Chăn nuôi chỉ thành công khi ta có con giống tốt, khỏe mạnh và vận chuyển chúng an toàn về đến trang trại. Thông thường hiện nay, đa phần người chăn nuôi đều không mấy quan tâm tới vấn đề này, thay vào đó họ chọn các nhà cung cấp giống gà con uy tín trên thị trường làm giúp họ khâu chọn giống gà con và vận chuyển.
»› Xem thêm: Kỹ thuật úm gà trong giai đoạn 1-28 ngày tuổi
»› Xem thêm: Những lưu ý trước khi vào gà
Vậy tại sao VietDVM.com lại khuyến cáo ít nhất bạn nên biết cách làm thế nào để chọn được những con gà con khỏe, đẹp, đúng ý và biết khi vận chuyển gà con cần lưu ý những gì?
Bởi vì đây là công việc kinh doanh của bạn. Có thể bạn không trực tiếp làm tất cả các khâu nhưng khi bạn có kiến thức càng đầy đủ, chi tiết, bạn sẽ càng chủ động trong quá trình chăn nuôi hơn. Bạn sẽ biết cách làm thế nào để việc kinh doanh của bạn tốt lên hay làm gì khi trang trại của bạn có vấn đề xảy ra.
Gà con sau khi nở sẽ được tiến hành chọn lọc và phân loại thành gà loại 1 và loại 2. Mặc dù đây là công việc của các trại giống nhưng bản thân là người đi mua gà và là các chủ trang trại chăn nuôi gà, chúng ta cũng nên nắm được những thông tin này để biết gà giống mình mua là gà loại nào.
Thế nào là gà con loại một, loại hai?
Gà con loại một là những gà con đạt các tiêu chuẩn như sau:
- Chân đứng vững, thẳng, nhanh nhẹn, các ngón chân thẳng, không cong vẹo.
- Gà con có mắt tròn, sáng.
- Lông đều, bông, khô, sạch. Màu lông đúng màu chuẩn của giống, dòng (điều này chỉ là tương đối vì đôi khi trong thực tế màu lông gà con khác hoàn toàn với khi chúng trửng thành).
- Mỏ lành lặn, đều, không bị lệch, vẹo, dị hình.
- Rốn gà con khô và khép kín, không bị viêm.
- Bụng thon, mềm.
- Khối lượng gà phải đạt:
* ≥ 32g đối với gà con thương phẩm.
* ≥ 34g đối với gà thay thế đàn bố mẹ.
* ≥ 36g đối với gà con thay thế đàn ông bà và đàn thuần chủng.
Toàn bộ những gà không đạt một trong các tiêu chuẩn trên là gà con loại hai.
Hướng dẫn cách chọn và phân loại gà con loại một và loại hai.
Trước khi chọn gà phải rửa tay bằng dung dịch Desinfectol 4cc/lit và lau khô.
Trên bàn chọn gà con ở giữa trải 1 tấm khăn, xung quanh có khung gỗ để gà khỏi chạy ra ngoài khi chọn. Một bên khung đặt hộp gà con chưa chọn, bên kia đặt hộp đựng gà con loại 1. Dưới gầm bàn đặt hộp đựng gà con loại 2.
- Chọn gà phải làm cẩn thận, nhẹ nhàng. Mỗi tay chỉ bắt một con để chọn. Bắt gà con sao cho đầu gà hướng về cổ tay, lưng áp vào lòng bàn tay, bụng ngửa lên.
- Dùng ngón tay cái và ngón giữa bóp nhẹ vào bụng gà con xem cứng hay mềm. Mắt quan sát chân, mỏ của gà con có bị dị tật không, rốn có hở không…Nếu rốn bị lông che kín không nhìn rõ thì có thể dùng ngón tay trỏ sờ vào rốn để kiểm tra.
- Thả gà con vào trong khung gỗ kiểm tra xem gà con có đứng vững không, đi lại có bình thường không đồng thời xem lại gà con có bị dị tật nữa không.
- Gà đủ tiêu chuẩn giống thì bỏ vào hộp đựng gà con loại 1, mỗi ngăn hộp chứa 25 con. Khi hộp đủ 100 con thì đậy nắp và điền mọi số liệu vào mác hộp gà. Sau đó xếp hộp lên xe chở hộp gà con.
Vận chuyển gà con.
Vận chuyển gà con là khâu vô cùng quan trọng. Nếu khâu vận chuyển chúng ta làm không tốt, gần như toàn bộ các việc khác bao gồm cả việc chọn giống như trên cũng đều vô nghĩa. Nó quyết định cả tốc độ tăng trọng cũng như tình trạng sức khỏe của cả đàn gà về sau.
Dưới đây là 10 khuyến cáo giành riêng cho những người vận chuyển gà con, những công ty cung cấp giống và những người chăn nuôi mua con giống:
1. Thời gian di chuyển của gà con từ khi nở đến trang trại chăn nuôi không nên quá 48 giờ. Tốt nhất nên vận chuyển gà con vào thời gian mát nhất trong ngày, vào sáng sớm hoặc chiều muộn.
2. Đánh giá hiệu quả của quá trình vận chuyển chỉ với số lượng gà con chết khi đến nơi là cách đánh giá không đầy đủ, không chính xác.
3. Chỉ chọn những chiếc xe vận chuyển đáng tin cậy. Tức là những chiếc xe đã được thử nghiệm và chứng minh trong thực tế rằng chúng có thể vận chuyển và cung cấp gà con có chất lượng tốt.
4. Đảm bảo 100% xe vận chuyển được khử trùng đúng cách trước khi đưa gà con lên xe.
5. Duy trì nhiệt độ 32-35°C trong hộp gà bằng cách tối ưu hóa cả nhiệt độ không khí tuần hoàn và vận tốc của nó trong thùng xe (có thể tìm các giải pháp làm mát nhiệt độ trong thùng xe).
6. Nên cung cấp một chút dinh dưỡng ngoài (nước, điện giải, vitamin…) hỗ trợ cho gà con trong quá trình vận chuyển để đảm bảo sức khỏe cho gà.
7. Quá trình bốc dỡ gà con nên được tiến hành nhanh nhất có thể.
8. Sử dụng cấu trúc xếp chồng và khoảng cách thích hợp giữa các hộp gà con để đảm bảo thông gió phù hợp trong quá trình vận chuyển.
9. Điều chỉnh số lượng gà con trong mỗi hộp nếu nhiệt độ tối ưu bên trong hộp gà không thể đạt được do hạn chế về thiết bị vận chuyển.
10. Đảm bảo rằng lái xe được đào tạo và tinh thần tốt. Tính chuyên nghiệp của họ đóng góp đáng kể cho việc vận chuyển gà con tốt nhất.
Tóm lại, chăn nuôi muốn thành công nhất định không được bỏ qua những chi tiết nhỏ. Có thể ta không phải trực tiếp làm những công việc như chọn giống gà con hay vận chuyển gà nhưng ta nên hiểu biết về những việc đó để quản trị rủi ro tốt hơn trong quá trình chăn nuôi.
VietDVM.com hy vọng những thông tin trên có thể giúp ích được cho quý độc giả trong quá trình chăn nuôi, quản lý trang trại.
VietDVM team.