Mặc dù nhiều doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô khá khiêm tốn nhưng mức lợi nhuận năm 2015 mà họ kiếm được khiến doanh nghiệp khác mơ ước.
Là doanh nghiệp có tiếng trong ngành chăn nuôi, báo cáo thường niên năm 2015 của Tập đoàn Dabaco (DBC) cho thấy, doanh thu thuần cả năm công ty này đạt 5.791 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 253 tỷ, lần lượt tăng 11,6% và 23,4%.
Dabaco cho biết, năm 2015, các công ty con sản xuất lợn giống của công ty đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Lợn thịt tiêu thụ đạt 18.908 tấn và tăng 19,6% so với năm 2014. Năm 2015 giá thịt lợn đạt được mức cao và luôn ổn định, người chăn nuôi mở rộng quy mô và có lợi nhuận nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả.
Bên cạnh hoạt động chăn nuôi lợn thì hoạt động nuôi gà, lai giống gà cũng đạt hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng trưởng mạnh nên lợi nhuận sau thuế công ty này tăng cao so với cùng kỳ.
Năm 2016 đơn vị đặt kế hoạch doanh thu đạt 8.456 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 291 tỷ đồng, tăng mạnh so với 2015, trong đó, sản lượng giống lợn thịt và lợn hậu bị gia tăng. Hiện, giá cổ phiếu DBC dao động quanh mức 32.000-33.000 đồng.
Vừa chế biến thực phẩm vừa có quy mô chăn nuôi lớn, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng đạt kết quả kinh doanh tốt hơn so với cùng kỳ. Năm 2015, doanh thu công ty này đạt gần 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận 160 tỷ, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, lợi nhuận đến từ thịt lợn chiếm phần lớn.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho biết, dù tự chăn nuôi và kết hợp với nông dân, nhưng sản lượng thịt cung ứng ra thị trường vẫn không đủ. Sắp tới, ngoài việc mở rộng liên doanh liên kết, đơn vị này cũng đang xây dựng nhà máy giết mổ tại Long An với diện tích 10.000ha, vốn đầu tư 80 triệu USD, dự kiến hoàn tất vào năm 2018 với quy mô giết mổ 3.000 con heo một ngày.
Vào quý I năm nay, Vissan vừa mới cổ phần hóa và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Được đánh giá cao nên trong 2 lần đấu giá công khai cho nhà đầu tư và cổ đông chiến lược, Vissan được săn đón nồng nhiệt. Từ mức giá khởi điểm 17.000 đồng, cổ phiếu công ty này đã được trả giá lên tới 126.000 đồng.
Quy mô rất nhỏ nhưng Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn (PSL) khiến không ít nhà đầu tư nhòm ngó và muốn sở hữu.
Báo cáo thường niên của công ty này cho thấy, năm 2015 công ty làm ăn khá thuận lợi, tổng doanh thu đạt 242,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 63,3 tỷ, lần lượt tăng 18% và 251% so với năm 2014.
Lý giải cho mức lợi nhuận tăng đột biến, công ty cho biết, năm 2015 giá nguyên liệu đầu vào giảm, giá bán các sản phẩm heo giống, heo thịt ở mức cao nên các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, sản lượng heo giống bán ra đạt 1.080 tấn, heo thịt là 2.865 tấn, lần lượt vượt 8% và 2% so với kế hoạch đề ra. Tiền lương bình quân của người lao động đạt 9,1 triệu đồng mỗi tháng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đạt 37,8%.
Nhờ đạt lợi nhuận “khủng” nên 2015 công ty quyết định chia cổ tức 100%, trong đó 50% bằng tiền mặt (tương đương 22,5 tỷ đồng) và 50% bằng cổ phiếu. Đây cũng là lần chia cổ tức cao kỷ lục của đơn vị này so với những năm trước đó.
Năm 2016, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu bán hàng 216 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 30 tỷ. Sản lượng tiêu thụ 1.240 tấn heo giống và 2.500 tấn heo thịt các loại. Hiện, vốn điều lệ của Phú Sơn chỉ có 45 tỷ đồng. Như vậy, EPS năm 2015 đạt 10.638 đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của công ty gần 23% - một tỷ suất lợi nhuận mà nhiều công ty mơ ước. Hiện thị giá cổ phiếu này ở mức 80.000 đồng.
Cũng đạt mức lợi nhuận lớn, Công ty nông súc sản Đồng Nai (Dolico) - một công ty do Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai - Dofico nắm quyền kiểm soát với tỷ lệ sở hữu 84%.
Báo cáo tài chính 2015 của doanh nghiệp này cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 129 tỷ đồng, tương đương với 2014, lợi nhuận gộp đạt 22,46 tỷ, tăng 17,1% so với 2014.
Trong hoạt động kinh doanh của công ty này, năm 2015, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng đột biến khi Dolico bán lại 14,16% cổ phần của Proconco, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn thứ 2 Việt Nam với thương hiệu chủ lực là Cám con cò cho Tập đoàn Masan với mức giá 28.000 đồng một cổ phiếu. Với mức giá cao gấp 50 lần so với vốn đầu tư ban đầu (không kể cổ tức đã nhận được từ trước đến nay) đã giúp Dolico thu về khoản tiền gần 800 tỷ đồng và ghi nhận khoản lãi trước thuế 778 tỷ.
Hết năm 2015, Dolico đạt 724 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 10 lần so với vốn điều lệ 68,4 tỷ, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt xấp xỉ 104.000 đồng.
Nhìn nhận về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trên, ông Trương Duy Khiêm, Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát - Công ty chứng khoán ABCS cho rằng, sở dĩ năm 2015 các doanh nghiệp chăn nuôi đạt được mức lãi cao là do giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh, giá dầu lao dốc nên chi phí vận chuyển cũng giảm theo, từ đó, kéo theo hàng loạt chi phí trong chăn nuôi giảm xuống mức thấp trong nhiều năm qua. Ngược lại, giá thực phẩm bán ra thị trường lại cao nên lợi nhuận các doanh nghiệp này thay đổi mạnh.
Bên cạnh đó, hiện nay thị trường tiêu thụ thực phẩm, điển hình là thịt heo trong nước lớn hơn sức cung, quy mô của các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này còn nhỏ nên lượng hàng làm ra tiêu thụ tốt. Mặt khác, đối với nhóm ngành chăn nuôi, sản xuất thực phẩm tỷ suất sinh lời thường cao hơn so với nhiều nhóm ngành khác.
“Mặc dù sức sinh lời của nhóm này khá hấp dẫn, tuy nhiên, vì quy mô của các doanh nghiệp Việt còn nhỏ nên rất dễ đánh mất thị phần vào tay các doanh nghiệp ngoại. Vì vậy, ngoài việc mở rộng quy mô, các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong nguồn nguyên liệu, cũng như con giống. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thiết lập mạng lưới phân phối để chủ động hơn trên thị trường”, ông Khiêm khuyên.
Tác giả: Hồng Châu
Nguồn tin: Vnexpress