Viêm hồi tràng là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Lawsonia intracellularis gây ra trên heo với nhiều dạng triệu chứng bệnh tích lâm sàng như tế bào thành ruột tăng sinh; ruột viêm và xuất huyết; viêm ruột hoại tử; heo tiêu chảy từ phân màu vàng đến đen thối khắm đến phân có máu…
Điều đặc biệt là mầm bệnh dù được gọi là vi khuẩn nhưng lại sống ký sinh trong nội bào và chỉ có thể nhân lên bên trong tế bào giống như virus. Đây là một trong những lưu ý mà chúng ta cần nhớ đề điều trị được hiệu quả sau này.
Ở trong những phần trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về cơ chế gây bệnh cũng như những ảnh hưởng của bệnh lên cơ thể heo.Trong phần tiếp theo ngày hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục chủ đề viêm hồi tràng trên heo với nội dung xoay quanh cách xử lý khi trại nhiễm bệnh và các biện pháp phòng bệnh.
Xem thêm:
»› Nguyên nhân heo mắc bệnh viêm hồi tràng
»› Phân biết heo mắc bệnh viêm hồi tràng và Balantidium
Làm gì khi trại có heo nhiễm bệnh viêm hồi tràng?
Ngay khi phát hiện ra trại có heo nhiễm bệnh, Việc đầu tiên là nếu có thể thì nên tách toàn bộ heo bệnh ra một khu vực riêng biệt để điều trị riêng và tiện theo dõi. Ngoài ra, cần lưu ý loại bỏ hết tất cả các yếu tố gây stress cho heo.
Với bệnh viêm hồi tràng, khi điều trị muốn hiệu quả thì buộc phải dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn. Chọn những kháng sinh có tác dụng trên các vi khuẩn nội bào.
Bước 1: Tiêm trực tiếp kháng sinh và sắt cho những heo bệnh.
- Các kháng sinh có hiệu quả trong trường hợp này có thể dùng bao gồm: tetracycline hoặc tylosin, tiamulin và lincomycin.
- Ngoài ra có thể bổ sung sắt cho heo với liều 300-800mg /1 lần tiêm để bổ sung vào lượng máu mất do xuất huyết.
Bước 2: Trong trường hợp bệnh bùng phát cấp tính, pha kháng sinh dạng bột vào trong nước hoặc trộn vào trong thức ăn cho toàn đàn để vừa phòng vừa trị. Các kháng sinh có thể lựa chọn bao gồm như trên:
- Kháng sinh pha nước: tetracycline hoặc tylosin, tiamulin và lincomycin.
- Trộn thức ăn: Chlortetracycline; valnemulin, tiamulin, tylosin, lincomycin; tylosin acetylvaleryl…
- Liệu trình tham khảo:
+ Pha vào nước và cho uống trong 2-3 ngày một trong những loại kháng sinh sau: OTC / CTC / Tylosin.
+ Sau 2-3 ngày đó thì ngưng pha vào nước mà trộn luôn vào thức ăn trong 2-3 tuần liên tục với liều lượng: 400g OTC (CTC) / tấn thức ăn; hoặc 100g tylosin / tấn thức ăn.
Nếu sau đợt điều trị thứ nhất khoảng 3 tuần mà bệnh tái diễn thì đợt bệnh thứ 2 thường bùng phát trong vòng 18 ngày.
Bước 3: Đối với những heo nái thay thế đàn vừa mới nhập về thì có thể trộn ngay kháng sinh vào thức ăn trong 4-6 tuần tùy trại để phòng ngừa và kiểm soát mầm bệnh được tốt.
- Cách 1: trộn với liều 300-500g tetracycline/tấn thức ăn.
- Cách 2: trộn 100g tylosin /tấn thức ăn.
Bước 4: Vệ sinh sát trùng và tiêu độc toàn bộ chuồng trại để giảm áp lực mầm bệnh. Đồng thời quản lý chặt không để động vật gặm nhấm vào trại làm phát tán mầm bệnh.
Bước 5: Làm mềm và pha loãng thức ăn ra như cháo và cho heo ăn như vậy trong khoảng 2 tuần.
Như vậy với viêm hồi tràng thì thuốc kháng sinh nội bào chính là phương pháp điều trị chiến lược. Ngoài ra các biện pháp khác như vệ sinh sát trùng, chăm sóc nuôi dưỡng được coi như phương pháp điều trị bổ trợ khá hiệu quả.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh Viêm hồi tràng trên heo
Bất cứ bệnh nào không riêng gì bệnh viêm hồi tràng trên heo nếu như phòng được từ xa là tốt nhất. Dưới đây là 2 biện pháp phòng bệnh chính của viêm hồi tràng.
