Năng suất của một trại chăn nuôi heo nái thường được đánh giá dựa trên số con heo con cai sữa/nái/năm (chỉ số WSY) và năng suất của các trang trại thường được so sánh với nhau thông qua chỉ số này.
Tuy nhiên, chỉ số WSY này có thể thay đổi trong khi mọi yếu tố khác vẫn được giữ nguyên bình thường. Điều đó làm phát sinh những thắc mắc trong thực tế như:
- Tại sao chỉ khi tôi “đóng cửa trang trại” (không nhập thêm heo hậu bị, không tăng đàn) thì nó mới có thể hoạt động tốt nhất?
- Tại sao khi tôi tăng đàn thì năng suất của trại heo nái bắt đầu giảm xuống? nếu biết trước như vậy tôi đã không tăng đàn.
Trong cả hai trường hợp (và cả các trường hợp tương tự khác), sự khác biệt bắt nguồn từ khi trại tiến hành tăng kích thước đàn. Một ví dụ đơn giản sau đây sẽ giúp các bạn dễ hình dung hơn về chuyện gì đang diễn ra:
Ví dụ một trang trại có 500 heo nái, với năng suất đạt 2.4 tương đương 12 heo con cai sữa/nái/năm. Trang trại có xấp xỉ 100 heo nái đẻ mỗi tháng và khoảng 1200 heo con cai sữa mỗi tháng. Chỉ số WSY hàng tháng của trang trại khi đó sẽ là:
(1200 heo con cai sữa/500 heo nái) x 12 tháng = 28.8 WSY
[Hoặc có thể tính = 2.4 x 12 heo con cai sữa = 28.8 WSY]
Hãy tưởng tượng rằng, tháng tiếp theo, trang trại này tăng kích thước đàn của mình lên thêm 100 heo hậu bị → số heo nái toàn trại lúc này là 600 con nhưng 100 con hậu bị mới nhập về chưa thể sinh sản được ngay nên tháng đó, trang trại tiếp tục có 100 heo nái đẻ nhưng chỉ số WSY thì đã thay đổi:
(1200 heo con cai sữa/600 heo nái) x 12 tháng = 24 WSY
Vậy sự thật có phải là năng suất chăn nuôi của trại heo nái đã giảm so với tháng trước khi tăng đàn?
Không hề, hiệu quả chăn nuôi của trang trại đó vẫn giữ nguyên (tỷ lệ đẻ giữ nguyên trên cùng số heo nái). Nhưng sự thật là số heo nái mới thêm một là chưa bước vào thời kỳ sinh sản, hai là số heo con của chúng đang trong giai đoạn theo mẹ (chưa đến giai đoạn cai sữa) nên không thể tính vào “năng suất” được.
Tình hình sẽ không ổn định cho đến khi những heo nái mới nhập trại này có heo con cai sữa (trung bình là khoảng 5 tháng kể từ khi heo hậu bị nhập trại).
Đây là lý do tại sao chỉ số WSY lại thấp khi trại tiến hành tăng đàn và tăng lên cao hoặc duy trì khi trại giảm kích thước đàn hoặc giữ nguyên. Tuy vậy trên thực tế thì năng suất của trại heo nái vẫn giữ nguyên. Nếu không hiểu rõ bản chất vấn đề, trên giấy tờ sổ sách tính toán có thể chúng ta sẽ thấy năng suất chăn nuôi có sự biến đổi và dẫn đến những kết luận sai với thực tế.
Tương tự như chỉ số WSY, số lứa đẻ/heo nái/năm cũng có sự biến động khi kích thước đàn thay đổi (cụ thể như trong bảng 1). Trong trường hợp này, có một số tham số thay thế không bị ảnh hưởng khi kích thước đàn thay đổi được hội đồng sản xuất thịt heo quốc gia Mỹ gọi là chỉ số “Farrowing Index” và được tính như sau:
Farrowing Index = 365 / khoảng cách lứa đẻ trung bình của những heo nái đẻ trong khoảng thời gian đó.
Vì kích thước đàn không xuất hiện trong công thức trên nên chỉ số này hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi yếu tố đó. Và nó có thể là một chỉ số đáng tin cậy khi các trại muốn đánh giá tốc độ và hiệu quả sản xuất của một trang trại heo nái.
Bài viết trên là một ví dụ về tầm quan trọng của việc cần thiết phải hiểu đúng các chỉ số sản xuất chính được sử dụng để đánh giá hiệu suất chăn nuôi và cách thức tính toán các chỉ số đó để nắm bắt tình hình trang trại chăn nuôi heo nái một cách chính xác nhất, thực tế nhất.
»› Kỹ thuật nuôi heo nái: Các đường cấp thuốc hiệu quả cho heo!
Tiến Dũng.
(Theo: pig333)