Cơ quan chức năng tiêu hủy 163 con heo ở quận 9, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực xung quanh, có bán kính 3 km.
Chiều 11/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM cho biết, ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên xuất hiện tại nhà bà Lê Thị Ngọc Cẩm (phường Phú Hữu, quận 9). Ban đầu có 3 con heo chết, những con còn lại có triệu chứng điển hình của dịch tả. Kết quả mẫu xét nghiệm cho thấy dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp UBND quận 9 đã tiêu hủy 163 con heo nhà bà Cẩm; rải vôi bột tại khu vực chăn nuôi, hố chôn và sẽ tiêu độc khử trùng liên tục 10 ngày tiếp theo. Hai chốt chặn đã được lập nơi ra vào khu vực.
Hiện, phường Phú Hữu có 7 hộ chăn nuôi heo, tổng đàn hơn 500 con. Lực lượng chức năng đã cấp thuốc cho các hộ tiêu độc khử trùng liên tục 7 ngày; tiêu độc định kỳ 3 lần một tuần, kéo dài trong 3 tuần. Các hộ không được xuất bán heo trong vòng 30 ngày.
Đối với 29 hộ chăn nuôi thuộc vùng uy hiếp (bán kính 3 km tính từ nhà bà Cẩm) gồm các phường Long Trường, Trường Thạnh (quận 9), Bình Trưng Đông (quận 2) với tổng đàn 2.422 con, cũng được cấp thuốc tiêu độc khử trùng định kỳ trong 4 tuần.
Ông Nguyễn Phước Trung (Giám đốc Sở Nông nghiệp thành phố) cho biết, hộ bà Cẩm không dùng cám công nghiệp mà sử dụng thức ăn thừa từ các quán ăn. Tuy nhiên, nguyên nhân heo bị nhiễm bệnh vẫn đang điều tra. Hiện ổ dịch đã được khống chế và ngành chức năng đã triển khai các biện pháp khoanh vùng, bố trí chốt chặn khu vực xung quanh để ngăn chặn mầm bệnh lây lan. "Nguồn cung thịt heo cho thành phố phần lớn từ các tỉnh thành khác, nên ổ dịch vừa phát hiện không ảnh hưởng nhiều", ông Trung nói.
Tổ chức Thú y thế giới (OIE) xác định, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Từ năm 2017 đến nay hơn 20 quốc gia có dịch bệnh. Riêng tại Trung Quốc có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh, tiêu hủy hơn 950.000 con heo.
Ổ dịch tại Việt Nam được phát hiện ngày 1/2 tại Hưng Yên, sau đó lan nhanh ra các tỉnh thành. TP HCM là địa phương thứ 55 trong cả nước có dịch bệnh. Hơn 2,2 triệu con lợn đã bị tiêu huỷ, thiệt hại ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng (bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, mua hóa chất sát trùng...).
Tác giả: Trung Sơn - Minh Tân
Nguồn tin: Vnexpress