Gần nửa tháng qua, cửa khẩu bên phía Trung Quốc siết chặt nhiều thủ tục nên thương lái nước này không thể thu mua lợn từ cửa khẩu của Việt Nam. Nhiều xe chở lợn bị dồn ứ lại, khiến những “lái lợn” kêu trời.
Thương lái không dám thu mua lợn
Ông Lê Đình Nhương (56 tuổi), ở thôn Làng Chung, xã Hoằng Đạo (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), là một “lái lợn” đi biên giới đã có thâm niên gần 20 năm qua, cho biết: “Những ngày qua, giá lợn hơi đang thay đổi theo ngày, thậm chí theo giờ, khiến cho nhiều người làm nghề như tôi vô cùng lo lắng. Nếu không tính toán cẩn thận, thì người buôn lợn sẽ mất tiền trăm, thậm chí tiền tỷ. Đợt vừa rồi, 2 xe lợn của tôi cũng bị nằm chờ ở cửa khẩu Cao Bằng mấy ngày ròng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng”.
Theo ông Nhương và nhiều thương lái, cho biết, những ngày gần đây, giá lợn tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu giảm mạnh sau khi Trung Quốc “đóng biên” ngừng nhập lợn từ Việt Nam. Hàng trăm hộ nuôi lợn đang “om” hàng chờ giá. Còn những thương lái như ngồi trên đống lửa, bởi các xe lợn đã và đang bị ùn ứ ở cửa khẩu chờ thương lái Trung Quốc mua. “Giá lợn hơi bắt đầu rục rịch tăng khoảng 2 tháng trước và tăng cao từ 1 tháng trở lại đây. Có thời điểm, giá lợn hơi lên tới 62.000 đồng/kg. Từ ngày 3- 5.5, mỗi ngày tôi có 5- 6 chuyến xe, mỗi xe 18 tấn lợn (hơn 170 con) bán qua cửa khẩu Cao Bằng cho các thương lái Trung Quốc”- một “lái lợn” cho hay.
Bà Phạm Thị Hào, một thương lái ở xã Định Liên (huyện Yên Định- Thanh Hóa), chuyên gom lợn cho những thương lái đưa đi Trung Quốc cho biết: “Giá lợn hiện tại đã giảm xuống 50.000 đồng/kg nhưng tôi vẫn không dám mua. Bây giờ, mỗi ngày tôi chỉ mua khoảng 30-50 con lợn với giá từ 49.000-50.000 đồng/kg để bán giết mổ trong tỉnh thôi”.
Theo tìm hiểu của NTNN, từ ngày 15.5 trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giá lợn hơi đã giảm xuống 55.000 đồng/kg, rồi xuống 50.000 đồng/kg, nhưng những người như ông Nhương, bà Hào… vẫn không dám mua hàng, vì theo họ, nếu hàng bị kẹt ở cửa khẩu khoảng 3 ngày là người buôn lỗ nặng.
Người nuôi lợn “găm” hàng
Là người nuôi lợn nái ngoại theo mô hình trang trại, ông Đào Duy Hòa (51 tuổi), ở thôn Phong Lượng, xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), cho biết: Hiện nay quy mô trang trại lợn của ông rộng 6.000m2, với 30 lợn nái ngoại. Bình quân, mỗi năm ông xuất chuồng từ 500 - 600 con lợn thịt. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, dù lứa lợn của gia đình ông đã đến kỳ xuất bán, nhưng giá lại tụt xuống chỉ còn 50.000 đồng/kg lợn hơi, nên ông quyết định không bán lợn.
Ông Hòa cho hay, cách đây khoảng gần nửa tháng, giá lợn hơi xuất tại chuồng đang được thương lái thu mua với giá 55.000 - 56.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày trở lại đây, thương lái thông báo giá lợn hơi giảm xuống chỉ còn 50.000 - 51.000 đồng/kg. “Thương lái thu mua lợn đưa ra lý do là phía Trung Quốc “đóng biên” nên giá lợn tụt xuống. Vì vậy, gia đình tôi quyết định chưa bán lợn, mà cứ nuôi bình thường để chờ giá lên mới xuất chuồng” - ông Hòa nói.
Cũng theo ông Hòa, dù chủ trang trại “găm” lợn lại để chờ giá tăng, nhưng cũng không thua lỗ là bao, vì giá thức ăn của lợn không tăng, mà ngược lại càng nuôi lâu ngày, lợn càng tăng cân, sau đó bán với giá từ trên 50.000 đồng/kg trở lên cũng không đáng ngại.
Trao đổi với NTNN, ông Lê Khắc Trung- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa cho biết: Trong những ngày qua, giá lợn giảm nhiều, nhưng vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến người chăn nuôi. Bởi lẽ, nếu giá lợn ở mức 50.000 đồng/kg, người nuôi vẫn có lãi. Tuy nhiên, hiện nay toàn huyện Hoằng Hóa có 30% gia trại không nuôi theo quy trình khép kín, phải mua con giống, phòng đã chỉ đạo UBND các xã phải kiểm soát số lượng đàn, tránh tình trạng bà con tăng đàn ồ ạt.
Tác giả: Hồng Đức - Bùi Oanh
Nguồn tin: Báo Dân Việt