Chúng tôi nhận được nhiều thắc mắc của các bạn về các vấn đề quanh việc chăm sóc mèo. Sau đây là 6 vấn đề ở tai thường gặp nhất trên mèo được các bạn thắc mắc nhiều nhất mà VietDVM.com tổng hợp lại
1. Nhiễm trùng tai ngoài ở mèo
Nhiễm khuẩn và nấm ở tai ngoài ở mèo gặp khá thường xuyên.Triệu chứng dễ nhận biết nhất là cào và lắc đầu. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ nhận ra một số khác biệt. Nhiễm trùng tai thường làm cho tai mèo đỏ và sưng lên nhiều hơn và trong tai thường có mùi hôi.
Việc chẩn đoán cần được soi bằng kính hiển vi để xác định xem nấm hay vi khuẩn. Sau đó kiểm tra xem mức độ nghiêm trọng của bệnh sau đó sẽ có phương pháp điều trị thích hợp: Làm sạch tai, thuốc bôi ngoài dam thuốc chống nhiễm khuẩn, giảm đau (nếu cần thiết) ...
2. Nhiễm trùng tai giữa và tai trong ở mèo
Trường hợp này ít gặp hơn trên mèo và thường bị sau khi nhiễm trùng tai ngoài, và lan vào sâu bên trong.
Các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí và mức độ bị nhiễm trùng. Biểu hiện dễ dàng nhận thấy nhất là lắc đầu, gãi tai sâu bên trong, nghiêng đầu một phía, giảm ăn, nheo mắt, cử động bất thường, đi không vững hoặc nghe kém.
Kết hợp vào các chiệu trứng khác và khám sức khỏe của mèo có thể phải can thiệp chụp X-quang hoặc chụp CT để xác định vị trí và nguyên nhân
Điều trị bằng dùng kháng sinh toàn thân, thuốc bôi và có thể phải can thiệp phẫu thuật.
3. Ký sinh trùng trong tai mèo
Một số loại ký sinh trùng: ve, mạt, ghẻ thích sống xung quanh đầu và tai của mèo. Chúng gây ngứa ngáy và khó chịu. Sau một thời gian mèo gãi nhiều gây hiện tượng xước da, chảy máu. Đây chính là cơ hội để mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là mèo ngứa ngáy, da dày lên có vảy xung quanh vùng bị ngứa.
Cần xác định rõ nguyên nhân (nhờ kính hiển vi) để có phác đồ điều trị tùy từng loại ký sinh trùng hợp lý.
4. Vật lạ trong và ngoài tai mèo
Việc kiểm soát mèo của bạn là tương đối khó khăn, đặc biệt là ở tỉnh lẻ và nông thôn. Nên việc mèo có dị vật trong tai cũng không khó hiểu lắm.
Biểu hiện thường là lắc đầu, cọ vào tai, đôi khi ta có thể nhìn thấy rõ dị vật trong tai mèo.
Xử lý trường hợp này cần khéo léo, kiểm tra xem đó là vật gì. Nên sử dụng nhíp nhẹ nhàng lấy chúng ra, tránh tình trạng chúng rơi sâu vào phía trong tai gây nguy hiểm cho mèo của bạn.
5. Chấn thương tai ở mèo
Việc di chuyển qua lại của mèo hoặc chơi đùa hay đánh nhau với con mèo khác rất dễ gây tổn thương cho mèo của bạn (vết cắn, vế trầy xước). Đôi khi ta có thể thấy vết rách hoặc nứt. Các vết thương này rất dễ gây nhiễm trùng sau đó.
Khi phát hiện các vết thương hở này trên mèo, ta nên khử trùng (có thể sử dụng pv-iodin) với vết thương nhẹ. Với vết thương sâu, vết thương nặng, bạn nên mang tới bác sỹ thú y để can thiệp ngoại khoa.
6. Dị ứng ở mèo gây ngứa tai
Nghe có vẻ lạ và chưa gặp bao giờ, nhưng thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp mèo bị dị ứng, đặc biệt lại là dị ứng thức ăn. Mèo thường bị ngứa xung quanh khu vực đầu và tai.
Nếu mèo bị ngứa tai mà không tìm thấy 5 nguyên nhân ở trên thì bạn có thể nghĩ tới trường hợp này, mèo bị dị ứng (thường thì do thức ăn). Bạn nên thay đổi khẩu phần ăn khác để rõ ràng hơn về nguyên nhân gây dị ứng.
Tất nhiên là ngoài thức ăn còn một số nguyên nhân khác nữa, nhưng thường gặp nhất vẫn là do thức ăn.
VietDVM.com chia sẻ tới các bạn thông tin về 6 trường hợp bệnh thường gặp nhất ở tai của mèo. VietDVM.com hy vọng các thông tin trên có thể hỗ trợ các bạn trong các trường hợp thực tiễn giúp việc nuôi mèo trở nên dễ dàng hơn
VietDVM.Team