Như đã nói trong bài viết phần 1 lần trước về kiểm soát APP cấp tính (hay còn gọi là bệnh viêm phổi màng phổi, viêm phổi dính sườn), hầu hết mọi trang trại chăn nuôi heo tại Việt Nam hiện nay đều có heo nhiễm bệnh viêm phổi dính sườn và đa phần là ở thể mãn tính.
Bởi vậy, bài viết lần này sẽ chỉ tập trung chủ yếu vào các tác động lâu dài đã thành mãn tính mà Actinobacillus pleuropneumoniae (APP) gây ra trên đàn heo và cách kiểm soát chúng.
Các trường hợp bệnh viêm phổi dính sườn thường gặp trong thực tế.
Sau một đợt bùng phát dịch viêm phổi dính sườn cấp tính, đa phần mầm bệnh vẫn còn lưu cữu trong trại và gây bệnh mãn tính trên vật nuôi. Một số trường hợp có thể xảy ra trong thực tế sau khi vụ dịch cấp tính kết thúc như sau:
1. Bệnh biến mất mà không có dấu hiệu lâm sàng hoặc bệnh mãn tính nào.
2. Nhiễm khuẩn APP có thể giảm nhưng thỉnh thoảng vẫn có trường hợp cấp tính bùng phát.
3. Viêm phổi dính sườn trở thành một phần trong phức hợp các bệnh hô hấp trên heo tồn tại trong trại đặc biệt là kết hợp với Mycoplasma hyopneumoniae (suyễn heo) hay bệnh tai xanh (PRRS).
Trường hợp này xuất hiện nhiều nhất trong các đàn có sức khỏe yếu hoặc những đàn có mật độ chăn nuôi dày đặc trong thời gian dài liên tục, những đàn nuôi trộn lẫn heo của nhiều lứa tuổi khác nhau và những đàn có vấn đề trong quản lý tiểu khí hậu chuồng nuôi.
4. Bệnh viêm phổi dính sườn mãn tính có thể xảy ra trên một số cá thể heo hoặc nhiều hơn trong đàn. Thông thường bệnh sẽ ngày càng gia tăng khi heo trên 10 tuần tuổi và thỉnh thoảng có một số biểu hiện triệu chứng lâm sàng như khó thở, thở kiểu chó ngồi, ho, giảm tăng trọng, tăng tỷ lệ chết.
Tại lò mổ, chúng ta có thể quan sát rõ các bệnh tích điển hình của viêm phổi dính sườn mãn tính như việc phổi và màng phổi dính với sườn như trong hình bên dưới.
Nguyên lý kiểm soát viêm phổi dính sườn mãn tính.
Dịch tễ học của APP mãn tính có tính chu kỳ. Nghĩa là thông thường mầm bệnh bắt nguồn từ heo nái giống truyền trực tiếp sang cho heo con và đến khi heo con khoảng 9-12 tuần tuổi, mầm bệnh mới bắt đầu nhân lên, gây bệnh cho heo. Sau đó heo bệnh tiếp tục bài tiết vi khuẩn ra môi trường → lây nhiễm cho heo con và heo nái khác → cứ như vậy lặp đi lặp lại tuần hoàn trong trại nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Chính vì vậy mà nguyên tắc kiểm soát viêm phổi dính sườn là dựa trên cơ sở của việc phá vỡ chu kỳ lây bệnh của nó. Nghĩa là loại bỏ mầm bệnh có trong heo nái (nơi mà mầm bệnh không có bất kỳ biểu hiện nào trên con vật) và ngăn chặn sự lây nhiễm mầm bệnh giữa các đối tượng, lứa tuổi heo con khác nhau.
Chiến lược và các biện pháp cụ thể kiểm soát viêm phổi dính sườn.
Chiến lược kiểm soát viêm phổi dính sườn phụ thuộc vào hệ thống quản lý tại chỗ, với các biện pháp như cùng vào cùng ra, kích thích đẻ đồng loạt sẽ giúp kiểm soát mầm bệnh tốt hơn.
Thách thức lớn nhất được biết đến chính là sự lan truyền một cách rộng rãi và rất khó kiểm soát của mầm bệnh trong chu trình tiếp xúc giữa heo nái với heo con.
Các biện pháp hạn chế mầm bệnh viêm phổi dính sườn tốt nhất bao gồm:
• Giảm mật độ chuồng nuôi.
• Khử trùng, làm sạch các mầm bệnh tự do trong trại.
• Kiểm soát sự nhân lên của mầm bệnh bằng thuốc.
- Diệt mầm bệnh trong cơ thể heo con ngay từ lúc cai sữa bằng một số loại kháng sinh như tulathromycin, ceftiofur hoặc fluorquinolones.
- Kết hợp với ức chế mầm bệnh trong cơ thể heo nái bằng cách trộn kháng sinh tilmicosin vào trong thức ăn heo nái trong một liệu trình kéo dài tùy từng trường hợp.
• Cuối cùng, các biện pháp trên chỉ có thể giúp hạn chế mầm bệnh bùng phát và gây bệnh chứ chưa có trường hợp nào chứng minh là có thể loại bỏ được hoàn toàn mầm bệnh viêm phổi dính sườn mãn tính lây truyền từ heo nái sang heo con trong trại.
Nhìn chung, xét về góc độ kinh tế thì việc kiểm soát APP mãn tính nên được tiến hành một cách bài bản bắt đầu từ khâu theo dõi đánh giá, chấm điểm phổi cho heo tại lò mổ để biết mức độ nặng nhẹ của bệnh từ đó có các biện pháp phòng bệnh hợp lý với điều kiện kinh tế, địa lý, môi trường của trang trại mình.
Trong một số trường hợp bệnh xuất hiện với cường độ nghiêm trọng, ta có thể dùng một số loại kháng sinh có tác động nhanh tiêm trực tiếp vào heo bệnh đồng thời trộn vào trong cám cho heo ăn. Ví dụ như: trộn kháng sinh tilmicosin vào cám 2 tuần liên tục đồng thời tiêm tulathromycin hoặc metaphylactically cho từng cá thể heo hay trường hợp gấp hơn có thể tiêm tiamulin. Tuy nhiên, kiểm soát mầm bệnh bằng thuốc kháng sinh về lâu về dài không phải là một giải pháp được ưu tiên.
Kiểm soát viêm phổi dính sườn bằng vaccine phòng bệnh.
Thực tế đã chứng minh, kiểm soát APP bằng vaccine mang lại hiệu quả khá tốt. Tuy nhiên tiêm chủng như thế nào cho đúng cách, phát huy tác dụng tốt nhất thì không phải ai cũng nắm được.
Tùy thuộc thời điểm bùng phát các triệu chứng bệnh tích của heo mà ta có thể tính thời điểm làm vaccine cho phù hợp với trại mình. Cụ thể, ta phải tiêm vaccine trước thời điểm heo xuất hiện các triệu chứng bệnh tích của viêm phổi dính sườn để vaccine có thời gian phát huy tác dụng.
Ví dụ như: nếu bệnh bùng phát thành triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài lúc heo nhà bạn 12 tuần tuổi thì thời điểm tiêm mũi vaccine thứ 2 là trước đó 3 tuần (lúc heo 9 tuần tuổi) và mũi thứ nhất trước mũi thứ 2 ba tuần (tức là lúc heo được 6 tuần tuổi).
VietDVM team biên dịch
theo pig333