Phòng bệnh bằng vaccine.
Đây được coi là một phương pháp thay thế kháng sinh. Vaccine được chế tạo từ một chủng vi khuẩn Lawsonia intracellularis đã bị làm suy yếu và được chủng cho heo con cai sữa lúc 3 tuần tuổi nhằm mục đích:
- Giảm sự tổn thương trên ruột nếu heo nhiễm vi khuẩn Lawsonia intracellularis.
- Đồng thời giảm các ảnh hưởng của bệnh lên heo cụ thể như giúp heo không bị vi khuẩn làm cho tăng trưởng chậm và giảm cân.
Vaccine có thể bảo vệ heo trong vòng ít nhất là 17 tuần. Ban đầu vaccine được thiết kế theo kiểu hòa với nước cho uống, tuy nhiên do sự có mặt của hypochlorite trong hầu hết nguồn nước làm giảm tác dụng của vaccine nên sau đó người ta không mấy khi hòa vaccine với nước cho heo uống nữa.
Sau đó nhiều nhà sản xuất có xu hướng chuyển sang kiểu chia vaccine theo liều cho từng cá thể heo thay vì hòa vào nước cho uống như trước nhưng kiểu chủng vaccine này chỉ nên dùng khi có khuyến cáo của bác sĩ thú y điều trị.
Việc các kháng sinh chống lại vi khuẩn Lawsonia intracellularis hoạt động trong ruột cùng thời điểm làm vaccine được đánh giá là không ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine.
Nồng độ oxit kẽm ở mức điều trị trong thức ăn cho heo cũng được xác định là không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.
Tuy nhiên, khi heo nhiễm trùng hỗn hợp cùng lúc nhiều mầm bệnh thì vaccine được xác định là không cung cấp khả năng kiểm soát hoàn toàn về một số triệu chứng lâm sàng như sự phát triển của tiêu chảy.
Trường hợp heo con khi sinh hoặc ngay sau khi sinh (và trước khi làm vaccine – 3 tuần tuổi) mà có nguy cơ đã nhiễm bệnh thì có thể cân nhắc đến việc chủng liều 2 cho heo lúc khoảng 20 tuần tuổi. Tuy nhiên việc làm này cần được sự chỉ định của bác sĩ thú y trực tiếp điều trị.
Phòng bệnh bằng vệ sinh an toàn sinh học và cải thiện quy trình, môi trường chăn nuôi.
- Hạn chế chăn nuôi với mật độ quá dày.
- Nếu phát hiện heo có nghi ngờ về bệnh thì có thể dùng kháng sinh tylosin ngay trước khi bệnh bùng phát cấp tính trong vòng 4 tuần liên tục.
- Cách ly ngay lập tức những heo nhiễm bệnh ra một khu vực riêng và tiến hành điều trị.
- Giảm tối đa mọi yếu tố stress ảnh hưởng lên heo.
- Hạn chế tối đa việc “trộn” heo giữa các đàn với nhau.
- Đảm bảo heo luôn đủ nước uống.
- Rửa sạch, khử trùng và để trống chuồng nuôi trước khi nhập lứa heo nái hậu bị tiếp theo: nên chọn các loại thuốc khử trùng có hiệu quả cao với mầm bệnh.
- Tại những vùng chăn nuôi đang có dịch xảy ra, nên khử trùng và để trống chuồng trại giữa các lứa nuôi đồng thời nên có chiến lược sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý ngay từ đầu.
- Việc kiểm soát không cho vi khuẩn lây lan từ lứa heo cũ sang lứa heo mới nhập đàn là việc làm quan trọng nhất và có ý nghĩa dịch tễ nhất.
- Chăn nuôi “cùng vào cùng ra”.
- Giữ cho ô chuồng nuôi luôn khô ráo, càng khô càng tốt.
- Thực hành và giám sát các hành động liên quan đến an toàn sinh học của toàn trại một cách nghiêm túc và đều đặn trong suốt quá trình chăn nuôi.
Như vậy, trên đây là toàn bộ những hành động cụ thể bạn cần thực hiện ngay khi phát hiện heo nhiễm bệnh cũng như các biện pháp phòng bệnh trong suốt quá trình chăn nuôi. Chúng tôi không đảm bảo bạn làm tốt tất cả những điều trên thì bệnh không xảy ra nhưng nếu bạn có thể làm tốt đến đâu thì thiệt hại kinh tế chắc chắn giảm đến đó. Vietdvm.com chúc các bạn chăn nuôi thành công.
VietDVM team