vật; chi dự báo, cảnh báo dịch bệnh động vật, điều tra, nghiên cứu bệnh động vật; chi hỗ trợ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật; chi hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh động vật gây ra hoặc do phải áp dụng biện pháp xử lý bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chi phí xử lý; chi hỗ trợ để phục hồi môi trường chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
- Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như sau: Mức hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh động vật gây ra, hỗ trợ thiệt hại do phải áp dụng biện pháp xử lý động vật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định hiện hành.
Đối với những nội dung chưa có quy định về mức hỗ trợ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với BNN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 27 và Khoản 3 Điều 30 của Luật Thú y; UBND tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức hỗ trợ phù hợp với khả năng ngân sách địa phương.
Mức hỗ trợ phục hồi môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT và yêu cầu thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức hỗ trợ phù hợp với khả năng ngân sách địa phương.
Tác giả: Hiếu Minh - VP
Nguồn tin: Báo Nongnghiep.vn