Ca bệnh được phát hiện tại tỉnh Liêu Ninh thuộc vùng Đông Bắc của Trung Quốc. Những dấu hiệu đầu tiên của ca bệnh này đó là có một lượng lớn heo chết trong khoảng thời gian 4 ngày, sau đó các chuyên gia thú y đã chẩn đoán trang trại đã mắc Bệnh dịch tả Heo châu Phi (ASF). Sau đây VietDVM.com sẽ trình bày chi tiết về ca bệnh này.
Thông tin của trang trại xuất hiện Bệnh dịch tả Heo châu Phi (ASF)
Trang trại heo được phát hiện trong trường hợp này là một trại heo giống lớn nằm ở vùng có mật độ nuôi heo cao thuộc tỉnh Liêu Ninh ở vùng Đông Bắc - Trung Quốc. Hệ thống trại được xây dựng mới cách đây 3 năm, trại được nằm trong một khu vực rộng lớn với hàng rào bao quanh ngăn cách khu vực bên ngoài.
Heo con được cai sữa lúc 21 ngày tuổi và toàn bộ heo giống đều từ heo nái của trại (không nhập heo giống từ bên ngoài). Heo con cai sữa được nuôi ở khu chuồng sau cai sữa ngay bên cạnh. Khi heo được khoảng 10 tuần tuổi, chúng được tách ra và chia vào các ô chuồng heo thịt.
Trại có một lượng công nhân lớn. Cũng có một đội chuyên về kỹ thuật và chuyên gia thú y, cùng với đội ngũ tư vấn ở ngoài trại.
Trại sử dụng thức ăn hỗn hợp từ một doanh nghiệp lớn trong nước cung cấp. Heo thịt được xuất bán cho các thương lái ở địa phương và các lò mổ trong vùng. Bất kỳ heo chết nào đều được thu gom bằng xe tải và tiêu hủy bỏ bởi các công ty ở địa phương.
Heo nái dạ và nái hậu bị giống được làm vaccine thương mại phòng E.coli, parvovirus, đóng dấu và Lepto. Heo con được làm nhiều loại vaccine vào khoảng 2 đến 8 tuần tuổi gồm: giả dại, suyễn heo (MH), lở mồm long móng (FMD). Giống như nhiều trại heo khác ở Trung Quốc, tỷ lệ chết ở chuồng sau cai sữa khoảng 8-15%, chủ yếu là do PRRS và các bệnh kế phát có liên quan. Tỷ lệ chết ở chuồng heo thịt và heo giống thường thấp hơn (0-3%)
Biểu hiện của ca Bệnh dịch tả Heo châu Phi ở trang trại
- Trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2018, khu vực heo giống đã được tái đàn với việc nhập một lô heo hậu bị mới lên đến 4500 heo (heo được hơn 3 tháng tuổi). Lô heo này được vận chuyển bằng xe tải từ một công ty giống heo ở vùng đông bắc (cùng khu vực địa lý).
- Từ tháng 5 đến ngày 14 tháng 8 năm 2018, có 18 trong số 4500 heo của lô heo này bị loại thải hoặc chết do nhiều nguyên nhân khác nhau (ít hơn 1 con chết/tuần)
- Vào ngày 15 tháng 8, một số heo ở một khu chuồng có biểu hiện ủ rũ, sốt cao, tiêu chảy lẫn máu, và có 3 con bị chết.
- Ngày 16 tháng 8: có 10 heo ốm, với 8 con chết.
- Ngày 17 tháng 8: có 150 heo ốm với 23 con chết.
- Ngày 18 tháng 8: có 300 heo ốm với 26 con chết.
- Ngày 19 tháng 8: có 615 heo ốm với 88 con chết.
Tình hình trại vì vậy rất khẩn cấp với lượng lớn heo chết bất thường trong vòng 4 ngày (có 145 con chết) và xu hướng ngày càng tăng
Nhóm chuyên gia thú y đã trực tiếp đến khu chuồng phát hiện heo chết và ốm. Nhóm này cho biết những con heo còn lại nói chung lờ đờ, ủ rũ và tụ lại với nhau, sốt cao 41ºC đến 42ºC. Chân heo bình thường. Nhiều heo chảy nước mũi có bọt, nhiều con trong nước mũi có lẫn máu. Heo tiêu chảy có phân lẫn máu và dính ở hậu môn. Nhiều con khó thở và thường nằm nghiêng một bên để dễ thở hơn. Da và niêm mạc vàng, xuất huyết điểm trên da vùng ngực và bụng.
Nhóm chuyên gia đã thực hiện một cuộc mổ khám toàn diện với đối với một số heo bệnh. Có nhiều xuất huyết rõ rệt ở hầu hết các hạch lympho của cơ thể. Ví dụ, hạch lympho màng treo ruột các hạch này xuất huyết giống như “một chùm nho tím”.
