Bệnh sẩy thai truyền nhiễm trên heo là bệnh do vi khuẩn Brucella suis (B.suis) gây ra. Có 5 chủng vi khuẩn gây bệnh khác nhau với các biểu hiện triệu chứng bệnh khác nhau.
Hầu hết những nơi có heo nhiễm bệnh trên thế giới đều chủ yếu do chủng số 1 và 3 gây ra, ở châu Âu chủng gây bệnh thường là chủng số 2. Chủng 2 chủ yếu gây bệnh trên động vật hoang dã, mà đặc biệt là thỏ rừng và thường được tìm thấy ở phía bắc và trung tâm châu Âu. Trong trường hợp đó, thỏ rừng chính là nguồn lây bệnh trên heo.
Chủng số 4 gây bệnh trên động vật hoang dã. Thường được tìm thấy trên cơ thể của tuần lộc ở các vùng như Siberia, Alaska và Canada. Chủng này thường không gây bệnh trên heo. Các trường hợp người nhiễm vi khuẩn Brucella chủng số 4 đều không phải lây nhiễm từ heo.
Tại sao bạn nên quan tâm tới bệnh sảy thai truyền nhiễm do Brucella trên heo?
Trên động vật mà cụ thể là heo, dù bệnh không lây lan nhanh nhưng lại gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn. Tại sao vậy? khi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể heo đực mà đặc biệt là vào trong tinh dịch heo đực thì toàn bộ heo nái được thụ tinh nhân tạo bằng tinh trùng của heo đực nhiễm bệnh đó sẽ nhiễm bệnh. Tỷ lệ sẩy thai tăng cao trong đàn gây ra những thiệt hại không hề nhỏ. Đó là chưa kể những thiệt hại do việc phải loại bỏ hết những heo đực, nái nhiễm bệnh.
Ngoài ra, bệnh còn có khả năng lây nhiễm sang người, gây ra những triệu chứng bệnh rất nặng ảnh hưởng tới thần kinh và sinh sản của người bệnh một cách nghiêm trọng (cụ thể ở phần dưới). hơn nữa, cho đến hiện nay, người ta vẫn chưa có biện pháp nào có thể khắc chế được mầm bệnh trên người.
Dấu hiệu lâm sàng của bệnh sẩy thai truyền nhiễm trên heo.
Dấu hiệu xuất hiện sớm nhất thường là một vài con heo nái bị hỏng thai. Những heo khác trong trại (heo thịt, heo đực, heo con) đều không bị ảnh hưởng gì. Nếu những ca bệnh sẩy thai truyền nhiễm xảy ra rải rác, không nhiều thì thường rất khó phát hiện bệnh, đặc biệt là đối với những heo nái được nuôi ngoài trời và nuôi theo kiểu chuồng tự do (heo nái có thể di chuyển tự do trong một khoảng không gian nhất định).
Một dấu hiệu nữa được ghi nhận là hiện tượng chất thải chảy ra từ âm đạo nhiều một cách bất thường. Hiện tượng này sẽ xuất hiện sau khi giao phối 30-35 ngày nếu heo lây nhiễm bệnh từ heo khác trong đàn.
Heo nái nhiễm bệnh trong khi giao phối. Khi đó, việc sẩy thai có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Mầm bệnh lây nhiễm cho heo nái khỏe mạnh thông qua tinh dịch của heo đực, chất thải của heo bệnh hoặc từ các dụng cụ, vật liệu nhiễm bệnh.
Trong cơ thể heo đực, B.suis có xu hướng cư trú trong tinh hoàn heo đực hoặc các tuyến sinh dục phụ của heo đực và sau đó di chuyển vào trong tinh dịch và ở đó trong một thời gian dài. Heo nái nhiễm bệnh sảy thai truyền nhiễm khi giao phối trực tiếp với heo đực đó hoặc thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng của heo đực đó. Điều này dẫn đến một tỷ lệ hỏng thai sớm khá nhiều. Các nhiễm trùng trên đường sinh sản của heo nái có thể được loại bỏ dễ dàng nhưng ngược lại, một khi vi khuẩn đã xâm nhập vào tinh trùng heo đực thì rất khó bị loại bỏ - điều này gây ra những thiệt hại vô cùng lớn cho bất kỳ trang trại nào mắc phải.
