Trong 2 bài viết trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về mầm bệnh cầu trùng trên heo từ đặc điểm cho đến vòng đời của mầm bệnh cũng như các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh cầu trùng trên heo rất cặn kẽ, chi tiết. Trong bài viết kỳ này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm về cách phòng và điều trị khi heo nhiễm cầu trùng nhằm giảm thiểu tối đa mọi thiệt hại có thể xẩy ra.
Nguyên nhân truyền lây mầm bệnh và các biện pháp phòng bệnh cầu trùng trên heo.
Để phòng bệnh cầu trùng trên heo hiệu quả, trước hết chúng ta cần nắm rõ mọi con đường truyền lây của mầm bệnh và ngăn chặn càng triệt để càng tốt.
Các biện pháp phòng bệnh cầu trùng ở trên dù có làm tốt cũng chỉ hạn chế được mầm bệnh khi ở ngoài môi trường. Bởi vậy, song song với đó, chúng ta cần phải sử dụng thuốc phòng bệnh cho từng cá thể heo con trong giai đoạn heo từ 2-5 ngày tuổi để tiêu diệt mầm bệnh trong cơ thể heo nếu có.
Thuốc đặc hiệu với cầu trùng được khuyến cáo nhiều nhất hiện nay vẫn là Toltrazuril với khả năng có thể tiêu diệt tất cả các giai đoạn của mầm bệnh trong đường ruột. Với liều dùng tùy thuộc khuyến cáo của nhà sản xuất nhưng thường là 1ml/2,5kg thể trọng, dùng 1 lần duy nhất phun qua đường miệng.
Việc phòng bệnh cầu trùng cho heo nói riêng và phòng bệnh tổng thể cho toàn trang trại nói chung chỉ đạt hiệu quả cao khi chúng ta tiến hành đồng bộ, trên diện rộng các biện pháp an toàn sinh học tổng thể từ việc tiêm vaccine, phòng bệnh bằng thuốc, vệ sinh, khử trùng, khống chế điều kiện môi trường thoáng ấm cho đến chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý.
Những căn cứ để xác định heo đã nhiếm bệnh cầu trùng
Muốn điều trị hiệu quả bệnh cầu trùng trên heo, việc đầu tiên là cần chẩn đoán đúng bệnh, dưới đây là 1 vài căn cứ sơ qua giúp chúng ta đưa ra kết luận heo có nhiễm cầu trùng.
- Heo ≥ 5 ngày tuổi.
- Tiêu chảy phân màu trắng sữa, vàng, xám, có thể có máu.
- Điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả.
- Xét nghiệm phân thấy có kén hợp tử của cầu trùng.
- Xét nghiệm mô bệnh học ở thành ruột phát hiện có sự xuất hiện của coccidia.
Các bạn có thể xem chi tiết các biểu hiện triệu chứng, bệnh tích của bệnh trong bài viết các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh cầu trùng trên heo trước đó đã được chúng tôi phân tích rất kỹ càng.
Làm gì khi xác định heo đã nhiễm cầu trùng?
1. Cách ly toàn bộ heo bệnh ra 1 ô chuồng riêng.
2. Vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ trong và ngoài khu vực trại ít nhất 0,5 km định kỳ 2 ngày/1 lần.
3. Bơm vào miệng mỗi heo 1 lượng dung dịch Toltrazuril với liều lượng 1ml/2,5kg thể trọng. Bơm 1 lần duy nhất.
4. Kết hợp tiêm và trộn kháng sinh hoạt phổ rộng phòng các mầm bệnh kế phát cho heo như Amoxicilin-Colistin chẳng hạn.
5. Bổ sung thuốc nhằm tăng sức đề kháng cho heo trong trường hợp heo quá yếu: vitamin tổng hợp và điện giải…
6. Tiếp tục theo dõi, chăm sóc, vệ sinh cẩn thận cho đến khi heo khỏi hẳn.
Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, những trang trại có mật độ cầu trùng càng cao thì trọng lượng heo con cai sữa của trại càng thấp, đồng nghĩa với trọng lượng heo xuất chuồng thấp – là 1 tổn thất không hề nhỏ đối với những trang trại chăn nuôi, chưa kể đến tỷ lệ heo chết do cầu trùng.
Hy vọng, những thông tin hữu ích trên có thể giúp các bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa cũng như hạn chế những thiệt hại do bệnh cầu trùng tren heo gây ra.
VietDVM team