Ngày 16-5 vừa qua, khi kiểm tra kho thịt đông lạnh chứa 4,2 tấn thịt lợn tại nhà bà Nguyễn Thị Thảo (80 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom), lực lượng chức năng đã niêm phong toàn bộ số thịt, đồng thời lấy mẫu đi xét nghiệm và phát hiện số thịt này bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Ngay sau đó, Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai đã phối hợp với chính quyền huyện Trảng Bom tiến hành tiêu hủy toàn bộ số thịt lợn trên và triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra khu vực xung quanh.
Sau vụ việc trên nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn sẽ bị xử lý như thế nào?
Liên quan đến nội dung này, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 178/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm của cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu đồng. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Kinh doanh thực phẩm bẩn có thể phải ngồi tù tới 20 năm
Cũng theo Luật sư Hồng Vân, Điều 317 BLHS 2015 (sửa đổi) về tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm nêu rõ, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm:
Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10-dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10-dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm đ khoản này hoặc chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 5-20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60%.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Làm chết người; Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 100-300 triệu đồng…thì bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 3 người trở lên; Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên; Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500 triệu đồng trở lên… thì bị phạt tù từ 12-20 năm.
"Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Tội phạm xâm phạm chế độ quản lý nhà nước về ATTP và sức khỏe của người tiêu dùng. Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý" - Luật sư Hồng Vân phân tích.
Tác giả: Huệ Linh
Nguồn tin: Báo anninhthudo