Trong những bài viết trước, chúng tôi đã cung cấp cho quý độc giả và bà con chăn nuôi một số thông tin liên quan đến chất độn chuồngđộn chuồng như vai trò, tiêu chuẩn, phân loại và cách làm thế nào để chọn được lớp chất độn chuồng thích hợp với điều kiện trang trại mình.
Tuy nhiên, để chất độn chuồng phát huy hết tác dụng thậm chí không gây ảnh hưởng xấu lên vật nuôi thì đòi hỏi người chăn nuôi trong quá trình sử dụng phải biết cách quản lý hợp lý.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng lớp chất độn chuồng chăn nuôi gà?
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ ẩm của chuồng chăn nuôi gà nói chung và lớp chất độn chuồng nói riêng như:
Lớp chất chất độn chuồng không được phơi khô ráo ngay từ đầu mà đã sử dụng.
Chế độ dinh dưỡng của đàn gà; ví dụ một số thành phần trong thức ăn như muối nếu cho ăn nhiều quá sẽ khiến gà thải ra một lượng nước lớn hơn bình thường làm ướt chất độn chuồng.
Ngoài ra một số loại thuốc cũng làm dư thừa nước trong cơ thể gà và bài tiết ra ngoài.
Các điều kiện môi trường như thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều, nhiệt độ xuống thấp cũng có thể gây ra ẩm ướt nếu hệ thống thông gió của trại chăn nuôi gà không thể giúp làm khô lớp chất độn chuồng nhanh chóng.
Đường ống dẫn nước uống, hệ thống phun sương và làm mát nếu không được quản lý và sử dụng cẩn thận cũng là những nguyên nhân làm ướt chất độn chuồng.
Một số biện pháp quản lý đảm bảo chất lượng cho lớp chất độn chuồng.
Chuẩn bị chuồng trại chăn nuôi gà thích hợp để giải phóng amoniac bị mắc kẹt trong lớp chất độn chuồng là việc làm cần thiết nhất để giảm thiểu sự tích tụ amoniac trong chuồng nuôi. Để giải quyết bài toán trên bạn cần khởi động hệ thống thông gió và đèn sưởi ấm trước khi gà con về trại khoảng 24-48h.
Có thể cần phải tăng độ thông khí tối thiểu trong vài tuần đầu của lứa gà nếu nồng độ amoniac quá cao. Sử dụng quạt thông gió để lưu thông không khí trong trại. Quạt hút giúp làm khô bằng cách hút không khí ấm (có thể giữ độ ẩm) trên trần nhà xuống sàn nhà.
Đừng ngại tăng thêm nhiệt cho chuồng nuôi để dễ dàng loại bỏ hơi nước. Khi không khí ấm lên, khả năng giữ độ ẩm tăng. Sự kết hợp giữa nhiệt độ ấm và thông gió tốt sẽ giúp loại bỏ độ ẩm đáng kể ra khỏi chuồng chăn nuôi gà.
Kiểm tra và quản lý hệ thống ống dẫn nước để tránh rò rỉ và làm tăng độ ẩm của lớp chất độn chuồng. Điều chỉnh chiều cao của đường ống và áp suất nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà để tránh lãng phí nước quá mức và ướt lớp chất độn chuồng.
Nếu có hiện tượng nước rò rỉ hoặc đổ tràn ra nền, chúng ta cần loại bỏ ngay lớp chất độn chuồng trong vùng đó và thay bằng lớp mới khô ráo, sạch sẽ hơn.
Nếu thấy lớp chất độn chuồng bị vón cục, đóng bánh lại với nhau, tốt nhất là loại bỏ những phần vón cục đó ra vì nếu để lại chúng sẽ là nguyên nhân làm gia tăng lượng amoniac được thải ra trong chuồng chăn nuôi gà.
Đảm bảo không có hơi nước xâm nhập từ bên ngoài. Kiểm tra thường xuyên hệ thống thoát nước xung quanh chuồng nuôi để chắc chắn nước mưa không đọng lại và gây ẩm ướt lớp chất độn chuồng.
Như vậy, để lớp chất độn chuồng phát huy tối đa tác dụng, ta cần phải có các biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả. Nếu không ngược trở lại, chúng sẽ gây ảnh hưởng xấu lên quá trình chăn nuôi gà và dẫn đến những thiệt hại kinh tế vô cùng to lớn.
VietDVM team