Chuyện thịt heo rớt giá thê thảm nhiều tháng qua thì ai cũng biết. Nguyên nhân tại sao thì cũng không còn lạ nữa, đó là do sản xuất “cung vượt cầu” và còn vì xuất khẩu bấp bênh theo hình thức tiểu ngạch.
»› Một cú tát mạnh là chưa đủ cho chăn nuôi Việt Nam
»› Cuộc giải cứu heo trong lịch sử chăn nuôi
»› Cập nhật tình hình giá heo hơi
Tình trạng sản xuất thịt heo chẳng khác gì chuyện dưa hấu trước đây, chỉ có điều là với heo thì tệ hại hơn bởi giá trị cao hơn, nên thiệt hại cũng lớn hơn nhiều.
Vấn đề muốn nói ở đây là chuyện xuất khẩu thịt heo với hy vọng lập các vùng an toàn dịch bệnh để thuyết phục nước bạn mua cho. Không phải Việt Nam mình đã không cố thuyết phục các nước bạn mở thị trường heo cho mình. Nhưng như thông tin đã đưa thì khi mời họ ăn họ khen ngon nhưng bảo mua thì họ lắc đầu. Chắc cái họ lo nhất đó là vấn đề an toàn thực phẩm và cái lớn hơn có lẽ là “không sạch bệnh”. Ai cũng biết một trong các loại bệnh đáng sợ nhất là dịch lở mồm long móng (LMLM), một dịch bệnh tai ác lây lan đối với loài có móng như trâu bò, heo ở các nước trong vùng.
»› Thách thức trong xuất khẩu heo chính ngạch
Ở nước ta, dịch LMLM (FMD) đã hoành hành nhiều năm rồi. Do ý thức vệ sinh của người dân kém, quản lý thú y cũng yếu nên việc chống dịch bệnh kém hiệu quả và dịch bệnh thỉnh thoảng lại nổ ra. Cho đến thời buổi này rồi mà ở một số nơi xảy ra dịch bệnh vẫn có hiện tượng người ta vất heo chết ra sông suối, thì thử hỏi làm sao mà trừ diệt dịch bệnh tận gốc được!
Dịch LMLM được xem là bệnh nguy hiểm của cả vùng Đông Nam Á, được coi là dịch bệnh của cả “vùng”. Trong buôn bán chính thống, vấn đề dịch bệnh luôn được coi trọng và chịu nhiều ràng buộc khắt khe của pháp luật thú y. Đừng nghĩ giản đơn rằng ở một trại, một tỉnh nào đó không phát bệnh thì hiển nhiên được xem là sạch dịch bệnh LMLM. Điều đó giải thích tại sao chuyện mua bán thịt heo giữa ta và nước bạn thường chỉ xảy ra ở hình thức tiểu ngạch. Có lẽ cũng vì vậy mà mấy nước quanh ta chỉ xuất khẩu được thịt gia cầm, chứ có dám nói chuyện xuất khẩu thịt heo đâu!
»› Xuất khẩu heo sữa tăng mạnh
Thêm nữa việc giữ cho sạch dịch bệnh LMLM đối với một nước là phải mất bao nhiêu thời gian, công sức và tiền của. Đó là lý do mà không ai dại gì đi nhập thịt heo từ một nước nằm trong vùng dịch bệnh, nhất là nước đó gần đây vẫn thường xuất hiện dịch LMLM. Để tránh thiệt hại không đáng có cho chăn nuôi heo xin đừng làm cho người sản xuất mang ảo tưởng xuất khẩu được thịt heo chính ngạch trong thời gian ngắn sắp tới (trừ trường hợp heo sữa với số lượng ít ỏi).
Trong kinh tế thị trường cái đầu tiên phải suy nghĩ trước khi quyết định kinh doanh đó là khâu thị trường. Đáng buồn là ở nước ta người ta vẫn quen bán cái mình có! Cứ sản xuất ra rồi kêu la thị trường, cầu cứu nhà nước. Lòng tốt của xã hội là đáng quý, nhưng sự giúp đỡ tiêu thụ chỉ có ý nghĩa với địa phương nhỏ hẹp, sản xuất như vậy không hợp với quy luật thị trường!
Ngành nông nghiệp đã có chương trình tái cơ cấu, hãy xem xét và có chương trình phát triển vững chắc ngành chăn nuôi heo. Tình hình trước mắt đòi hỏi phải kiên quyết giảm số đầu heo, nhất là đàn heo nái, đặc biệt là ở các vùng nuôi heo tập trung cao. Người chăn nuôi phải sản xuất ra các thực phẩm an toàn không có dư lượng kháng sinh và chất cấm để lấy lại lòng tin của thị trường. Cũng nên chú ý khai thác các nguồn gen heo bản địa phù hợp với thị hiếu ăn uống của người Việt. Ngoài ra chăn nuôi heo đang góp vào vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vì thế phải kiểm soát chặt chẽ vệ sinh môi trường ở các cơ sở, địa phương chăn nuôi heo tập trung cao.
»› Chăn nuôi lợn vỡ trận vì tái cơ cấu nửa vời và yếu khâu thị trường
Để thiết thực giúp đỡ người nuôi heo, cơ quan quản lý cũng nên cập nhật thường xuyên thông tin thị trường cho các nhà sản xuất.
Chúng ta không nên đặt hy vọng gì nhiều vào xuất khẩu thịt heo bởi rào cản nghiêm ngặt của luật pháp thú y. Hơn chục nghìn tấn thịt heo sữa, heo choai xuất khẩu đi Singapore và Hồng Kông chẳng thấm tháp gì đâu! Một đất nước có gần một trăm triệu dân, có thói quen ăn thịt heo như nước ta thì thừa sức chủ động khâu tiêu thụ, tại sao lại cố sản xuất dư thừa để rồi phụ thuộc vào nước ngoài, họ có nhiều rào cản để từ chối hàng của mình bất cứ lúc nào. Mà để sản xuất ra lượng thịt heo dư thừa như hiện nay đâu phải dễ dàng, phải đánh đổi bằng bao nhiêu tỷ đô la nhập nguyên liệu thức ăn và nhiều thứ khác từ nước ngoài vào đấy!
Thật tình mà nói, thịt heo không phải là một ưu thế xuất khẩu của nước ta cũng như các nước trong vùng có nhiều dịch bệnh. Lại nữa giá thức ăn cao, giá thành luôn đắt hơn các nước chung quanh từ 1,2 đến 1,3 lần làm cho sản xuất thịt ở nước ta kém hiệu quả, khó cạnh tranh. Còn một lý do mà ít người lưu ý nữa đó là ở các nước nhiệt đới, vật nuôi phải tăng cường thải nhiệt, mất năng lượng nhiều nên tăng trọng thấp, lớn chậm hơn so với ở các nước ôn đới.
Hãy lo cho thị trường thịt heo rộng lớn trong nước để cho người dân được yên tâm tận hưởng những bữa ăn có thịt sạch, thịt an toàn.
GS Lê Viết Ly
Nguồn: Nhà chăn nuôi