Mỗi năm EU sản xuất ra một khối lượng thịt heo lớn hơn mức tiêu thụ nội địa 112%, vì vậy EU phải xuất khẩu hơn 3 triệu tấn thịt heo mỗi năm để cân bằng cung-cầu.
Khối lượng trên làm cho EU trở thành một trong những khu vực xuất khẩu thịt heo lớn nhất trên thị trường.
Khả năng cạnh tranh của thị trường thế giới ngày càng khốc liệt trong khi pháp luật châu Âu lại rất coi trọng các vấn đề về môi trường, phúc lợi động vật hay an toàn thực phẩm nên chi phí sản xuất thường đội lên khá cao. Điều đó chứng tỏ các nhà sản xuất thịt heo châu Âu thực sự đã làm việc rất hiệu quả thì khu vực này mới trở thành khu vực xuất khẩu thịt heo nhiều nhất trên thế giới. Tuy vậy, các thách thức trước mắt đối với thị trường này là không hề nhỏ.
Vì vậy, các nhà sản xuất chăn nuôi heo châu Âu cần chuẩn bị và luôn sẵn sàng cho những thách thức mới mà ủy ban có thể áp đặt cho ngành bất cứ lúc nào, sao cho vừa có thể thích ứng lại vừa có thể cạnh tranh được với các thị trường khác.
Dưới đây là một số thách thức ngắn hạn trước mắt mà chúng tôi cho là ngành công nghiệp thịt heo châu Âu cần lưu ý:
1. Thiến heo con.
Trong năm 2010, một phong trào phản đối việc thiến heo con nhằm bảo về quyền lợi động vật diễn ra mạnh mẽ trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng ở châu Âu đã tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ thịt heo thời kỳ đó.
Sau khi kết thúc các cuộc đàm phán, một thỏa thuận đã được ký kết giữa đại diện của 4 bên bao gồm:
- Những người chăn nuôi.
- Ngành công nghiệp thịt heo.
- Tổ chức phi chính phủ về quyền lợi động vật.
- Ủy ban châu Âu.
Với nội dung là ngăn chặn, xóa bỏ hành động thiến heo con trên toàn châu Âu vào năm 2018.
Chúng tôi muốn nhắc lại rằng đây là một mục tiêu chứ không phải là sự áp đặt. Để đạt được mục tiêu này, một loạt các biện pháp đã được nghiên cứu và ứng dụng. Trong đó đặc biệt là việc phát triển một phương pháp hiệu quả để phát hiện những phần thịt heo có mùi hôi tại các lò mổ.
Nếu bộ luật này được ban hành thì đây sẽ là một thách thức cực kỳ lớn đối với ngành chăn nuôi châu Âu vì hiện tại, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu thịt heo của châu Âu là vào thị trường châu Á. Mà thị trường này lại chỉ chấp nhận thịt heo nái hoặc là heo đực đã thiến bởi vì người tiêu dùng tại thị trường này có cảm giác về mùi vị rất tốt.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy các mục tiêu đề ra là không thể đạt được nên các nhà sản xuất thịt heo châu Âu đã tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình và Ủy ban châu Âu thì nhận định rằng nó không phải là một vấn đề quá quan trọng nên tạm thời sẽ không có bất kỳ thay đổi nào về mặt pháp luật cho việc thiến heo con.
Nghĩa là vẫn cho phép thiến heo con trong vòng từ 0-7 ngày tuổi nhưng bắt buộc thao tác phải được thực hiện bởi các bác sỹ thú y hoặc những người đã qua đào tạo và quá trình thiến bắt buộc phải sử dụng thuốc gây mê và giảm đau kéo dài.
2. Cắt đuôi.
Như chúng ta đã biết, trong cùng điều kiện môi trường nuôi thì heo được cắt đuôi sẽ có khả năng tăng trọng cao hơn heo không được cắt đuôi vì vậy nên từ trước tới giờ người ta vẫn thường cắt đuôi từ khi heo còn nhỏ nhằm không ảnh hưởng đến tăng trọng của heo.
Để đảm bảo quyền lợi động vật, Ủy ban châu Âu đang ưu tiên việc sử dụng các biện pháp thay thế khác cho việc cắt đuôi. Tuy nhiên muốn hoàn toàn xóa bỏ việc này ít nhất cũng cần tới 3 năm nữa.
Việc kiểm tra tại cơ sở giết mổ sẽ bắt đầu vào cuối năm 2017, vì vậy tất cả các nhà sản xuất cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho thay đổi này.
3. Khí thải trong chăn nuôi và sản xuất thịt heo.
Lượng khí thải xả vào khí quyển đã được quy định rõ và Ủy ban châu Âu sẽ kiểm soát chặt chẽ trong thời gian tới. Các khu vực có nguy cơ bị kiểm soát cao nhất là khu sản xuất gia súc bởi vì lượng khí thải xả ra từ đó chiếm tới 50% so với toàn ngành nông nghiệp nói chung. Riêng ngành chăn nuôi và sản xuất thịt heo chiếm 10% cũng là tâm điểm của sự chú ý.
Có thể các trang trại không có cây xanh đủ tiêu chuẩn sẽ phải điều chỉnh lại vì có liên quan đến lượng khí thải carbonic. Lượng khí Amoniac thải ra từ các trại heo cũng đang là một vấn đề cần lưu ý.
4. Bệnh sốt heo châu phi.
Dịch sốt heo châu phi (ASF) bắt đầu xuất hiện ở châu Âu vào tháng giêng năm 2014 từ những con heo rừng hoang dã thuộc đất nước Lithuania, khu vực Bắc Âu. Sau đó bắt đầu lan rộng vào tháng 2 năm 2014 ra toàn lãnh thổ các nước thuộc khu vực Baltic và nước láng giềng Ba Lan.
Gần như toàn bộ heo trong khu vực đều bị nhiễm bệnh, ban đầu là ở các trang trại gia đình và sau đó lây lan sang các trang trại chăn nuôi heo công nghiệp.
Ủy ban châu đã làm gì trước tình hình này? Như những gì chúng ta thấy trong bản đồ ở trên thì hiện nay, dịch bệnh đang bùng phát mạnh tại Ba Lan. Nơi mà các trang trại chăn nuôi heo đều nằm trong khu vực được giám sát chặt chẽ và không thể xuất khẩu được thịt heo ra ngoài.
Các trang trại tại đây cũng đang phàn nàn rằng các lò mổ chỉ trả cho họ cái giá rất bèo bọt là ít hơn 0,3-0,4 bảng anh/kg (tương đương 85000-114000 vnđ/kg) trong khi chính phủ không giúp gì được cho họ .
Để gây áp lực lên Ủy ban nhằm thúc đẩy các biện pháp hiệu quả và nhanh chóng hơn để diệt trừ ASF ở Balan và các nước Baltic, một hội nghị cấp cao tại Berlin đã được lên kế hoạch vào ngày 20 tháng 1. Với sự góp mặt của Tiến sĩ Andriukatis, ủy viên ban y tế và an toàn thực phẩm. Tại đây, các nhà chăn nuôi và sản xuất thịt heo sẽ yêu cầu câu trả lời cụ thể và những hành động ngay lập tức mà Ủy ban châu Âu có thể làm cho họ.
VietDVM team biên dịch.
Theo: pig333