Khí quản và phế quản có một lượng lớn dịch phù lẫn bọt với cả lẫn máu ở một số con, được xác định có nguồn gốc từ dịch tiết mũi. Phổi có một số bị sung huyết lan tràn và phù còn lại thì bình thường.
Gan và lạch sưng to. Túi mật xuất huyết đen rõ rệt. Lách sưng to đồng đều ở toàn bộ lách, sờ vào cứng chắc, kích thước gấp 4 đến 6 lần bình thường.
Có dịch lỏng trong ổ bụng. Các tổn thương do xuất huyết điểm trên da và vàng da cũng được ghi nhận khi mổ khám
Công nhân trại đã cho heo dùng kháng sinh qua trộn thức ăn và pha nước uống nhưng hiệu quả không rõ rệt.
Chẩn đoán phân biệt với các bệnh có tỷ lệ chết cao ở heo lớn.
Biểu hiện của trại dường như không phù hợp với nguyên nhân do ngộ độc hoặc tác động vật lý khác.
Các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ chết cao ở một nhóm heo trưởng thành được nghĩ tới. Các tổn thương ở phổi được tìm thấy không đặc trưng với APP do đó nguyên nhân này đã được loại trừ.
Các nguyên nhân khác có gây tỷ lệ chết cao có thể gồm PRRS độc lực cao và circovirus với nhiễm trùng kế phát hoặc tác nhân khác như dịch tả heo cổ điển(CSF) cũng được nghĩ tới. Tuy nhiên, biểu hiện sốt xuất huyết nặng với lách sưng to bất thường có tỷ lệ cao là Bệnh dịch tả Heo châu Phi (ASF)
Những tuần trước đó, các kết quả về lâm sàng và mổ khám đã nghi ngờ về một chủng virus gây Bệnh dịch tả Heo châu Phi đã xâm nhập vào trại và gây tỷ lệ tỷ vong.
Điều tra về nguồn gốc dịch và các giải pháp đối phó hiện tại
Vùng Đông Bắc của Trung Quốc có biên giới đất liền giáp với Nga – một quốc gia có nhiểu ổ Bệnh dịch tả Heo châu Phi gây ra do chủng Georgia. Các vụ dịch ở Nga bắt nguồn từ các trại heo gần cảng biển Đen, là nơi thường vận chuyển thức ăn dư thừa để nuôi heo.
Phân tích chủng dịch tả heo châu phi gây bệnh tại Trung Quốc cho thấy nguyên nhân chính là chủng Georgia. Vì vậy có khả năng là sự nhiễm bệnh ở trại Đông Bắc này đến từ việc thu mua heo và quá trình vận chuyển heo sang các trại nước láng giềng Nga.
Virus gây Bệnh dịch tả Heo châu Phi có vật chất di truyền DNA lớn và phức tạp với nhiều lớp vỏ bên ngoài. Chúng có cơ chế để lẩn tránh phản ứng miễn dịch của cơ thể heo. Vì vậy việc phát triển vaccine chết và vaccine dưới đơn vị là ít có giá trị trong kiểm soát dịch tả heo châu phi.
Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu một vaccine sống nhược độc phòng bệnh nhưng chưa thành công.
Chìa khóa trong kiểm soát dịch tả heo châu phi hiện nay chủ yếu dựa vào việc tiêu hủy heo ốm, chết ở những trại bị nổ dịch và phòng các trường hợp nhiễm mới bằng an toàn sinh học chặt chẽ.
Virus gây Bệnh dịch tả Heo châu Phi chủ yếu được lây lan qua tiếp xúc với heo nhiễm bệnh (bao gồm cả heo rừng) hoặc các sản phẩm từ heo như thịt heo hay nội tạng. Mặc dù có ít heo rừng ở khu vực đông bắc tuy nhiên lại phổ biến ở phía nam Trung Quốc đặc biệt là các tỉnh nhiều đồi núi.
Trên đây là một ca Bệnh dịch tả Heo châu Phi thực tế ở Trung Quốc được tạp chí heo quốc tế (pig333.com) đăng tải. Do là một trường hợp lâm sàng rất điển hình và nổ ra ở một trang trại có quy mô rất lớn, vì vậy VietDVM.com hy vọng có thể cung cấp thêm phần nào thông tin để các trang trại chăn nuôi heo ở Việt Nam có thể chủ động phòng Bệnh dịch tả Heo châu Phi (ASF) trước khi nó xuất hiện tại Việt Nam.
VietDVM team biên dịch
Bài và ảnh: Steven McOrist
Theo: Pig 333