Sau khi nhiễm bệnh, một số heo đực có biểu hiện tinh hoàn sưng to. Một vài con bắt đầu tê liệt do nhiễm trùng lan sang cột sống. Một số khác thì khập khiễng, viêm khớp.
Bệnh sảy thai truyền nhiếm có tỷ lệ tử vong thấp và lây lan chậm nhưng thiệt hại lâu dài và tiềm ẩn mà nó để lại là vô cùng lớn.
Chẩn đoán bệnh sẩy thai truyền nhiễm trên heo.
Khi heo trong đàn xuất hiện các biểu hiện đồng thời như sẩy thai, âm đạo chảy dịch, tinh hoàn sưng to, heo què, heo choai bị liệt… là lúc ta nên lấy mẫu và tiến hành xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để khẳng định có hay không mầm bệnh nguy hiểm này trong đàn heo nhà mình.
Phương pháp chẩn đoán bệnh sảy thai truyền nhiễm trên heo hiệu quả nhất là nuôi cấy và xác định vi khuẩn trong môi trường chọn lọc. Bệnh phẩm được dùng nuôi cấy có thể là bào thai bị sẩy, tinh dịch, tinh hoàn và các bộ phận phụ trong hệ thống đường sinh dục heo, các hạch bạch huyết, dịch khớp bị sưng, và máu (trong thời gian đầu khi mầm bệnh mới xâm nhập, ta có thể tìm thấy vi khuẩn trong máu heo).
Một loạt các xét nghiệm huyết thanh học có thể được thực hiện trên các mẫu máu bao gồm các xét nghiệm gắn kết kết hợp và bổ sung, ELISAs, nuôi cấy trên thạch đĩa…để tìm kiếm vi khuẩn gây bệnh sẩy thai truyền nhiễm.
Trong quá trình xét nghiệm, cả hai kết quả dương tính giả và âm tính giả đều có thể xảy ra, đó là lý do tại sao bạn cần xét nghiệm máu của ít nhất 10 heo nái và heo đực để cho kết quả chính xác hơn.
Nghĩa là, các xét nghiệm huyết thanh học không đáng tin cậy nếu chỉ tiến hành xét nghiệm trên một cá thể. Thay vào đó, nên xét nghiệm cả đàn để cho kết quả chính xác.
Tuyệt đối không mổ heo nhiễm bệnh sảy thai truyền nhiễm Brucella sau khi chết.
Việc mổ một con heo bị bệnh sẩy thai truyền nhiễm đã chết để tìm kiếm các bệnh tích cũng như dấu hiệu của bệnh là một việc vô cùng nguy hiểm. Trong giai đoạn đầu của bệnh, vi khuẩn có mặt khắp nơi trong cơ thể. Ngay cả giai đoạn sau, mầm bệnh cũng đầy rẫy khắp nơi trong cơ thể heo bệnh và nó có thể lây lan sang cho người mổ qua các vết cắt nhỏ và trầy xước trên tay hoặc chỉ cần mầm bệnh vô tình tiếp xúc với mắt, miệng của bạn thôi.
Điều trị bệnh sảy thai truyền nhiễm trên heo do Brucella thế nào?
- Việc điều trị bằng kháng sinh không có hiệu quả đối với bệnh sẩy thai truyền nhiễm do B.suis. Khi heo nhiễm vi khuẩn, tốt nhất ta nên tiêu hủy (việc này ở một số quốc gia là việc làm bắt buộc).
- Một cách làm khác nữa là tiến hành xét nghiệm máu cho cả đàn và loại bỏ những con có kết quả kiểm tra dương tính. Tuy nhiên cách làm này chỉ phù hợp khi số heo nhiễm bệnh không nhiều.
