Như các bạn đã biết ở bài viết trước, bệnh khô thai, sẩy thai truyền nhiễm do Parvovirus (PPV) là một bệnh rất nguy hiểm và gây ra rất nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi heo từ trước đến nay.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cách thức virus này gây bệnh cho heo nái như thế nào để từ đó có cơ sở vững chắc cho việc chẩn đoán, điều trị và phòng tránh bệnh trong thực tiễn.
Thai bị chết ở nhiều giai đoạn khác nhau (ảnh internet)
Xem nhiều
»› Các bài viết về Parvovirus trên heo
»› Kỹ Thuật đỡ đẻ cho heo và biện pháp nâng cao hiệu quả
Đường lây nhiễm chủ yếu của Parvovirus vào heo con là qua nhau thai (khi heo chưa sinh ra) và qua mũi, miệng (khi heo con đã sinh ra).
Đường lây nhiễm chủ yếu của virus vào heo con là qua nhau thai (ảnh minh họa)
Nếu heo nái bị nhiễm Parvovirus lần đầu tiên khi không mang thai thì sẽ không có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng nào. Đối với heo nái đang mang thai: virus xâm nhập vào cơ thể, phát triển và gây nhiễm trùng máu. Từ trong máu, virus Parvo mất khoảng 10-14 ngày để vượt qua nhau thai ở mọi giai đoạn phát triển và xâm nhập vào bào thai → gây nhiễm trùng bào thai → virus trực tiếp phá hoại các mô, cơ quan của phôi, bào thai → nhiều loại tế bào của chúng bị ảnh hưởng, đặc biệt là phân bào hoạt động nội mạc mao mạch và tế bào thần kinh → dẫn đến hiện tượng chết phôi, khô thai, thai chết lưu, sẩy thai.
- Nếu Parvovirus xâm nhập vào bào thai ở giai đọan khoảng 35 ngày đầu của thai kỳ, khi phôi thai chưa hình thành xương → gây chết phôi, các dịch ở túi phôi và các mô mềm được heo mẹ tái hấp thu → thai khô.
- Nếu Parvovirus xâm nhập vào bào thai ở giai đoạn 35-70 ngày mang thai → hiện tượng thai chết lưu và khô thai.
Lưu ý:
- Tất cả các trường hợp trên đều dẫn đến hậu quả heo nái động dục không thường xuyên, số lượng heo con/ổ giảm.
- Không phải chỉ có Parvo virus gây thai hóa gỗ.
Ở giai đoạn thai kỳ 70 ngày trở lên, bào thai đã có khả năng tự miễn dịch → nếu Parvovirus xâm nhập vào lúc này, thai nhi đã có thể chống lại virus và tồn tại.
Sẩy thai do bệnh tai xanh Sẩy thai do PPV
Vì vậy, nếu nái nhiễm lần đầu tiên sau 55 ngày của thai kỳ thì rất khó phát hiện do không có dấu hiệu sẩy thai, thai hóa gỗ. Đây là điểm khác biệt của bệnh do Parvovirus so với bệnh tai xanh (PRRS). PRRS chỉ giết chết bào thai sau 70 ngày tuổi nên thai hóa gỗ trong bệnh tai xanh thường lớn và ở độ tuổi trên 70 ngày.
Sau khi 1 phôi hoặc 1 bào thai bị nhiễm virus, virus lây lan rất chậm từ bào thai này sang bào thai khác. Kết quả là thai hóa gỗ trong bệnh do PPV có độ tuổi (35-70 ngày) và kích thước khác nhau (30-160 mm).
Thai bị chết ở nhiều giai đoạn khác nhau sau đó bị hấp thu thành thai khô
Ngoài ra, tác động trực tiếp của Parvovirus lên tử cung còn là 1 yếu tố góp phần làm heo nái sẩy thai.
Như vậy, Hiểu rõ cách Parvovirus gây bệnh cho heo sẽ giúp chúng ta lý giải được một cách cặn kẽ hơn về việc tại sao PPV lại nguy hiểm đến như vậy. Đồng thời cũng giúp chúng ta có cách tiếp cận vấn đề tổng quát hơn, chính xác hơn khi chẩn đoán. Trong những phần tiếp theo, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bạn thêm những thông tin liên quan như triệu chứng, bệnh tích hay cách xử lý đối với Parvovirus nhằm giúp hạn chế tối đa những thiệt hại không đáng có.
Xem nhiều: Biện pháp kiểm soát bệnh do Parvovirus
Phạm Nga