Trước thông tin Việt Nam nhập gần 3.000 tấn thịt với giá rẻ từ Brazil, Cục Thú y cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, không có bất kỳ lô hàng thịt nào có nguồn gốc từ 21 nhà máy của Brazil đang bị điều tra được nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15.3.2017 cả nước nhập khẩu 2.780 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD, tương ứng mỗi kg thịt chỉ có giá bình quân 32.834 đồng.
»› Cập nhật ngay thông tin biến động thị trường vừa qua
Trong khi đó, như đã thông tin, Bộ Công nghiệp, Ngoại thương Brazil công bố, trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt với trị giá kim ngạch đạt 12,8 triệu USD, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam. Như vậy, giữa hai số liệu thống kê hiện có sự chênh lệch.
Bộ Công Thương Việt Nam cũng cho biết, lượng nhập khẩu thịt từ Brazil có chiều hướng tăng mạnh. Các cơ quan chức năng của nước ta cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm các sản phẩm thịt nhập khẩu từ Brazil thực sự an toàn đối với người tiêu dùng.
Tổng cục Hải quan thông tin, các loại thịt xuất xứ từ Brazil được nhập về Việt Nam từ đầu năm đến 15.3.2017 chủ yếu gồm: thịt và phụ phẩm khác của gà thuộc loài Gallus domesticus với 1,54 nghìn tấn, trị giá hơn 1,5 triệu USD; tiếp theo là cánh gà thuộc loài Gallus domesticus với 0,77 nghìn tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD; các loại thịt và phụ phẩm dạng thịt khác là 0,47 nghìn tấn, trị giá hơn 1 triệu USD.
»› Bê bối thịt bẩn Brazil: Heo, gà ..Việt Nam hưởng lợi?
Nhìn lại, năm 2016 cả nước cũng nhập khẩu một lượng lớn thịt và phụ phẩm dạng thịt xuất xứ từ Brazil với 21 nghìn tấn, trị giá gần 25 triệu USD, giảm 0,1% về lượng, nhưng tăng 4,7% về trị giá so với năm 2015. Điều này dấy lên không ít lo ngại của dư luận về việc thịt bẩn từ Brazil có thể tràn vào Việt Nam.
Thông tin đến báo chí, Cục Thú y cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, không có bất kỳ lô hàng thịt nào có nguồn gốc từ 21 nhà máy của Brazil đang bị điều tra được nhập khẩu vào Việt Nam.
Cục Thú y cũng khuyến cáo người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu thì nên đến các siêu thị, cửa hàng… có uy tín để mua thịt; đồng thời cần xem xét kỹ nguồn gốc thịt (các thùng, kiện thịt nhập khẩu đều có nhãn mác ghi rõ ràng nguồn gốc xuất xứ thịt) để tránh bị các tổ chức, cá nhân gian lận thương mại.
»› Giá gà từ chuồng ra siêu thị tăng 2-3 lần: Người nuôi khóc ròng, người mua chịu thiệt
Cục Thú y cũng cho biết, ngay sau khi có thông tin về một số nhà máy sản xuất thịt của Brazil bị nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm và đang bị điều tra, Cục Thú y đã thực hiện ngay cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với tất cả các cơ quan thú y cửa khẩu và yêu cầu các đơn vị chỉ đạo tất cả các trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu tăng cường kiểm soát chặt chẽ thịt từ Brazil nhập khẩu vào Việt Nam.
»› Tiêu huỷ hơn 2 tấn thuốc thú y không được phép lưu hành
Đồng thời, Cục Thú y cũng chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát ngay các lô hàng thịt từ Brazil nhập khẩu vào Việt Nam xem có nguồn gốc từ nhà máy nào của Brazil. Nếu phát hiện sản phẩm thịt có nguồn gốc từ 21 nhà máy đang bị điều tra (theo danh sách của Đại sứ quan Brazil tại Hà Nội cung cấp) thì tạm dừng ngay việc kiểm dịch nhập khẩu, tiến hành niêm phong lô hàng và báo cáo về Cục Thú y để xử lý kịp thời.
Hơn nữa, ngày 23.3.2017 Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 902/QĐ-BNN-TY về việc tạm ngừng nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil đang bị điều tra vì nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm và có hiệu lực từ ngày 23.3.2017.
Cục Thú y cũng đã chỉ đạo ngay các cơ quan thú y cửa khẩu tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đã được chuyển lên tàu, máy bay để vận chuyển từ Brazil về Việt Nam trước ngày 23.3.2017. Nếu phát hiện thịt và sản phẩm thịt của 21 nhà máy thì tạm ngừng kiểm dịch nhập khẩu và báo cáo ngay về Cục Thú y để tổng hợp, báo cáo Bộ NNPTNT để xem xét, xử lý theo quy định.
Theo: Hoài Phong
Nguồn: mothegioi.vn