Viêm loét dạ dày trên heo nái từ lâu đã là vấn nạn của ngành chăn nuôi heo Đan Mạch. Theo thống kê từ giữa năm 2016 đã cho kết quả có tới khoảng 50% số heo nái của nước này bị bệnh. Heo bị loét dạ dày có tỷ lệ tử vong tăng và heo con sinh ra giảm tăng trưởng, đồng thời giảm lợi nhuận trong chăn nuôi khá nhiều. Điều này buộc ngành chăn nuôi Đan Mạch phải đầu tư giải quyết vấn đề trên một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
»› 4 thách thức ngắn hạn của ngành công nghiệp thịt heo châu Âu
»› 7 công ty chăn nuôi heo có số heo nái lớn nhất thế giới
Các nỗ lực trong nghiên cứu phòng ngừa loét dạ dày trên heo nái.
Từ những năm 1998, Đan Mạch đã có những nghiên cứu bước đầu về việc ảnh hưởng của thức ăn đến việc loét dạ dày. Các nhà khoa học thời đó đã chỉ ra rằng thức ăn nghiền và thức ăn đã chế biến sẵn cũng như thành phần thức ăn có ảnh hưởng mật thiết đến hiệu “sức khỏe” của dạ dày và tỷ lệ viêm loét.
Dựa vào các kết quả đó, người ta ngăn chặn viêm loét dạ dày cho heo nái bằng cách cho heo ăn thức ăn thô thay vì ăn thức ăn đã được nghiền sẵn hoặc thức ăn viên. Tuy nhiên điều đó đồng nghĩa với việc giảm lượng thức ăn thu nhận và tăng chi phí thức ăn.
Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy việc thường xuyên lót rơm trong chuồng heo nái cũng có thể giúp làm giảm tỷ lệ loét dạ dày. Tuy vậy, người chăn nuôi heo khó có thể kiểm soát được lượng rơm trong chuồng nuôi.
Có thời gian, người ta còn bổ sung thêm vỏ cây gai dầu (hemp) vào trong thức ăn chăn nuôi với kỳ vọng sẽ giúp heo nái giảm tỷ lệ và mức độ viêm loét dạ dày nhưng hiệu quả mang lại thực sự không như kỳ vọng.
Từ đó đến nay dù Đan Mạch đã đầu tư rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc nhưng vẫn chưa có một giải pháp nào thực sự hiệu quả. Các nỗ lực nghiên cứu cho đến hiện tại chỉ mới dừng lại ở mức: “việc điều chỉnh khẩu phần ăn và chế độ cho ăn dường như là cách tốt nhất để ngăn chặn viêm loét dạ dày cho heo nái”.
Báo động cấp quốc gia và chiến dịch 2017-2018.
Đầu năm 2017 đến nay, tỷ lệ các ca bệnh ngày càng tăng buộc Đan Mạch phải đặt mức báo động cấp quốc gia đối với bệnh loét dạ dày trên heo nái. Đồng thời một chiến dịch toàn quốc được phát động nhằm mục đích tìm kiếm nguyên nhân, biện pháp chẩn đoán cũng như hướng khắc phục.
Theo đó, trong 2 năm tới, toàn bộ dạ dày heo tại các lò mổ ở Đan Mạch sẽ được kiểm tra nhằm xác định mức độ phổ biến của bệnh để có các biện pháp giảm thiểu tương ứng.
Cũng trong năm 2017 và 2018, các lò mổ sẽ thu thập một cách ngẫu nhiên dạ dày của 20 heo nái trên cùng 1 trại từ các trang trại có quy mô 200 nái trở lên, sau đó người ta sẽ kiểm tra từng con một trong phòng thí nghiệm và tìm ra bất kỳ mầm bệnh nào có trong cơ thể chúng.
Sau mỗi 3 tháng, kết quả sẽ được công bố (danh tính của trại được dấu kín) trên trang web của SEGES (trung tâm nghiên cứu heo quốc gia), và mỗi trại sẽ được thông báo về kết quả của các cuộc thử nghiệm được thực hiện trên vật nuôi của họ. Nếu trại có hơn 50% số heo nái bị loét dạ dày cấp độ 7 trở lên, chủ trại và các bác sỹ thú y hoặc chuyên gia tư vấn sẽ chuẩn bị một kế hoạch hành động để cải thiện “sức khỏe” dạ dày cho đàn heo nái đó.
Mặt khác, các trang trại được chọn sẽ phải hoàn thành một bảng câu hỏi được thiết kế sẵn nhằm tìm kiếm nguyên nhân cũng như làm căn cứ để đưa ra các giải pháp, khuyến cáo, hướng dẫn phù hợp, cụ thể cho trại.
Những nỗ lực của Đan Mạch cho đến nay dù chưa hoàn toàn giải quyết được vấn đề nhưng ít nhiều cũng hạn chế được phần nào tổn thất. Tuy vậy, những thiệt hại do heo nái bị loét dạ dày thực sự là con số không hề nhỏ đối với một ngành chăn nuôi của bất kỳ quốc gia nào chứ không riêng gì Đan Mạch. Hy vọng với những biện pháp quyết liệt như trên, Đan Mạch sẽ sớm làm chủ được tình hình.
Phạm Nga tổng hợp.