Quản lý đàn và phòng bệnh sảy thai truyền nhiễm trên heo
Phòng bệnh bằng tiêm chủng.
Các vaccine Brucella cho gia súc thì không có tác dụng đối với heo. Tỷ lệ bệnh thấp nên việc đầu tư nghiên cứu vaccine cho riêng bệnh này là không phù hợp.
Chương trình kiểm soát quốc gia hoặc khu vực.
Hiện có một số quốc gia trong đó có cả Mỹ đang tiến hành các chiến dịch dài hơi nhằm loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh sẩy thai truyền nhiễm do B.suis ra khỏi lãnh thổ.
Biện pháp phòng ngừa sảy thai truyền nhiễm chủ động tại trang trại.
- Nếu đàn heo nhà bạn chưa nhiễm bệnh sẩy thai truyền nhiễm do B.suis, bạn nên chú ý thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh an toàn sinh học theo quy chuẩn của mỗi quóc gia.
- Bệnh chủ yếu lây lan thông qua tiếp xúc với heo ốm, thông qua đường giao phối trực tiếp hoặc thụ tinh nhân tạo nên chỉ cần ta kiểm soát tốt các khâu này (cách ly những heo nghi ngờ bị bệnh, đảm bảo heo đực sạch bệnh trước khi khai thác).
- Loại bỏ toàn bộ những “nguy cơ” như dịch tiết âm đạo, heo con chết, những thức ăn hay vật dụng đã qua tiếp xúc với heo bệnh.
- Tránh sự tiếp xúc giữa vùng da tổn thương với mầm bệnh.
- Thông thường, âm đạo của heo nái sẽ có hiện tượng chảy dịch sau khi sảy thai khoảng 30 ngày hoặc lâu hơn → lưu ý để phòng ngừa cho tốt.
- Heo nái cho con bú nếu nhiễm bệnh cũng có thể lây bệnh cho heo con thông qua sữa.
- Vi khuẩn Brucella Suis không truyền lây trong gió mà truyền lây trực tiếp thông qua tiếp xúc nên hiệu quả của việc phòng bệnh phụ thuộc rất nhiều vào khả năng ngăn ngừa sự tiếp xúc trực tiếp giữa heo khỏe và heo bệnh.
Bệnh bệnh sẩy thai truyền nhiễm do B.suis nguy hiểm với con người như thế nào?
Brucella trên người hay còn gọi là “sốt undulant” là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm và khó điều trị. Người bệnh sau khi nhiễm trùng sẽ bị tấn công lâm sàng trong nhiều năm và gây ra các triệu chứng như: đau đầu nặng, viêm màng não, tổn thương thần kinh, trầm cảm và thiếu năng lượng, tinh hoàn bị tổn thương và tính cách bắt đầu thay đổi.
Do đó, nếu đàn heo đã bị nhiễm bệnh sẩy thai truyền nhiễm do B.suis, bạn nên tuyệt đối tuân thủ các quy định phòng bệnh cho người trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc, chăn nuôi.
Biện pháp phòng ngừa cụ thể dành cho người tiếp xúc trực tiếp với heo bị bệnh sẩy thai truyền nhiễm do B.suis.
- Mặc quần áo bảo hộ khi vào trại. khi ra trại thì cởi bỏ quần áo bảo hộ và rửa tay trước khi ăn.
- Đeo găng tay cao su khi tiếp xúc với heo bị bệnh sẩy thai truyền nhiễm do B.suis hoặc các chất thải chứa mầm bệnh.
- Bảo vệ mắt, tránh việc mầm bệnh vô tình bắn vào mắt.
- Không dùng tay chạm vào mắt, miệng khi đang làm việc trong trại heo bệnh.
- Bảo vệ bất kỳ vết thương hở nào trên da cánh tay, da mặt…
- Loại bỏ mầm bệnh này càng sớm càng tốt.
»› Các nguyên nhân gây sẩy thai trên heo nái và 4 bước kiểm soát !
VietDVM team biên dịch.
(Theo thepigsite).