Hai tỉnh Điện Biên, Thái Nguyên mới phát hiện có ổ dịch tả lợn châu Phi, nâng tổng số tỉnh thành có ổ dịch lên 10 tỉnh thành.
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến chiều tối ngày 7/3, số địa phương bị bệnh dịch tả lợn châu Phi là 10 tỉnh, thành phố gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên với tổng số lợn bị tiêu hủy trên 6.500 con.
Mới nhất, ổ dịch xuất hiện tại bản Bon A, Lóng Luông (xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Các mẫu kiểm tra đều dương tính với virus tả châu Phi. Cơ quan chức năng đang tiếp tục xét nghiệm một số mẫu ở hai xã Ta Ma và Mường Mùn.
Tại Thái Nguyên, ổ dịch được phát hiện tại hộ ông Nguyễn Văn Thạo (xóm Giữa, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình). Gia đình ông Thạo có 52 con lợn, chết 34 con. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số lợn trên.
Riêng Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục thú y cho biết ổ dịch đã xuất hiện tại 4 quận, huyện gồm: huyện Gia Lâm, huyện Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàng Mai.
Theo đó, ổ dịch mới nhất (ổ dịch thứ 4) được phát trên đàn lợn gần 30 con tại gia đình ông Đỗ Văn Bạc (thôn Bình Trù, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm) với tổng số 29 con. Trong đó có 2 con lợn rừng, 2 con lợn nái và 25 con lợn con mới đẻ.
Trước đó, ổ dịch đầu tiên được phát hiện vào ngày 24/2 trên đàn lợn rừng 25 con thuộc hộ ông Nguyễn Thái Sơn, khu vực Đầm Nấm (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên). Hiện vẫn chưa phát hiện thêm dịch lây lan sang đàn lợn nào trong khu vực có dịch.
Ngày 5/3, ổ dịch tả phát hiện tại hộ bà Trương Thị Vân ở khu 6, xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh) với tổng đàn 10 con lợn bị ốm, chết. Huyện đã xử lý tiêu hủy toàn bộ tổng đàn 10 con bằng biện pháp chôn.
Đến ngày 6/3, một ổ dịch khác cũng được phát hiện tại hộ ông Nguyễn Văn Chung ở số 6 (ngõ 203, tổ 36 phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai). Hộ gia đình này nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, với tổng đàn gần 50 con, trong đó một số con bị ốm, chết.
Ông Sơn cho hay nguyên nhân lây lan dịch bệnh ở quận Long Biên và Hoàng Mai là do người dân sử dụng thức ăn dư thừa lấy từ các nhà hàng, hộ dân để nuôi lợn.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, hiện một số ổ dịch mới xảy ra tại một số điểm chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng lợn phải tiêu hủy nhỏ. Tuy nhiên nếu dịch lây lan ra các trang trại lớn, nuôi hàng nghìn con thì lúc đó thiệt hại về kinh tế sẽ là rất lớn.
“Nếu như Hà Nội thiệt hại 30% tổng số lợn của thành phố (tương đương 600.000 con, trung bình 2 triệu đồng/con) thì sẽ thiệt hại khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Nếu như thiệt hại 50% số lợn, thì thành phố sẽ mất vài nghìn tỷ đồng. Khi xảy ra tình trạng như vậy phải mất ít nhất 6 tháng sau mới bắt đầu chăn nuôi phát triển lại được” – ông Đăng cảnh báo.
Cũng theo ông Đăng, để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, ngoài việc triển khai diễn tập phòng chống dịch, dự kiến từ 15/3 đến ngày 15/4, Hà Nội tiếp tục thực hiện việc tẩy uế môi trường. Đồng thời, thành lập 5 tổ công tác liên ngành đi kiểm tra tất cả các quận, huyện và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả, không để lây lan diện rộng.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Tính từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định bệnh dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người.
Liên quan đến vấn đề đền bù đối với số lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ NN&PTNT hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 – 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống.
Tác giả: Hoàng Minh
Nguồn tin: Báo trithucvn